“Sinh ra kiếp này chỉ có nghiệp bếp thôi!”
Khi được hỏi về những khát vọng trong cuộc sống, chị im lặng thật lâu. Đôi mắt rưng rưng, bàn tay đưa lên ngực như cố ngăn cơn xúc động. Dường như câu hỏi vô tình đã chạm đến nỗi niềm nào đó của chị…
Chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải (Tổng giám đốc công ty cổ phần Nghệ thuật Ẩm thực Việt; Hiệu trưởng trường Mint Culinary School) là cái tên không còn xa lạ với mọi người, đặc biệt với những ai yêu bếp. Nhưng ít ai biết rằng người phụ nữ này còn là một người truyền lửa mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.
Tịnh Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống bếp núc. Tình yêu bếp của chị bắt nguồn từ người mẹ là một nghệ nhân nổi tiếng đất kinh kỳ nhưng Tịnh Hải ngày đó chưa định hình được đam mê của mình. Chị vượt ra khỏi khuôn khổ nghề truyền thống của gia đình bước chân vào ngành luật tìm kiếm hướng đi mới. Thế rồi nghề bếp như một cái duyên tiền định kéo chị trở về, chị nhận ra “mình sinh ra kiếp này, đời này chỉ có nghiệp bếp mà thôi!”.
20 năm sống hết mình với nghề, tình yêu và đam mê thôi thúc chị thành lập ngôi trường dạy bếp – một nơi để chị được sống hết mình, được truyền ngọn lửa nghề cháy bỏng, ươm mầm khát vọng cho học viên.
Từ đâu chị có suy nghĩ hướng giới trẻ vào gian bếp?
Tuổi trẻ bây giờ áp lực cuộc sống rất nhiều, gian bếp đối với các em ngày càng mất đi. Tôi muốn kéo nó lại, bởi tôi nhận thấy một điều rất quan trọng của chuyện bếp núc với người trẻ. Thứ nhất nấu ăn cũng là cách thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Thứ hai học hành xa nhà biết nấu ăn sẽ tự lo được cho bản thân. Thứ ba nấu ăn để chăm sóc con cái, gia đình, chưa kể đi làm tiếp khách cũng phải biết món ngon để đãi đằng. Hơn nữa nhu cầu của cuộc sống là ăn và mặc, cái đỉnh của cuộc sống chính là cái ăn. Từ người đẹp, chính khách cho đến người lao động bình thường ai cũng cần có cái ăn để tồn tại. Vậy nên bếp quan trọng lắm chứ!
Nhưng làm thế nào để thu hút họ?
Trước hết là hình ảnh của mình vì giới trẻ rất tinh tế, cái đập vào mắt họ đầu tiên phải là hình ảnh. Vậy thì người muốn truyền lửa, ngoài kỹ năng và nhiệt huyết trước hết phải xây dựng được hình ảnh của mình cả về đạo đức, năng lực lẫn ngoại hình làm sao vừa đủ để gần gũi, để các bạn trẻ chấp nhận được.
Kế đến là tư duy. Tư duy của tôi thoáng, nhẹ nhàng, hiểu được chính mình và hiểu người khác. Tôn trọng và chủ động đến với họ, xem họ là bạn của mình. Tôi luôn đặt mình ngang bằng với họ, điều này giúp tôi khám phá ra được rất nhiều cái hay của họ mà chính tôi còn học hỏi từ đó.
Chị đã xây dựng hình ảnh của mình như thế nào?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một người nổi tiếng. Không biết bắt đầu từ đâu, nhờ vào sự may mắn hay chủ định riêng của một chuyên gia ẩm thực. Mà có lẽ nó xuất phát từ bản chất của con người tôi. Tôi luôn khao khát được học hỏi và chia sẻ. Tôi tốt nghiệp đại học Luật, đại học Văn Hóa, thạc sĩ ẩm thực và dinh dưỡng tại New York. Ngoài ra tôi còn tham gia nghiên cứu về văn hóa và ẩm thực khắp đất nước và cả nước ngoài. Tôi nghĩ kiến thức làm nên giá trị của con người.
Theo chị nghề bếp có phải là một nghề cạnh tranh?
Chưa bao giờ trong đầu tôi có hai chữ cạnh tranh với bạn bè đồng nghiệp hay bất kỳ ai. Trong ẩm thực mỗi người mỗi vẻ, ai cũng có đam mê và lý tưởng tuyệt vời của mình, vì thế tôi không nghĩ đến chuyện cạnh tranh. Tôi được hôm nay là một sự kế thừa từ những hình tượng tôi yêu mến như cô Triệu Thị Chơi, cô Diệu Thảo. Tôi nghĩ mỗi người tạo nên nét riêng biệt trong văn hóa ẩm thực mà tất cả những giá trị đó đều đáng được bảo tồn và phát huy. Chúng ta cần nhiều và nhiều đầu bếp giỏi hơn nữa, để cùng nhau đưa được ẩm thực Việt ra thế giới. Làm được hay không là cái duyên của mỗi người, nhưng nhiệm vụ chung là truyền đạt, chứ không phải cạnh tranh, giấu giếm nghề. Vì vậy trường nào mời tôi cũng dạy, ở đâu cần tôi đến, cho tôi một chỗ nói chuyện về nấu ăn là tôi vui rồi, bởi mục đích của tôi là truyền tải lại tâm huyết, kiến thức của mình cho thế hệ trẻ.
Chị đã tìm ra được người kế thừa?
Kế thừa có nhiều sự kế thừa, tôi tạo cơ hội tuyệt đối cho mọi người, làm cho người ta cảm thấy đam mê. Tôi sẵn sàng chia sẻ và định hướng cho những người mà tôi nhìn thấy tiềm năng của họ. Chẳng hạn khi gặp một học viên có tiềm năng nhưng không phát huy được, tôi vừa dạy về ẩm thực vừa khơi dậy cái đam mê trong họ. Phương châm của tôi là nhìn ra học trò nào học có năng khiếu tôi dạy, không thì tôi trả tiền lại để em tìm một hướng đi phù hợp. Tôi cần những người giỏi và yêu nghề thật sự để cùng đi, chứ tôi thành lập trường không nhằm mục đích kinh doanh.
Thành công của chị đến hôm nay là gì?
Thành công của học trò chính là thành công của tôi. Tôi không quan tâm mình được gì – tiền bạc hay địa vị. Tôi chỉ cần hình ảnh của mình hiện diện trong lòng học trò, những lúc vui buồn với nghề họ điều nghĩ đến tôi, đó mới là hạnh phúc và thành công thật sự của tôi.
Vậy còn khát vọng của chị thì sao? Chị có vẻ rất xúc động khi nói đến điều này…
Khát vọng lớn nhất của tôi… đừng cười tôi nhé!… thật sự khát vọng lớn nhất trong đáy lòng tôi chính là học trò của tôi được công nhận. Tôi làm tất cả vì học trò. Tôi không muốn khi học trò nói đến tôi họ chẳng có chút uy tín nào bước đi trong nghề. Thật lòng để xây dựng được ngôi trường với tôi có rất nhiều khó khăn, nhưng vì đam mê, vì để thế hệ trẻ yêu ẩm thực tôi quyết tâm thực hiện. Tôi thương học trò như em út của mình, có trò đi học không có tiền, trong túi tôi có năm trăm, một triệu tôi cho hết, có học trò sống trong nhà tôi hơn chục năm trời như chị em ruột. Tôi chỉ mong học trò của mình ra đời biết nâng niu, trân trọng cái nghề và cho đi như tôi đã trao cho họ.
Từng đi nhiều nơi, tham gia nhiều chương trình ẩm thực, câu chuyện nào để lại trong chị ấn tượng sâu sắc?
Năm 2012, tôi tham dự một chương trình về ẩm thực Việt Nam tại một trường đại học của Mỹ. Điều khiến tôi ấn tượng đó là sinh viên không biết Việt Nam ở đâu, có gì? Tôi đặt lại vấn đề nếu người ta không biết Việt Nam như thế thì ẩm thực Việt sẽ đi về đâu? Và trong tôi trỗi dậy khao khát phải đem ẩm thực Việt vươn ra thế giới nhiều và nhiều hơn nữa. Chính ẩm thực Việt sẽ cho người ta biết đến Việt Nam. Hôm đó, tôi cho họ nếm các món ăn Việt và chia sẻ cảm nghĩ của họ. Thông qua đó tôi đã có cơ hội giới thiệu hình ảnh đất nước trên tấm bản đồ đến với mọi người.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
NHƯ PHONG