Doanh nhân Lê Hoàng: Dành trọn tâm huyết phụng sự cho tâm hồn thành phố

Ra đời ngày 09/01/2016 – Đường sách TP.HCM, thường gọi Đường sách Nguyễn Văn Bình – hay Đường sách Sài Gòn nằm ở trung tâm Q.1 giờ đây đã thành điểm đến nổi tiếng tương tự như chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi… và các điểm đến khác của TP.HCM.

Hàng ngàn người đến đây mỗi ngày không để “buôn bán tiêu dùng” mà cùng trao nhau kiến thức, hạnh phúc tâm hồn dưới tán cây xanh và đắm mình trong thế giới của sách – “thoát ly” cuộc vật lộn mưu sinh thường ngày.

Gần 30 gian hàng cấu trúc đặc biệt của một thế giới những “Ông chủ chuyên nghiệp”, các nhà xuất bản cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng chăm lo cho văn hóa đọc cũng tề tựu nơi đây.

24h Sống Xanh đã có cuộc trò chuyện với anh Lê Hoàng – Giám đốc Công ty Đường Sách.

doanh-nhan-le-hoang
Lê Hoàng – Giám đốc Công ty Đường Sách.

Đường phố làm phúc lợi xã hội

Thưa, anh đã từng nói về ý tưởng và những tấm lòng “kiểu TP.HCM” mới làm được Đường sách – trong khi tỉnh thành khác trong nước cũng làm mà chưa thành công. Cụ thể thế nào ạ?

Ý tưởng tạo ra Đường sách xuất hiện từ truyền thống tôn vinh văn hóa đọc đã có từ trước đó của lãnh đạo cũng như người dân thành phố. Từ năm 2000 trở đi, cứ hai năm một lần Thành phố luôn có Hội sách rất lớn tập trung công sức của lãnh đạo thành phố và các nhà xuất bản, công ty sách, thường tổ chức ở công viên Lê Văn Tám, và Đường sách – Đường hoa mỗi dịp Tết về trên đường Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, trở thành nền nếp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố.

Đã có hội thảo đặt vấn đề “Đường sách TP.HCM. Tại sao không?” do Sở Thông tin Truyền thông và Hội xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức ngay trong Tuần lễ Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam (21/4/2015) trên đường Nguyễn Văn Bình, để thúc đẩy ý tưởng cần có một không gian và hoạt động thường xuyên ổn định cho Đường sách.

Điều đó cho thấy, không chỉ dừng ở ý tưởng mà còn tập hợp được sự vào cuộc đầy hăng say, tình yêu, mong mỏi và các cách làm rất đặc biệt mới ra được Đường sách. Thay đổi công năng một con đường là công việc không đơn giản, phải có chủ trương lớn của Thành ủy, Ủy ban, cùng đủ các bước pháp lý, đề án của các cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc nhiệt tình của Hội xuất bản, các đơn vị thành viên của Hội là các nhà xuất bản, công ty sách… Ngoài ra là các giải pháp quy hoạch, thiết kế thi công phù hợp với cảnh quan và nguyện vọng của người dân. Đó là công trình tập thể của thành phố, khâu nào cũng ủng hộ và chung tay vào với cùng một ước mơ biến con đường bỏ không vắng vẻ thành một không gian phúc lợi lớn cho xã hội về văn hóa.

doanh-nhan-le-hoang
Học sinh đọc sách tại Đường sách.

Mọi người thường khen cơ chế xã hội hóa được thực hiện và góp phần cho sự thành công của Đường sách. Anh có thể nói những điều anh ưng ý nhất, đem lại hiệu quả tốt nhất từ cơ chế này?

Có lẽ đây là lý do Đường sách TP.HCM thành công hơn nơi khác vì có cơ chế xã hội hóa thành công. Nhà nước quản lý bằng quy chế hoạt động, qua sự điều hành của Công ty Đường sách của Hội xuất bản. Việc đầu tư gian hàng, lắp đặt cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc kinh doanh giao cho các nhà xuất bản, công ty sách chủ động tổ chức thực hiện, họ chủ động hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật. Công ty Đường sách vận hành như một công ty phi lợi nhuận, bộ máy đơn giản vài người, hoạt động trên cơ sở hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ và từ nguồn quản lý phí để duy trì công tác an ninh trật tự, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, môi trường. Ngoài các việc trên, công ty Đường sách tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện tạo nên sinh khí, sức sống cho Đường sách, với phương thức kiến tạo ra một “sân chơi” chung, mang tính phục vụ, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đến cùng tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng ngày càng phát triển, thu hút ngày càng đông bạn đọc, công chúng đến với Đường sách này.

Phương thức tổ chức mang tính xã hội hóa này rất phù hợp với tính cách người Sài Gòn: kiểu chơi, chịu chơi và hợp tác trong tinh thần hướng thiện, tự nguyện, làm cho Đường sách ngày nào cũng là ngày hội vui vẻ của mọi người.

Ưng ý nhiều thứ lắm, nhưng cụ thể có thể nói đó là được sự quan tâm hết mức của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc kịp thời và phối hợp thành công của Hội xuất bản và các đơn vị xuất bản, phát hành sách. Việc tham mưu cho thành phố quyết định một mô hình tổ chức và phương thức xã hội hóa phù hợp góp phần cho sự thành công của Đường sách. Vui nữa là Đường sách không chỉ thu hút các tổ chức đoàn thể, xã hội trong nước mà ngày càng là điểm đến tin cậy của các tổ chức văn hóa nước ngoài như: Tuần lễ Văn học châu Âu, các hoạt động giới thiệu về văn hóa đất nước con người do các đại sứ quán nước ngoài đến đây tổ chức. Đặc biệt các cơ sở giáo dục, các trường học đưa các em học sinh từ mẫu giáo, tiểu học, phổ thông, đến tham gia các hoạt động tại Đường sách ngày càng đông.

doanh-nhan-le-hoang
Mừng sinh nhật cùng sách.

Nghe nói có sự lạ là “có đơn vị, cá nhân đi qua” thấy giúp được gì họ liền tự đến giúp, phải không ạ?

Đúng thế đấy. Tạm ví như “mạnh thường quân tự phát” tập đoàn Thành Thành Công ủng hộ hơn trăm triệu để tổ chức mỗi tháng một lần và kéo dài cả năm hơn cùng hoạt động “mừng sinh nhật cùng sách”; Tổng công ty Bút bi Bến Nghé và công ty TIE cũng vậy, rồi Karaoke Nnice cũng góp gần cả 100 triệu để hỗ trợ Đường sách tạo ra kênh YouTube “Đường sách Toàn cảnh”; Tập đoàn Trung Nam hỗ trợ Đường sách cùng Thành đoàn tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng và giải pháp về phát triển văn hóa đọc, công ty Honda tặng 500 triệu đồng làm khu sân chơi để các em đến chơi và tìm hiểu luật giao thông; hay Decor trang bị cho hệ thống bàn ghế, trang thiết bị phục vụ các hoạt động giao lưu, sinh hoạt với kinh phí lên tới trên trăm triệu. Cái xe buýt kiểu mô hình lạ mắt cũng được Sở GTVT mang đến tặng cho Đường sách để làm nơi ngồi đọc sách miễn phí cho các em thiếu nhi, học sinh hơn 4 năm nay rồi. Và gần đây nhất, anh Truyền – một doanh nhân yêu thích đọc sách, khi thấy tấm vải dù che nắng mưa tại sân khấu A hơi nhếch nhác, kém mỹ quan, anh đã ủng hộ gần 500 triệu đồng để hoàn chỉnh mái che cho sân khấu này, đưa vào hoạt động rất mỹ quan và lâu dài.

Họ yêu mà… tự nhiên cho. Gần 2 tỷ đồng chứ ít đâu! Vui lắm. Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa nói “đã biến con đường vô hồn thành nơi đầy tâm hồn”. Chúng ta muốn và Đường sách đã làm được như thế – một đường phố làm phúc lợi, đem lại môi trường tuyệt vời, mang đến cho mọi người có cuộc sống trí tuệ và hạnh phúc. Một điểm đến tuyệt vời.

Để có văn hóa đọc – mình chưa đủ sức làm thay toàn xã hội

Năm ngoái, doanh thu của các NXB ở Đường sách là 47 tỷ đồng, năm nay còn 33 tỷ đồng. Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề mọi ngành nghề. Đường sách đã ứng phó thế nào?

Đường sách tuân thủ chủ trương chung chống dịch của Nhà nước, đóng mở cửa đúng phép. Chúng tôi thực hiện mọi biện pháp y tế phòng dịch, bình xịt, khẩu trang, rửa tay, xếp hàng giãn cách… bảo đảm an toàn cho khách, nhất là việc các gia đình đưa con em đến đây tìm và đọc sách.

Doanh thu như thế là giảm 30% so với năm trước, nhưng so với các ngành kinh tế khác vậy là ít. Đường sách tăng cường bán online và đưa sách trực tiếp tới thanh thiếu niên trong trường học. Cũng phải xoay sở trong mọi hoạt động thôi.

doanh-nhan-le-hoang
Triển lãm tranh khắc gỗ tại Đường sách.

Anh thấy còn khó khăn gì ạ?

(Cười): Được làm việc nơi đây – con đường đẹp quá ưu đãi thuận lợi còn… kêu ca khó gì nữa? Dù… lương của các cháu nhân viên thấp vì công ty hoạt động phi lợi nhuận. Việc kinh doanh sách của mấy “ông” nhà xuất bản hiệu suất lợi nhuận thấp so với các ngành nghề kinh doanh khác, nếu cùng đặt tại ngay một con đường “đắc địa” ở trung tâm Sài Gòn như thế này. Nhưng mình phải tính “giá trị gia tăng” của con đường khi trở thành một điểm đến vui ích, một thương hiệu văn hóa của thành phố – niềm hạnh phúc và sự phụng sự không quy thành tiền được.

Nhưng thế nào mà chẳng có điều chưa ưng ý? Thí dụ đã “đột phá đến đâu văn hóa… lười đọc”?

Không gian nơi đây lôi cuốn người thích đọc đến ngày càng đông hơn. Ngoài việc cả gia đình đưa con em đến tìm và ngồi đây đọc sách, các trường đưa học sinh đến, các tác giả giao lưu với người đọc và nhiều giới, thúc đẩy đam mê đọc sách. Điểm đến của bạn bè, học giả, du khách, các sinh hoạt văn hóa khác.

So với số tiền bán sách năm đầu tiên 2016 là 26 tỷ đồng, giờ gần 50 tỷ đồng là tăng gần 200% sức mua sách, thấy rõ tác động của Đường sách đến văn hóa đọc của cộng đồng. Nhưng Đường sách diễn ra trong không gian không lớn, đối tượng hạn hẹp, không thể chủ quan nhận xét chứng minh tiêu biểu cho sức đọc của người Việt Nam, phải thông qua hệ số khác để thấy vấn đề rộng hơn, bản chất hơn. Thị trường xuất bản của ta đang ở vùng trũng so với khu vực, con số của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại lễ trao Giải thưởng sách quốc gia 2020: ta mới chỉ có 1,4 cuốn sách trên đầu người một năm, nếu kể cả sách giáo khoa – giáo trình cũng chỉ 4,4 cuốn sách trên một người một năm.

Đường sách mới chỉ dành cho số người ham đọc chứ chưa thể tính bình quân.

Xin cảm ơn anh và nhân sinh nhật Đường sách TP.HCM 5 tuổi, kính chúc anh luôn mãi năng động, đem lại những thành công và niềm vui mới cho đời sống cộng đồng.

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục