Lãng du trong văn hóa núi
Quảng Nam có diện tích phần lớn là núi rừng, nơi hội tụ văn hóa đa dạng của nhiều tộc người anh em. Nhưng ngày nay non xanh đã dần thưa thớt, văn hóa tộc người thiểu số miền núi cũng đang mai một. Muốn hiểu hơn về văn hóa miền núi Quảng Nam, ngoài bước chân thực địa, thì hãy lãng du trong truyện cổ của người anh em vùng cao.
THẾ GIỚI KỲ ẢO Ở RỪNG
Mảnh đất rừng thiêng tục lạ luôn lôi cuốn bước chân khám phá bởi những yếu tố kỳ ảo mà cư dân truyền đời của vùng đất ấy kể lại. Thế giới kỳ ảo của người vùng cao muôn hình vạn trạng như cây cối và muông thú trong rừng.
Mơ về siêu nhiên
Xưa nay, con người luôn quá nhỏ bé với thiên nhiên, sống trong lo sợ trước thiên tai và những điều huyền bí. Chính vì vậy, những người dân của tộc người thiểu số sinh sống trên rừng núi này muốn xây dựng một hình tượng rằng con người vẫn to lớn, vẫn có sức mạnh lay chuyển trời đất.
Năng lực siêu nhiên là thứ gì đó vượt quá tầm kiểm soát, vượt quá các chỉ số bình thường của con người. Ví dụ người khổng lồ, người có sức mạnh phi thường có thể làm được những chuyện bất khả như dời non lấp bể. Sự tích hình thành trời, đất, núi, sông của tộc người Xê Đăng kể về ông Rờ Xí là một người cao lớn khổng lồ, các hoạt động đi lại của ông đều làm biến dạng địa hình, từ đó dẫn đến việc hình thành trời, đất núi sông.
Ngoài mong muốn bản thân mình, tộc người mình có thể mạnh mẽ, sánh cùng thiên nhiên và thậm chí trở thành siêu nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn tin tưởng và dựa vào đấng thần linh. Họ quan niệm rằng cuộc sống tốt đẹp chính là có thần linh bảo hộ, ngược lại mọi chuyện xui xẻo đều do thần linh quở trách khi họ đã làm điều gì trái quấy.
Trong các câu chuyện, nhiều vị thần hiện ra để giúp đỡ cho những người hiền lành, tốt bụng. Truyện Lễ cúng Mó Riếc kể chi tiết Mó Riếc đã sử dụng phép thuật “lấy hết lúa của các bếp giàu cho chạy vào kho của hai anh em nghèo khổ”. Sau đó, hai anh em này lại “đem lúa trong kho phân phát cho các bếp nghèo” khác. Chuyện này cũng thể hiện mơ ước của người dân về một cuộc sống công bằng.
Thế giới thần kỳ
Người và động vật lấy nhau. Có nhiều câu chuyện xoay quanh yếu tố thần kỳ này, phổ biến chuyện người đội lốt động vật, sau những biến cố nào đó sẽ trở thành người (Sự tích chim gầm gì; Cô gái và chàng Răm; Chàng Rắn…).
Trong câu truyện Sự tích chim gầm gì của người Cơ Tu, chàng trai đã cưới một cô gái mang trong mình dòng máu của loài chim gầm gì, tuy cô gái này là chim hóa thành nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm của người vợ. Hay là trong câu chuyện Chàng Rắn, cô gái đã lấy một con rắn làm chồng, nhưng rắn đó lại hóa thành người, hai người cũng có con với nhau…
Đây là mô-típ thần kỳ thường thấy trong các câu chuyện cổ không chỉ là của người Việt mà cả trong các tộc người thiểu số Quảng Nam. Còn những tình tiết khác, những mẩu chuyện khác cũng xoay quanh việc con người lấy động vật có liên quan đến cội nguồn của các tộc người nơi đây, tiêu biểu là truyện Cội nguồn của người Cơ Tu. Qua một trận lũ lớn, chỉ còn lại một cô gái và con chó sống sót, cô gái và con chó lấy nhau, sau đó sinh con đẻ cái.
Những nhân vật sau khi chết lại biến thành những sự vật khác nhau. Yếu tố thần kỳ người chết hóa thành những sự vật như đá, dòng suối, cây chò…, con vật như trâu… phủ đầy trong những câu truyện Adzeng Achai, Cây nêu đâm trâu, Con quỷ và dòng thác căm thù, Sự tích con trâu không có hàm trên… Chàng Adzeng Achai chặt mía nhưng “không may lưỡi rựa bay ra chém vào chân làm anh chảy máu nhiều quá rồi chết”, “mẹ và em chờ mãi không thấy về nên đi tìm, khi lên đến duông thì thấy Adzeng Achai đã tắt thở, hai mẹ con khóc lóc thảm thiết rồi hóa đá”. Hai anh em Okplíc và Okplóc tộc người Co cũng đã hóa thành đá ở ngã ba sông Giang.
Rồi người chết sau đó sống lại như Chuyện chim ăn lúa, khỉ phá rẫy; Ông dưới biển, bà trên rừng. Xơ Króa bị trăn nuốt vào bụng từ tối hôm qua, hôm sau người em rể “lấy trầu cau ra cúng khấn” con trăn, đồng thời “liền lấy dao chém chết và mổ bụng (trăn) cứu Xơ Króa. Xơ Króa đã chết, chàng lại cúng cho hồn Xơ Króa về với xác. Xơ Króa sống lại”.
Một chàng trai người Giẻ Triêng vốn tính hiền lành khi thực hiện nghi lễ cưa răng nhưng vì quá sợ hãi mà chết. Sau khi chết, chàng trai ấy “đầu thai làm một con trâu”. Đây là những chuyện giả tưởng nhưng thể hiện mong ước của người đồng bào tộc người thiểu số Quảng Nam là người chết có thể sống lại, sẽ không có một sự mất mát nào cả.
Ngoài những yếu tố thần kỳ đã nêu ở trên, truyện cổ của những tộc người thiểu số Quảng Nam còn rất phong phú các yếu tố huyền ảo. Truyện Lúa về kho của người Giẻ Triêng cho biết ngày xưa con người không tốn hao quá nhiều sức lực để kiếm cái ăn.
Cứ mỗi khi tới mùa lúa chín vàng trên các nương rẫy của bản làng, người ta lại làm kho lúa và các ống máng dẫn lúa từ rẫy về kho. Già làng dẫn đoàn các chủ gia đình đi gọi lúa về: “Lúa ơi! Lúa ơi! Ngày nay lúa chín hết rồi, lúa tự về kho nhé!”. Thế là các bông lúa đua nhau nhảy vào máng, ngoan ngoãn chạy một mạch về kho.
Bên cạnh con người được miêu tả với những năng lực phi thường thì các con vật trong các câu chuyện cũng được xây dựng một cách nhân hóa, con vật có thể nói chuyện, hành động và tâm tư tình cảm giống như con người (Đại bàng thua chim sâu; Cọp và chàng mồ côi,…).
Những việc con người có thể làm được thì con vật trong truyện cũng có thể làm được; người với động vật còn yêu nhau và lấy nhau. Truyện Cọp và chàng mồ côi kể về Chô là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Một hôm Chô bị vợ chồng cọp bắt được.
Cọp vợ đã bảo cọp chồng: “Hỏi nó còn cha mẹ hay không? Giàu hay nghèo? Còn cha mẹ mà nhà giàu có thì ta ăn thịt. Nếu mồ côi nghèo khó thì tha”. Sau đó là cuộc hội thoại giữa cọp chồng với Chô. Cuối cùng Chô trở thành con nuôi trong nhà vợ chồng cọp. Khi Chô trưởng thành, một lời hội thoại của vợ chồng cọp rất con người: “Chô, con đã làm bếp riêng được rồi. Hãy đi tìm người vợ để có con”.
SINH TỒN TRONG TỰ NHIÊN
Để tồn tại, con người phải biết ứng phó và thích nghi với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Con người luôn quan sát, cọ xát với thế giới xung quanh, sau đó đúc rút kinh nghiệm và lưu truyền những tri thức dân gian bản địa, phục vụ cho đời sống hàng ngày. Trong đó có những tri thức bản địa đến nay vẫn là bí ẩn khoa học cần khám phá và giải mã.
Kinh nghiệm chống thú dữ
Đồng bào các tộc người thiểu số Quảng Nam chủ yếu sống tại vùng rừng núi phía tây, trên dãy Trường Sơn. Địa hình nơi này chủ yếu là rừng. Nơi núi rừng hoang vắng này, các tri thức dân gian hầu hết là nói về cách phòng chống thú dữ, bảo vệ tính mạng con người. Cuộc sống của các tộc người nơi đây chủ yếu phụ thuộc rừng núi, chính vì vậy, những con thú rừng nguy hiểm là điều khiến họ luôn sợ hãi. Sau này, có lẽ là tình cờ hoặc do nhiều nguyên nhân khác, họ biết được cách xua đuổi, phòng bị để thú rừng không tấn công. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau, nhờ vậy mà trở thành những tri thức bản địa quý giá.
Những phương pháp phổ biến mà các tộc người nơi đây dùng để chống thú dữ có nhắc đến trong truyện cổ chính là dùng âm thanh chiêng, trống để xua đuổi thú rừng của người Cơ Tu. Truyện Sự tích trống chiêng kể chi tiết “hai vợ chồng bèn lấy cây gõ vào chiêng trống, thanh la, hổ nghe tiếng sợ quá chạy thẳng một mạch vào rừng không dám quay đầu lại”. Hoặc là tẩm thuốc độc vào cây nhọn để chống thú dữ của người Co (Cái nhà mái dài).
Y học dân gian
Các đồng bào tộc người nơi này còn phát hiện những loại cây quý, vật bổ để chữa bệnh và bồi dưỡng cho cơ thể. Trong kho tàng truyện cổ của các dân tộc có nhắc đến một loại gia vị, một cây thuốc được sử dụng phổ biến. Đó là cây quế (chuyện Sự tích cây quế). Dân làng tình cờ phát hiện ra một loại cây có vỏ rất thơm, có thể chữa lành được nhiều thứ bệnh. Giống cây quý này chính là cây quế. Người Co ở vùng núi Trà My đã phát hiện điều đó và đưa nó vào câu chuyện cổ như vậy, cũng nhằm lý giải tại sao họ phát hiện ra cây quế và biến nó thành tri thức dân gian phổ biến.
Một thứ rất quý hiếm, bổ dưỡng có tác dụng bồi bổ cơ thể, cải thiện sức khỏe được người Co khéo léo nhắc đến là mật gấu (chuyện Mật gấu trở thành của quý). Mật gấu quý hiếm vì khó tìm và có công dụng chữa bệnh rất tốt cho con người. Cũng có thể nói rằng, với điều kiện địa hình rừng núi và cuộc sống của dân làng gắn liền với nó thì việc đồng bào các tộc người tìm được những vị thuốc quý cũng là một điều hiển nhiên và nó làm cho tri thức dân gian bản địa của họ trở nên có nhiều giá trị về mặt thực tiễn.
Tri thức thường nhật
Cuộc sống của người dân nơi này còn khá nhiều thiếu thốn về vật chất, khi cần một thứ gì đó nếu có thể trong khả năng tự làm được thì họ sẽ vận dụng hết kinh nghiệm tích lũy của mình để sáng tạo. Trong đời sống thường nhật, họ tự tạo ra những món đồ dùng để sinh hoạt ăn ở. Họ tự dệt vải, tự nhuộm màu và quan trọng hơn ở đây là họ biết dùng nhựa cây để nhuộm vải (chuyện Chặt cây loong Brếc).
Người Kinh hiện tại phần lớn sử dụng vải đều được nhuộm với hóa chất hoặc màu tổng hợp, riêng đồng bào các tộc người thiểu số Quảng Nam nói riêng và các tộc người khác nói chung cũng còn phần nào lưu giữ được cách nhuộm vải bằng nhựa cây này. Họ đã làm giàu vốn tri thức của mình từ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Việc nhuộm vải bằng nhựa cây khiến màu sắc quần áo của họ trở nên đặc biệt.
Tất nhiên, cũng không thiếu những tri thức dân gian về thời tiết được nhắc đến trong những chuyện cổ các tộc người thiểu số Quảng Nam. Tiêu biểu nhất là tri thức về việc khi cóc nghiến răng thì trời sẽ mưa. Truyện Con cóc lấy nước trên trời của người Co tương đồng với truyện “Con cóc là cậu ông trời” của người Kinh. Không phải tự nhiên mà có những tri thức dân gian như vậy, những người ở thế hệ trước đã quan sát vô số lần để đút kết ra những điều này.
TỤC LẠ XỨ NÚI
Văn hóa phong tục của người Kinh, người Chăm cùng những tộc người thiểu số miền núi làm nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa xứ Quảng. Đặc biệt, các tục lạ xứ núi gây nên sự hiếu kỳ cho người miền xuôi.
Tín ngưỡng thông linh
Những tộc người chính sinh sống trên núi rừng bạt ngạt ở Quảng Nam có Co, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng… Phần lớn các phong tục của họ đều được lưu lại trong các câu truyện cổ. Nơi núi rừng hoang vắng, điều kiện sống khó khăn, các tộc người thiểu số này đều giống nhau ở điểm là tin vào các thế lực siêu nhiên, mọi việc suôn sẻ do thần linh giúp đỡ, việc xui xẻo chính là bởi thần linh quở trách.
Họ có rất nhiều nghi lễ, phong tục cúng thần linh… như lễ hội mừng lúa mới của người Giẻ Triêng (chuyện Lúa về kho), lễ hội đâm trâu của người Co (chuyện Okplíc và Okplóc). Đó là những lễ hội nông nghiệp, thể hiện người dân cảm ơn thần linh đã giúp đỡ để mùa vụ bội thu, thóc lúa đầy kho.
Trong lễ hội mừng lúa mới của người Giẻ Triêng, dân làng sẽ chọn một con trâu to béo đem đi cúng thần linh, già làng sẽ là người đầu tiên lấy dao đâm một nhát, sau đó dùng máu dâng lên thần linh. Lễ hội đâm trâu mang ý nghĩa tín ngưỡng quan trọng, bày tỏ sự biết ơn với Yàng, thần linh đã che chở, đùm bọc cho bản làng của họ (Văn học dân gian Quảng Nam, truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi, tr.73). Các lễ hội này bao giờ cũng rộn ràng âm thanh của tiếng chiêng, những điệu múa của trai gái trong bản, “âm hưởng còn vang vọng mãi núi rừng”.
Tập tục và kiêng kị
Người Kinh thường có các nghi lễ vòng đời như lễ đầy tháng, thôi nôi, cưới xin, tang ma… thì người anh em miền núi cũng có rất nhiều nghi lễ tương tự.
Truyện Adzeng Achai nói về phong tục người Cơ Tu mở tiệc để thiết đãi cả làng trong dịp nhà có lễ cưới hỏi. Khi mở hội ăn mừng thì luôn có tục đâm trâu (Chàng Pọt Thây). Ngoài ra, họ còn có những tập tục khác lạ. Truyện Sự tích con trâu không có hàm trên cho biết về lễ cưa răng của người Giẻ Triêng. Theo tục lệ, gia đình có con đến tuổi cưa răng phải nộp lễ vật cho làng để tiến hành các nghi lễ cưa răng.
Ngoài những chi tiết thú vị trong từng mẩu truyện cổ nói về phong tục đặc trưng của tộc người thiểu số, chúng ta còn được biết thêm nhiều thông tin về những điều kiêng kị trong văn hóa ẩm thực ở miền tây xứ Quảng. Đầu tiên, đó là tục kiêng ăn cua của họ A Tùng thuộc tộc người Cơ Tu.
Truyện Sự tích họ A Tùng kể về biến cố của một gia đình nhỏ. Có hai vợ chồng trẻ chưa có bếp riêng. Họ ra suối tìm cách bắt cá, mò cua, bắt ốc. Người vợ trẻ tìm được nhiều nấm, lại bắt được một con cua vàng rất to. Đứa con trai chưa đầy 1 tuổi trong nhà chẳng may bị con cua vàng ấy sổ dây buộc bò ra cắn chết. Gia đình ấy cứ khóc than mãi và kể từ đó họ kiêng luôn cả việc ăn cua.
Còn về việc kiêng ăn thịt chó của người Xê Đăng, Cơ Tu… bắt nguồn từ những câu chuyện nói về nguồn gốc tộc người của họ (vật tổ). Truyện Cội nguồn của người Cơ Tu kể lại rằng người Cơ Tu xuất hiện bằng việc cô gái duy nhất còn sống sót sau trận lũ đã lấy chú chó và sinh con đẻ cái.
Truyện Nguồn gốc của người Xê Đăng cũng ghi chép lại rằng cội nguồn của họ có liên quan đến loài chó. Việc kiêng ăn thịt chó của một số tộc người thiểu số ở Quảng Nam bắt nguồn từ yếu tố tô-tem mà thành tục lệ.
Tri thức dân gian của các dân tộc miền núi rất phong phú trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dự báo thời tiết, y học dưỡng sinh… Những tri thức dân gian đó không phải hình thành trong một thời gian ngắn mà tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử của tộc người, dân tộc. Nó mang những giá trị vô cùng quý báu. Nhờ có những tri thức dân gian, con người có thể sống tốt hơn, đôi khi cũng giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, tránh được những thiên tai từ thiên nhiên mang lại. |
Kim Ngân – Hương Thu
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/lang-du-trong-van-hoa-nui-112938.html