Người phụ nữ họ Trần ở làng Quang Châu

Bà Trần Thị Băng, vợ thứ hai của nhà cách mạng Thái Phiên đã trở thành một nhân vật “huyền thoại”. Bà “chỉ được nhắc đến không nhiều trong các bài nghiên cứu, nhưng lại được hình tượng hóa rất nổi bật trong văn chương, gây xúc động sâu xa trong lòng nhiều người đọc” (Nguyễn Trương Đàn).

nguoi-phu-nu-ho-tran-o-lang-quang-chau
Một góc làng Quang Châu ngày nay. Ảnh: TRẦN VIỆT TUẤN

Làng  Quang Châu

Làng Quang Châu (nay là thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng) vốn có tên là Minh Châu. Tên Quang Châu ta gặp lần đầu tiên vào năm 1916 trên các tài liệu nói về cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội và đặc biệt là trong Tạp chí của Hội Đô thành Hiếu cổ (BAVH) vào năm 1919.

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, làng có lẽ được thành lập vào giữa  thế kỷ 18, dưới thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) do những người thuộc 4 họ Trần, Đoàn, Lê, Huỳnh, trong đó tộc Trần là chánh tiền hiền. Trong bài cúng tiền hiền của làng, họ Trần luôn được xướng là “Thủ khai thủy thống”, tộc Đoàn là “Toản thống khai khẩn”. Điều đặc biệt là bốn tộc này không phải di cư từ phía bắc vào như những làng khác mà từ làng Diêu Trì ở phía tây (nay thuộc Hòa Nhơn) tiến xuống vùng đồng bằng phía đông có điều kiện thuận lợi hơn để khai khẩn lập làng.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (soạn năm 1776) thì Minh Châu thuộc tổng Lỗ Gián huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Trong sách Địa bạ Gia Long (soạn 1814 – 1818) và Đồng Khánh địa dư chí (soạn 1887 – 1890), Quang Châu vẫn còn tên Minh Châu và không còn thuộc huyện Hòa Vang mà thuộc tổng Thanh Quýt trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Sau Cách mạng Tháng Tám, từ 1947 đến nay Quang Châu thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.

Chỉ có một băn khoăn là làng có tên Quan hay Quang Châu? Những người  cho là Quang vì Quang Châu bắt nguồn từ Minh Châu, Minh là sáng nên Quang có mới đúng nghĩa (là sáng). Nguyễn Sinh Duy trong bài “Thái Phiên và cuộc Duy Tân khởi nghĩa” trên Tạp chí Bách Khoa số 123 (15.2.1962) viết: “Để công việc làm nhiệm vụ kinh tài cho phong trào Đông Du được thuận lợi, nhận lời mai mối của tú tài Đỗ Tự, ông lấy vợ kế là con gái phú hộ Học Băng ở làng Quang Châu, Hòa Vang”. Nguyễn Văn Xuân trong Phong trào Duy tân (NXB Đà Nẵng, năm 1996) viết: “Khu vực này ở giáp giới huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, ở giữa các vùng Hà Thanh, Quang Châu, Dương Sơn cách đập An Trạch hiện nay 3 cây số…” (trang  160, 161).

Gần đây, Nguyễn Trương Đàn trong tác phẩm Chí sĩ Thái Phiên qua các tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017) cho biết ông đã tiếp cận một tài liệu cổ là văn bản trích lục về ruộng đất (hiện lưu trữ tại nhà anh Huỳnh Ngọc An, chủ tiệm may Dzũng trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) được nhà nghiên cứu Hán học Nguyễn Đình Thản dịch ghi tên làng là Quan Châu và cổng làng (mới được xây) cũng ghi là “thôn Quan Châu”. Tuy nhiên các văn bản hành chính chính thức vẫn ghi Quang Châu!

Người vợ Thái Phiên

Không hiểu vì sao cả hai nhà văn tài danh Nguyễn Văn Xuân và Vĩnh Quyền dù là viết tiểu thuyết lại nhầm lẫn mà cho rằng người vợ thứ hai của Thái Phiên có họ Nguyễn. Nguyễn Văn Xuân trong Hương máu gọi bà là Nguyễn Thị Băng, còn Vĩnh Quyền trong Vầng trăng ban ngày gọi là là Nguyễn Ngọc Băng con ông Viên ngoại Nguyễn Học Băng.

Thực ra, tên bà là Trần Thị Băng, con gái đầu trong 15 người con cả trai lẫn gái của nhà phú hộ Học Băng – tên thật là Trần Thượng Hữu. Gọi là Học Băng vì “ông Trần Thượng Hữu đã đậu một kỳ sát hạch, được ăn lương của nhà nước bảo hộ lúc bấy giờ mà tiếp tục đi học, được gọi là Học sinh” (Nguyễn Trương Đàn, sđd, trang 34). Còn tên Băng vì ngày trước thường lấy tên người con đầu để gọi cho cha mẹ.

Trong tác phẩm Phong trào Duy tân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho biết ông Học Băng là người có nhiều đóng góp cho Phong trào Duy tân: “Nông hội Yến Nê rộng chừng 20 mẫu ta. Đất này do lý hương tự ý cắt cho một phần, phần khác do những người có tâm huyết cúng vào. Người có công đầu là ông Học Băng ở Quang Châu (ông gia của liệt sĩ Thái Phiên), ông có chân học sinh, giỏi, giàu lớn” (Sđd).

Theo Nguyễn Trương Đàn trong sách đã dẫn thì cuộc hôn nhân của bà với Thái Phiên là do Tú tài Đỗ Tự (người làng Diệm Sơn, nay là Điện Tiến, Điện Bàn) – một đồng chí của Thái Phiên  làm mai mối và được ông Trịnh Thiện Giáo, cha vợ trước của Thái Phiên đứng làm chủ hôn.

Về thời gian đám cưới không có tài liệu nào đề cập cụ thể, nhưng chắc chắn phải sau năm 1911 vì bà Trịnh Thị Nhuận – vợ trước của Thái Phiên mất ngày 6.4.1908 và ông rất đau buồn. Nguyễn Trương Đàn viết: “Thái Phiên tỏ lòng thương nhớ người bạn đời xấu số, để tang vợ bằng cách trồng đầy một vườn hoa trắng xung quanh mộ của bà Nhuận và nhiều tháng liền quanh quẩn chăm sóc vườn hoa trắng”. Lẽ thường, với tình cảm tha thiết như vậy, Thái Phiên phải để tang vợ ít nhất 3 năm.

Tình yêu ở lại

Cuộc hôn nhân với bà Trần Thị Băng chắc chắn tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động cách mạng của Thái Phiên. Ông không phải mưu sinh để nuôi vợ con vì nhà bà Băng giàu có. Thái Phiên cũng chắc chắn được phía nhà vợ hỗ trợ tài chánh cho phong trào. Học Băng là người giàu có, yêu nước và cũng rất hào sảng. Nhà ông Học Băng ở Quang Châu cũng rất thuận lợi cho hoạt động của Thái Phiên, dù nằm gần đường thiên lý Bắc – Nam nhưng rất kín đáo, được bao bọc bởi hàng rào tre rậm rạp lại nằm giữa đoạn đường từ nhà Thái Phiên (Nghi An) với nhà của Đỗ Tự (Miếu Bông).

Có nhà nghiên cứu cho rằng Thái Phiên lấy con gái phú hộ Học Băng nhằm tạo thuận lợi cho công tác kinh tài của tổ chức. Nói như vậy rất dễ gây hiểu nhầm về cuộc hôn nhân này. Nguyễn Sinh Duy trong bài đã dẫn cho biết, đám cưới giữa Thái Phiên và Trần Thị Băng được tổ chức với lễ nghi đơn giản, chỉ có một bữa tiệc gọn nhẹ tại nhà ông Học Băng có Tú tài Đỗ Tự tham dự. Rồi sau đó Thái Phiên chia tay gia đình ông bà Học Băng và người vợ trẻ để đi hoạt động cách mạng.

Trong tác phẩm Hương máu, Nguyễn Văn Xuân đã tiểu thuyết hóa cái chết của bà Trần Thị Băng, là hôm xử chém Thái Phiên ở bãi chém An Hòa, bà Băng đã mặc sẵn đồ tang và khi đầu Thái Phiên rơi xuống bà đã xổ mái tóc dài của mình thấm hết máu của Thái Phiên và để nguyên như vậy không chịu tắm gội cho đến lúc chết. Ông viết: “Nàng chết đi tay vẫn đè lên đống tóc như thể sợ người ta nhẫn tâm đem nó đi để gội rửa cái chất máu lên hương, chất máu đã làm nàng gần gũi với chồng lúc nàng sống và rồi đây cả khi vĩnh viễn rời bỏ cõi đời”.

Đến nay rất nhiều người vẫn còn tin câu chuyện này. “Nếu ai nói khác đi, họ không chịu được”.

Lê Thí

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nguoi-phu-nu-ho-tran-o-lang-quang-chau-112400.html

Cùng chuyên mục