Sống cùng bonsai

Bonsai là một tác phẩm điêu khắc sống”. Cụ John Naka, một nghệ nhân bonsai bậc thầy thế giới nói như thế. Có lẽ vì một tác phẩm bonsai khác với một tác phẩm điêu khắc thông thường, nó luôn thay đổi từ màu lá cho đến thân cành, thay đổi theo thời gian và càng về sau lại càng đẹp.

Cây sam núi của nghệ nhân Phạm Hữu Tâm.

Ngày nay bonsai đã là một thú chơi rộng tỏa khắp toàn cầu. Bonsai được bắt đầu từ Trung Hoa nhưng lại phát triển rực rỡ tại đất nước Nhật Bản và tại đây bonsai đã đi ra khắp thế giới. Những bậc thầy như cụ John Naka, Kimura,… đã đạt đến một đẳng cấp thượng thừa và vô tình đã tạo lập những trường phái của riêng mình, có sức ảnh hưởng rất lớn với người chơi bonsai về sau này. Ngày nay không những chỉ những nước vùng văn hóa Á Đông mà kể cả châu Phi, châu Úc, châu Mỹ, châu Âu… đều có đông người chơi bonsai, đặc biệt những nơi như Ý, Hoa Kỳ, Australia… phát triển rực rỡ không thua kém các nghệ nhân Đài Loan hay Nhật Bản. Tại Việt Nam, bonsai đến từ rất sớm, có lẽ cũng bắt nguồn từ thú chơi trong cung đình của vua chúa và giới quan lại thi nhân, các trào lưu kiểng cổ của từng miền. Về sau này khi các phong cách bonsai mới được du nhập từ cách chơi bonsai của người Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… thì tại các thành phố lớn sớm được cải tiến về cách chơi, các lớp dạy bonsai hay các câu lạc bộ bonsai ra đời. Từ đó cho đến nay bonsai Việt được phát triển tốt hơn rất nhiều, các triển lãm hằng năm tại công viên Tao Đàn, nhiều triển lãm bonsai mang tầm quốc tế hay các tỉnh thành khắp cả nước với số đông nghệ nhân tham gia, cho thấy tại Việt Nam đã có một cộng đồng người chơi bonsai rất lớn và cũng phong phú các chủng loại bonsai của vùng nhiệt đới.

Một cây sam núi của nghệ nhân Huỳnh Tốp – Huế.

Với sự khủng hoảng về biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng khắc nghiệt hiện nay thì việc chơi bonsai là một thú vui hợp lý. Ai cũng có thể chơi bonsai miễn là có sự yêu thích với cây cỏ. Cây nguyên liệu để làm bonsai ở Việt Nam rất dễ kiếm vì nước ta khí hậu và nhiệt độ các vùng miền rất phong phú, nên có thể tùy theo sở thích hoặc địa lý mà chọn cho mình những chủng loại cây để chơi. Từ Nam miền Trung trở vào thì rất nhiều chủng loại phong phú như: cây linh sam, cẩm thị, mai chiếu thủy, sam núi, hoa giấy… và có lẽ đây là vùng nguyên liệu để tạo bonsai phong phú nhất cả nước. Còn từ miền Trung trở ra miền Bắc thì là rất hợp với các loại cây dòng lá kim như: tùng, phi lao, thanh hao… Nói chung, Việt Nam là một nước có rất nhiều lợi thế hơn các nước trong khu vực khi chọn tìm giống để tạo ra một cây bonsai, và hiện nay cộng đồng người chơi bonsai ngày càng đông nên chúng ta dễ tiếp cận học hỏi từ những người chơi đi trước.

Màu tím quyến rũ của hoa linh sam.

Nhưng bonsai không chỉ là một thú chơi. Chơi bonsai đưa con người đến sự tĩnh tại của thân tâm, sống thanh lạc, yêu thiên nhiên và gần gũi với sự sống. Một rừng bonsai tiểu cảnh nó cũng có thể đặc tả được một phần nào của cánh rừng thực ngoài đời, cũng những khe suối ngút ngàn chạy quanh co, những động vật sống bầy đàn, những cây cầu, những tản đá, mướt mát ẩm ướt như những khu rừng thực ngoài đời mà khi bạn ngắm rồi thì chỉ muốn được đi vào dưới cánh rừng trong chậu bonsai ấy. Bonsai đã thỏa mãn được niềm yêu thiên nhiên của nhiều người khi muốn đưa, muốn đặc tả thu gọn thiên nhiên vào trong một không gian nhỏ hẹp, nhất là những người thích sống yên tĩnh nhẹ nhàng.

Nếu có một khu vườn rộng thì rất ưu việt cho việc trồng và tạo dáng bonsai, nhưng nếu diện tích nhà bạn không được rộng thì có thể chơi những chậu bonsai nhỏ hoặc bonsai mini để bàn, thể loại này không tốn nhiều diện tích. Bạn nên nhớ rằng, ngay trên sân thượng giữa phố xá Sài Gòn cũng có rất nhiều sân bonsai đẹp và nhiều tác phẩm bonsai danh giá ra đời từ đây, bởi vậy bạn đừng ngại nhà mình không có diện tích. Mỗi sớm mai thức dậy ta có thể đi tản bộ quanh khu vườn nhà mình, để vừa nghĩ đến kế hoạch công việc trong ngày mới vừa ngắm cây, ngắm những tác phẩm do chính tay mình tự tạo ra, chưa nói dù xấu hay đẹp cũng đã cảm thấy thích mắt rồi. Hoặc sau một ngày lao động vất vả, khi chiều về bạn thấy thoải mái cầm vòi nước vừa tưới cây vừa ngắm những giọt nước mơn man trên lá, nhìn và theo dõi những nụ hoa vừa ra rồi hồi hộp đợi ngày hoa nở…

Hoa nở bên thềm Xuân.

Vậy đó, cái thú chơi tao nhã này thực ra không khó lắm, chỉ cần bạn nắm bắt một vài kỹ thuật cơ bản là đã có thể trồng được những cây bonsai mà mình yêu thích, còn muốn đạt đến cao hơn nữa thì cũng cần chút thời gian và sự đam mê nhiều hơn để có thể thành một nghệ nhân thực thụ.

Nhìn những tác phẩm trong hình, bạn sẽ thấy nó là những tác phẩm bonsai do những nghệ nhân Việt tạo ra. Có những cây bắt đầu từ những nhánh chiết cành mà ra, hoặc có những cây bắt đầu những phôi nguyên rất đơn giản tưởng như vất đi, nhưng qua bàn tay nghệ nhân nó đã trở thành những tác phẩm bonsai đẹp làm say lòng người. Những nghệ nhân này có người xuất thân là giáo viên, có người là công nhân trong nhà xưởng, có người là bác sĩ… Nhưng vì có sự đam mê và yêu mến bonsai nên họ đã lấy việc cắt tỉa uốn nắn cây cảnh làm niềm vui, biết tận dụng thời gian để tạo ra những tác phẩm đẹp vừa có lợi cho mình và có lợi cho đời. Cái đẹp nó là sự vô cùng, cho nên ngoài vài điểm chung thì mỗi tác phẩm bonsai lại có cái đẹp riêng. Nhìn vào một chậu bonsai, ta có thể đoán được cá tính của người tạo ra nó, cái dáng thế văn nhân của kẻ sĩ, hay cái thế gió lùa của kẻ thích phong trần, cái vững chãi của thế trực là của người nghiêm khắc chánh trực…

Một bạn trẻ sớm mê bonsai Huỳnh Tốp – TP. Huế.

Nhưng cho dù chơi bằng cách nào thì cái sự ấy đã là cái đẹp trong mỗi tâm hồn người chơi và người thưởng lãm rồi, cái đẹp thánh thiện và nhân văn của một người yêu thiên nhiên. Bonsai là một nghệ thuật đỉnh cao và tinh tế vươn đến cái “đạo” trong tâm hồn người Nhật, và điều đó không hề ngăn cản bất cứ ai theo cái đạo ấy, không phân biệt bạn ở đâu, vị trí xã hội cao hay thấp, mà bằng niềm đam mê của mình, bạn có thể đến với bonsai từ cái tâm sơ khởi nhất để cảm nhận được cái đẹp tinh tế của nó. Có gì thú vị bằng việc thu nhỏ thiên nhiên để đưa vào trong một cái chậu be bé nằm trong lòng bàn tay mà ngắm nghía thỏa thích, hay một chậu bonsai được chưng ở phòng khách gia đình trong những ngày lễ tết. Cảm nhận sự tinh tế trong từng ngọn lá non, trong từng nụ hoa, trong màu xanh đang thở, để thấy biết yêu hơn một thứ khác ngoài tình yêu con người với nhau…

Nhìn vào một chậu bonsai, ta có thể đoán được cá tính của người tạo ra nó, cái dáng thế văn nhân của kẻ sĩ, hay cái thế gió lùa của kẻ thích phong trần, cái vững chãi của thế trực là của người nghiêm khắc chánh trực…

Bài & ảnh: Trần Vĩnh Thịnh

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục