Réhahn và những hành trình cùng di sản

Hơn 8 năm trước, Réhahn, một nhiếp ảnh gia người Pháp, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Những nẻo đường anh đi, đã dẫn lối anh qua muôn miền di sản. Khi đến Hội An, phải lòng từng mái ngói rêu phong, từng vách vàng đượm sắc thời gian, anh đã chọn ở lại nơi này.

Và những hành trình tiếp sau đó của anh, là xuôi dọc, là quanh quẩn, là khám phá, là luyến lưu, là đầy say mê với những điều thuộc về di sản. Cũng vì mê di sản quá, nên đầu năm 2017, anh lập hẳn Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam, đặt trên đường Phan Bội Châu, TP. Hội An.

Réhahn và người Cor.
Réhahn và người Cor.

Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam

Hồi lúc bảo tàng mới khai trương, rồi thêm mấy bạn cà kê với nhau ở quán cà phê gần đó, Réhahn bảo khái niệm di sản về mặt ngôn ngữ anh không rõ nó sẽ chứa đựng những nội dung, lớp nghĩ gì. Còn “di sản” theo lối tư duy của anh, là những gì thật giản đơn và tất nhiên, nó thuộc về con người. Con người là trung tâm, là khởi nguồn của mọi di sản, từ nụ cười ánh mắt, từ những tấm vải, khuyên tai. Réhahn là kẻ mê xê dịch – xê dịch trong những chiều kích về văn hóa và con người Việt, nên từ khi đặt bước chân đầu tiên đến Việt Nam, anh lang thang nhiều nơi. Mà kể cũng lạ, một tạng người ưa rong ruổi như vậy, lại chọn Hội An làm nơi ở lại? “Vì Hội An đẹp, bình yên và cả con người nữa, thân thiện quá” – anh nhún vai bày tỏ, với người đối diện.

Chọn Hội An làm nơi dừng chân, không có nghĩa là anh bỏ hẳn “thói quen” đi và chụp của mình. Mà ở một khía cạnh nào đó, theo cách anh nói, thì Hội An như một liều doping thúc giục anh tìm đến những nẻo đường mà anh tin rằng ở đó, mình sẽ tìm thấy điều mình cần tìm. Rồi sau những rong ruổi góp nhặt như thế, anh đã lập nên Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam. Giản đơn, là điều anh cố gắng khi sắp đặt những tác phẩm của mình trong bảo tàng. Ai hay xem ảnh của anh, thì sẽ dễ dàng nhận thấy bảo tàng được chia làm hai phần mà anh gọi là Phòng Nghệ thuật và Bộ sưu tập di sản quý giá.

Réhahn và các cụ bà ở Hội An.
Réhahn và các cụ bà ở Hội An.

Ở căn Phòng Nghệ thuật, có ít nhất 5 trong số các tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Réhahn, mà đêm khai trương chính anh đã tâm sự rằng, đó là những tấm ảnh có sức ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và là khơi nguồn cũng như nuôi dưỡng cảm hứng thúc đẩy anh thu thập tư liệu về văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Toàn bộ số tiền từ những tác phẩm bán được ở Phòng Nghệ thuật, sẽ là nguồn kinh phí cho phần chính của Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam. “Tôi gọi đó là “di sản quý giá” vì ở đó, ý tôi là trong gian nhà chính của bảo tàng, sẽ là bộ sưu tập về hình ảnh cùng trang phục truyền thống, các câu chuyện và các hiện vật giá trị mà tôi đã tìm được trong những chuyến đi của mình” – lời Réhahn giới thiệu.

Trong gian nhà bảo tàng này, người xem dễ dàng nhận thấy hai phòng, với một phòng là những hình ảnh, trang phục, hiện vật của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc; trong khi ở tầng 2, là những gì thuộc về miền Nam và miền Trung. Cứ mỗi một tác phẩm, hiện vật trưng bày, đều được Réhahn thuyết minh bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chuyện của những bức ảnh

Để có bảo tàng như hôm nay, là cả một hành trình chẳng hề dễ dàng chút nào. Vào tháng 7/2014, khi tìm đến nơi ở của người La Hủ ở tỉnh Lai Châu, Réhahn thú vị trước những nét đặc trưng cả về lối sống cũng như trang phục của con người nơi đây. Nhưng nỗi sướng vui ấy của Réhahn không kéo dài, khi sau đó anh bị tai nạn và nứt xương mắt cá. Phiền toái này khiến anh không thể đi lại trong 3 tuần, và tất nhiên, là anh phải xuống núi sớm hơn dự kiến để dưỡng thương. May thay, anh kịp chụp được tấm ảnh chân dung cụ Lý Cà Sư, khi ấy 91 tuổi. Vậy mà khi hỏi lại, anh cũng chẳng thể giải thích được, vì lý do gì tấm ảnh ấy luôn giữ một vị trí rất đặc biệt trong anh.

Réhahn và người Cơ Tu khi làm chương trình ở Hội An.
Réhahn và người Cơ Tu khi làm chương trình ở Hội An.

Những kỷ niệm trong hành trình ấy, không chỉ có những gian khổ hay tai nạn như thế, mà còn có cả những màu sắc khác. Như hồi tháng 10/2014, khi tìm đến người M’nông, Réhahn gặp cô bé Kim Luân rụt rè. Nhưng điều làm anh chú ý, là mặc dù rụt rè với anh, nhưng cô bé 6 tuổi này lại tỏ ra quấn quýt với chú voi to lớn hơn cô rất nhiều lần. Trông họ như hai người bạn. Và sau khi tìm hiểu đời sống của người M’nông, nhất là mối quan hệ giữa người M’nông với voi, Réhahn khẳng định rằng cô bé và chú voi mình đã gặp, chắc chắn là hai người bạn. Có lẽ vì vậy mà tấm ảnh anh chụp Kim Luân cùng với chú voi được nhiều báo, tạp chí danh tiếng trên 40 nước đăng tải như National, Geographic, Time Magazine… Hai năm sau gặp lại cô bé này trong dự án Trao tặng lại – một dự án mà Réhahn tìm gặp và tặng ảnh cho những “người mẫu” của mình, dù cô bé không còn nhớ anh, nhưng anh vẫn thấy mối liên hệ gắn kết giữa cô bé và chú voi mà anh đã chụp trước đó.

Những bức ảnh trong bảo tàng của Réhahn, ánh mắt, nụ cười và người già như là chủ đạo, dẫn dắt người xem xuyên suốt mạch cảm xúc. Nụ cười ẩn giấu của cụ Bùi Thị Xong, qua ống kính của Réhahn, trở thành bức ảnh khá nổi tiếng và cụ được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”. Với Réhahn, anh luôn muốn thấy nhiều hơn những thứ phía sau nụ cười, chứ không đơn thuần đó là một thứ ngôn ngữ toàn cầu thường hay đính kèm cảm xúc dễ chịu. Do đó, anh bắt tay thực hiện dự án Nụ cười ẩn giấu, và tấm ảnh anh chụp cụ Xong được thực hiện vào Hè năm 2011. Điều khiến anh bị cuốn hút khi chụp tấm ảnh này, là hành động dùng hai tay che mặt, chỉ để lại đôi mắt của cụ Xong.

Từ những suy nghĩ, rồi sau khi chụp bức ảnh cụ Xong, điều khiến anh thêm quan tâm, đó là tìm kiếm vẻ đẹp ở những vết nhăn và chân chim. Réhahn cho rằng chính ngành công nghiệp thẩm mỹ đang cố gắng xóa đi vết nhăn và chân chim mỗi ngày. “Quan điểm về cái đẹp của riêng tôi đã thay đổi rất nhiều từ khi tôi trở thành nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung. Càng chụp nhiều người, tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp mà nhiều người có thể không đồng tình. Tôi luôn cảm thấy bị thu hút bởi những nếp nhăn và vết chân chim, những thứ mà ngành công nghiệp thẩm mỹ luôn cố tránh. Tôi nhận ra rằng vẻ đẹp đối với tôi phải là thứ chạm tới trái tim và mang lại cảm xúc” – Réhahn tâm sự.

Hành trình Trao tặng lại

Đi qua những nẻo đường di sản, nhặt nhạnh được những tấm ảnh để đời, Réhahn hiểu rằng đó là điều may mắn của mình. Nên khi mọi thứ dần ổn định với cuộc sống của anh, anh đã kích hoạt hành trình “trao tặng lại” mà mình đã ấp ủ từ lâu. Hành trình ấy, hiểu nôm na, là anh đi lại những nơi anh đã từng đi qua, và những nơi ấy đã từng trao tặng những chất liệu để làm nên các bức ảnh đắt giá, để trao tặng lại họ mà anh nghĩ rằng nó sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với đời sống của họ cả về vật chất lẫn văn hóa, tinh thần. Trong hành trình này, Réhahn miệt mài với việc đưa văn hóa của Cơ Tu xuống phố, làm bước đệm để vươn ra với thế giới; và cả xây dựng một bảo tàng để dành tặng cho người Cơ Tu tại Tây Giang.

Cơ duyên bắt đầu từ năm 2013, khi anh tham gia một sự kiện triển lãm về văn hóa Cơ Tu ở một làng nhỏ (mà anh không nhớ là ở Quảng Nam hay Đà Nẵng). Sau đó, có người giới thiệu và dắt anh lên Prao (huyện Đông Giang) chơi. Tại đây, anh thấy còn khá nhiều người dệt vải thổ cẩm Cơ Tu. Điều đó kích ham muốn của anh về tìm hiểu văn hóa của người Cơ Tu, và cũng từ đó, mối quan hệ của anh với người Cơ Tu trở nên bền chặt.

Réhahn và người Cơ Tu khi làm chương trình ở Hội An.
Réhahn và người Cơ Tu khi làm chương trình ở Hội An.

Làng của anh hay đón những vị khách người Cơ Tu. Từ những cuộc ghé thăm của những vị khách đặc biệt đó, Réhahn nảy sinh ý tưởng tổ chức các hoạt động về văn hóa của người Cơ Tu tại Hội An nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa này. Thời điểm đó, có không ít ý kiến cho rằng văn hóa của người Cơ Tu là ở núi rừng, tách biệt ra, mang xuống phố là điều không nên. Nhưng ở góc độ quảng bá, nếu không làm vậy, thì ai biết đến văn hóa Cơ Tu? Và sự thích thú của du khách qua những lần tổ chức, chính là câu trả lời cho điều đó.

Trong quá trình đó, Réhahn nhận thấy rằng những nét văn hóa của người Cơ Tu đang rất mong manh, có thể mai một bất cứ lúc nào. Vậy là anh bàn với ông Briu Liếc – Bí thư Huyện ủy Tây Giang về kế hoạch xây dựng bảo tàng dành tặng người Cơ Tu. “Vào thời điểm này, việc xây dựng bảo tàng đã hoàn tất. Tôi chỉ xây bảo tàng, còn việc tìm kiếm và sắp xếp hiện vật bên trong là do chính quyền địa phương thực hiện. Vì bản thân họ là người Cơ Tu, họ làm điều đó sẽ đúng và tốt hơn tôi nhiều, tất nhiên là tôi sẽ hỗ trợ kinh phí để cho họ làm” – nhiếp ảnh gia Réhahn chia sẻ. Réhahn cũng cho biết, bảo tàng sẽ được xây dựng, thiết kế để người tham quan sẽ được nhìn ngắm các nhạc cụ, đeo tai nghe và cảm nhận những âm thanh độc đáo từ nhạc cụ của người Cơ Tu. Những câu chuyện, thông tin về văn hóa Cơ Tu, sẽ được trình bày với 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp…

Hành trình Trao tặng lại, hay những hành trình rong ruổi cùng di sản của anh, dù đôi khi gặp nhiều khó khăn, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Réhahn bảo rằng đó là hành trình đầy thú vị. Và vì say mê với hành trình đầy thú vị của mình, Réhahn đã ít nhiều quảng bá hình ảnh Hội An, Quảng Nam và cả Việt Nam lên bản đồ du lịch thế giới.

Xuân Thọ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục