Những nhịp cầu già trẻ với tháng năm

Đà Nẵng có rất nhiều thứ để người ta nhớ đến. Nhưng chính những cây cầu xuất hiện trong vòng chưa đầy 20 năm trở lại đây đã khiến thành phố này có đặc điểm nhận diện rất riêng với du khách gần xa.

Nói Đà Nẵng là thành phố của những cây cầu quả không sai. Chỉ hơn 10km dọc sông Hàn có đến 9 cây cầu vượt sông, nghĩa là cứ khoảng hơn 1km lại có một cây cầu. Từ phía thượng nguồn (tính cả nhánh sông Cẩm Lệ đổ vào sông Hàn) chảy ra biển lần lượt có cầu Cẩm Lệ, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu Tuyên Sơn, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, và suýt nữa là cầu đi bộ băng sông Hàn (ở đoạn giữa cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn. Dự án từng được đưa ra cách đây nhiều năm do một tập đoàn tài trợ, nhưng dư luận phản đối rất nhiều vì lo ngại ảnh hưởng môi trường, dòng chảy nên đã thôi). Chuyện về những cây cầu ở Đà Nẵng nói hoài không hết…

Nơi đẹp nhất để ngắm Đà thành từ cửa sông

Xin bắt đầu bằng cây cầu cuối cùng của sông Hàn trước khi hòa mình vào vịnh Đà Nẵng – cầu Thuận Phước. Khởi công tháng 1/2003 và đưa vào sử dụng tháng 7/2009, đây là một trong những cây cầu xây lâu nhất của Đà Nẵng, vì sự phức tạp về địa hình địa chất tại vị trí xây cầu.

Tôi có một niềm vui nhỏ để khoe với bạn bè rằng mình là một trong những người Đà Nẵng đầu tiên đặt chân lên cây cầu, trước khi nó được chính thức khánh thành. Lý do cũng đơn giản thôi. Đà Nẵng có Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế (lúc ấy chưa được tổ chức thường niên, rần rộ kéo dài hàng tháng như bây giờ) đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng thành phố 29/3/2009. Nhu cầu xem bắn pháo hoa, ngoài khán đài chính thức, đã khiến tất cả những không gian trống, trên cao, trên sông ở Đà Nẵng đều được tận dụng tối đa. Nhưng các tầng thượng của quán cà phê, khách sạn, căn hộ lớn nhỏ, cho đến các con đò trên sông Hàn, tất cả đều có phí. Thành phố Đà Nẵng lúc ấy đã quyết định “mở cửa” sớm cho người dân đi bộ lên cầu Thuận Phước để ngắm pháo hoa khi cầu đã thi công xong các hạng mục, nhưng còn khoảng 4 tháng nữa mới khánh thành chính thức. Cả chiều dài khoảng 1,8 km của cây cầu trở thành địa điểm công cộng trên cao đông người xem bắn pháo hoa nhất Đà Nẵng từ trước đến nay. Khói từ pháo hoa theo chiều gió ra biển, bay qua cầu, vướng víu giữa các luồng sáng điện trên cầu khiến hai trụ dây văng như thể là cổng trời, khung cảnh thật đẹp và khá liêu trai, như bềnh bồng cõi nào vậy.

Cầu Thuận Phước tháng 3/2009 khi mở cửa cho người đi bộ lên cầu xem pháo hoa.
Cầu Thuận Phước tháng 3/2009 khi mở cửa cho người đi bộ lên cầu xem pháo hoa.

Đây cũng là lần duy nhất, cầu Thuận Phước cho phép người xem bắn pháo hoa được thoải mái đi lại trên cầu ngắm sự kiện thú vị này. Thời điểm đó và đến tận bây giờ, sau 10 năm, đây vẫn là một trong những nơi ngắm pháo hoa đẹp nhất của Đà Nẵng. Điều này cũng phù hợp với tầm nhìn của thành phố khi chủ trương xây dựng cây cầu này, với chức năng chính là cầu du lịch, nối liền con đường từ đèo Hải Vân chạy dọc ven viển bằng đường Nguyễn Tất Thành, qua cầu Thuận Phước nối tiếp vào con đường ven biển bán đảo Sơn Trà và tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Từ đó, một hệ thống giao thông – du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế.

Với cầu Thuận Phước, người Đà Nẵng hay có câu đùa người đẹp vì lụa, cầu đẹp vì… đèn có lẽ chẳng sai. Nếu nhìn từ cầu sông Hàn, người bảo cầu giống như ý tưởng ban đầu là cánh chim vươn ra biển, người ví như chiếc lược cài xuống dòng Hàn giang. Nếu nhìn từ cầu Rồng hay cầu Trần Thị Lý, trong đêm, cầu như những cánh buồm yểu điệu của một con thuyền dùng dằng mãi nơi cửa sông, bịn rà bịn rịn chẳng chịu buông neo. Mà yếu tố chính tạo nên các cảm xúc khác nhau ấy là hệ thống đèn led của công ty Philips với công nghệ mới nhất mà công ty này đang sử dụng cho những cây cầu trên thế giới.

Đây cũng là cây cầu mà từ xa thành phố người ta đã có thể nhìn ngắm nó. Nhìn từ trên cao như đỉnh Hải Vân quan, hay nhìn trên đường Nguyễn Tất Thành, hướng từ đèo Hải Vân về cầu, cây cầu treo dây võng này nổi bật màu trắng trên nền xanh thẫm của biển, xanh màu cây của núi  Sơn Trà. Cây cầu như nét duyên ngời lên trong nắng chiều. Thời điểm đẹp nhất để ngắm cầu là khi chiều về cho đến lúc hoàng hôn nắng hắt lên cây cầu, khiến nó thành điểm sáng giữa gam màu trầm chung quanh.

Vị trí độc đáo ngay ngã 3 sông Hàn đổ ra biển, cầu có độ thông thuyền cao nhất (27m) trong số các cây cầu Đà Nẵng đã khiến cây cầu là nơi lý tưởng nhất để ngắm bao quát cả thành phố. Quay mặt về hướng Đông, sẽ ngắm được vịnh Đà Nẵng, đèo Hải Vân, cảng Tiên Sa và bán đảo Sơn Trà. Quay mặt về hướng Tây, bạn sẽ thu toàn bộ hai bờ tả hữu sông Hàn vào tầm mắt và tất cả những cây cầu còn lại của Đà Nẵng đang nằm vắt qua sông mỗi cầu mỗi kiểu.

10 năm, cây cầu cũng đã kịp chứa trong nó nhiều chuyện vui buồn. Cầu là nơi vãn cảnh, nhưng cũng có trường hợp cực đoan chọn chỗ bỏ mình!

Đà Nẵng luôn thay đổi chóng mặt và đây là nơi rất hợp để người ta có thể cảm nhận điều đó. Đứng trên cầu, sự đổi thay của thành phố này liên tục diễn ra sau mỗi lần tôi đến ngắm, để những tấm hình mình chụp hôm nay luôn có “nguy cơ” là một quá khứ…

Nhiều chuyện như… cầu Rồng

Đầu tiên, vị trí xây cầu đã gây bão dư luận. Việc có nên để Cổ viện Chàm nằm dưới cầu hay không cũng tốn nhiều tranh cãi của người Đà Nẵng. Trường PTTH Trần Phú di dời về nơi khác để xây cầu còn có thể chấp nhận được, chứ nguyên một bảo tàng cổ, duy nhất trên thế giới mà nằm dưới gầm cầu thì đúng là không ổn.

Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ đã cho tìm phương án khác, với độ cao thông thuyền thấp hơn, hai đầu cầu tiếp giáp sát con đường Bạch Đằng Đông và Bạch Đằng Tây (tên gọi lúc ấy), chiều cao cầu không phá tổng thể mỹ quan đô thị. Rồi người ta xoay qua bàn cãi, con rồng được thể hiện thành một cây cầu nó sẽ như thế nào. Nhà thiết kế Phạm Văn Hạng, tiếp cận việc thiết kế lại con rồng cho cây cầu khi công trình này đã tiến hành được 2 năm, trở thành cái bia để dư luận trút vào đấy với tất cả khen chê.

Cầu Rồng về đêm.
Cầu Rồng về đêm.

Một bài toán khó mà điêu khắc gia Phạm Văn Hạng phải giải lúc đó, như chính ông chia sẻ: “Trước hết, con rồng này không phải rồng của hội họa, không phải rồng đá, rồng thêu mà là con rồng của thép. Mà thép của con rồng này thì nhà thiết kế đã triển khai, chỉ còn việc thi công, nhà điêu khắc không thể vượt qua nhà thiết kế về khung kỹ thuật nên rất hạn hẹp trong sáng tạo. Tôi mất 210 ngày nghiên cứu qua 10 phác thảo, mất 60 ngày triển khai kỹ thuật kết cấu chịu lực, 90 ngày thể hiện tại 2 xưởng… để tạo ra đầu rồng nặng 45 tấn và đuôi nặng 30 tấn.”

Chuyện đầu rồng quay đầu về đâu cho hợp, xoay ra biển Đông hay xoay vào thành phố cũng khiến dư luận ồn ào một dạo. Nào chỉ đơn giản xoay đầu hướng nào, người ta còn suy diễn phân tích ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực theo từng hướng của đầu con rồng. Đến khi cầu khánh thành, cầu Rồng với thiết kế mô phỏng con rồng thời Lý đã nhận những trận mưa ý kiến ập xuống khi rất nhiều người Đà Nẵng bảo rằng đây không phải con rồng, mà trông giống con rắn, thậm chí có người ác miệng còn bảo giống… con giun! Chưa hết, dáng rồng cũng phải chịu búa rìu dư luận, khi người bảo sao mãi chẳng thấy giống rồng bay, kẻ nói như nó đang trườn, đang rướn, kẻ xấu miệng còn bảo đầu rồng thấp như… sắp đuối nước! Có mấy ai biết là để nâng được từng ấy khối lượng sắt thép, những người thiết kế và xây dựng cầu đã phải tính toán chi li từng tí, kể cả sức gió bình thường cho đến sức gió mùa mưa bão, chứ không đơn thuần là cảm quan thẩm mỹ mắt thường trông thấy.

Những ý kiến tương tự như thế vẫn còn được tiếp diễn và kéo dài đến tận hôm nay, khi mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, cầu Rồng lại tiếp nhận những lượt du khách mới đến với thành phố này. Dư luận khắt khe là thế, nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, cầu Rồng chưa bao giờ vắng khách. Và giữa tâm bão dư luận, con rồng sắt đang uốn lượn trên mặt sông Hàn ấy vẫn kiêu hãnh khạc lửa, phun mưa các đêm cuối tuần cho du khách khắp nơi tụ về thích thú xem.

Cây cầu già nhất của thành phố

Tuy cầu Trần Thị Lý ra đời trước, nhưng cũng đã phá dỡ hoàn toàn để xây mới, nên hiện tại, cây cầu Nguyễn Hoàng – Nguyễn Văn Trỗi mới là cây cầu già lão nhất của Đà Nẵng còn giữ hiện trạng thuở ban đầu.

Cầu được hãng RMK của Mỹ xây dựng vào khoảng năm 1965, mang tên Nguyễn Hoàng, là một trong hai cây cầu ở Việt Nam có kiến trúc vòm bằng thép roni.  Cầu kia là cầu Long Hồ, nằm trên đường từ Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh – Khánh Hòa (cũng do hãng RMK xây dựng những năm 1960). Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê tông cốt thép.

Cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Xưa, cầu dựng lên để phục vụ chiến tranh. Sau 1975, cầu mang tên người anh hùng đất Quảng Nguyễn Văn Trỗi và bắt đầu thực sự là cây cầu “dân dụng”. Cây cầu là lối lưu thông thân quen và duy nhất của người dân Đà Nẵng hai bờ Đông Tây sông Hàn, từ quận 1 qua quận 3, nếu không muốn đi phà. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu). Cả một thời ấu thơ của nhiều người, khi mà xe máy hãy hiếm hoi với những chiếc Cub cánh én, 78, 79… và cả thành phố đi xe đạp thì chuyện đạp xe qua cầu là kỷ niệm khó quên. Không chỉ với lũ học trò, mà cả với những chú xích lô, dì bán rau, chị bán thịt, cô công nhân, những ông bố bà mẹ… hầu như ai cũng nhiều lần xuống xe đẩy bộ lên cái dốc cầu cao cao ấy. Bây giờ, khi mặt đường dẫn vào hai đầu cầu Trần Thị Lý bên cạnh được nâng cao, mặt đường dẫn vào cầu Nguyễn Văn Trỗi cũng được nâng lên trông thoai thoải hơn xưa rất nhiều.

Hồi nhỏ, nhà tôi ở quận 3, nên tôi thường ngồi sau yên xe đạp của mẹ qua lại cây cầu mỗi ngày để sang quận 1. Những mùa bão, qua cầu là nỗi ám ảnh, nhiều khi gió giật muốn rách hết áo mưa, muốn trì kéo chiếc xe đạp hất vào thành cầu, thiếu điều bị gió quăng xuống sông. Đã không ít lần, người từ quận 3 qua quận 1 đi làm đành phải ngủ lại đêm nhà người quen bên này cầu vì không về được. Đó là những ngày bữa cơm thường rất trễ, vì đợi. Có những hôm ngoại tôi cứ ra cửa ngóng con về, dù ngoại biết mẹ cũng đang sốt ruột. Thức ăn mùa bão chẳng có chi nhiều. Luôn thiếu rau, luôn có mắm cái, có cá khô. Mà sao tôi thấy nó ngon lắm. Cái cảm giác đợi người thân trở về nhà an toàn trong mưa bão, chong đèn ngồi quây quần bên nhau trong ngôi nhà đóng kín cửa, chèn chặt bằng những thứ gì có thể chèn được, ngồi ăn khi bên ngoài gió rít từng cơn, thật khó mà quên.

Ngày Đà Nẵng khánh thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cũng là lúc cây cầu Nguyễn Văn Trỗi được tạm nghỉ hưu một thời gian.

Sông Hàn đoạn giữa 2 cầu Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Khi cây cầu Nguyễn Văn Trỗi bỗng trở thành sàn diễn thời trang cho màn thi catwalk của vòng chung kết cuộc thi Vietnam Fitness Model 2019 lần đầu tổ chức tại Đà Nẵng, người ta mới nhận ra đây là một sàn catwalk độc đáo như một gợi ý mới mẻ cho các cuộc trình diễn thời trang. Hơn thế, cầu Nguyễn Văn Trỗi từng là phim trường cho những cảnh quay khá thơ mộng của bộ phim Yêu em bất chấp. Cây cầu già tuổi đời nhất Đà Thành này có thể “hữu dụng” trong rất nhiều việc mà bản thân nó là nguồn “tài nguyên” dồi dào không phải ai cũng nhớ ra để khai thác hết, từ khi cây cầu này “chuyển công năng” trở thành cầu đi bộ bắc qua sông đầu tiên của Đà Thành và có lẽ của cả nước.

Thật ra, có một người đã nhớ tới: điêu khắc gia tên tuổi của Đà Nẵng, ông Phạm Văn Hạng. Ông đã có những ý tưởng khá lãng mạn, muốn cầu Nguyễn Văn Trỗi thành điểm đi bộ, một không gian sống của nghệ thuật. Trên cầu có ghế nghỉ chân, có dù che nắng, tránh mưa, mặt cầu cho trẻ em vẽ tranh và dưới chân cầu thiết kế thành bảo tàng đời sống người dân xứ Quảng, bày bán sản vật, đồ thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Đây cũng sẽ là không gian cho những câu hò khoan đối đáp dân ca, bài chòi. Thực tế thì cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa sống động được như mong muốn của điêu khắc gia xứ Đà. Cây cầu già vẫn đứng đó, trầm mặc, thưa vắng, yên tĩnh, giữa hai cây cầu trẻ măng, hiện đại đang thu hút khách gần xa mỗi ngày đến check-in, chọn lựa những khung hình đưa lên mạng xã hội.

Cây cầu già, chứng kiến khá nhiều biến động của thời cuộc, công năng của nó cũng thay đổi ít nhiều trước khi thành cầu đi bộ như hiện giờ, nhưng cấu trúc của cầu vẫn nguyên vẹn đó. Và, may mắn thay, màu sơn của cầu vẫn vậy, sau bao năm, một màu vàng thân thương bắc qua con sông tuổi thơ tôi. Bây giờ, thay vì làm chỗ cho xe nhà binh rầm rập vào ra trong chiến tranh, xe tải, xe bồn, xe khách, xe máy, xe đạp các kiểu trong thời bình, thì nó chỉ có việc nâng niu các bước chân, của hầu hết là những người trẻ, tìm đến để chơi, để chụp ảnh, quay phim. Thảng hoặc cũng có, rất ít người, lứa trung niên như tôi, đến cũng để chụp, và để bồi hồi.

Cầu vẫn đấy, sông vẫn đây, nước vẫn trôi theo dòng Hàn giang ra biển. Chỉ có những kẻ qua cầu, là già đi cùng kỷ niệm…

Sơn Trà

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục