Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Chọn ngành nghề, đừng chỉ chọn trường cho con

TS. Nguyễn Đức Nghĩa có gần 40 năm trong ngành giáo dục. Ông từng là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM gần 20 năm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng và Đại học Việt Nam và nhiều năm tham gia lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh.

24h Sống Xanh có cuộc trò chuyện để rõ hơn những vấn đề nổi cộm trong giáo dục – nhất là bậc đại học, và những nhận xét hữu ích của ông cho các học sinh và phụ huynh có thể tham khảo.

NỀN GIÁO DỤC TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Nói về giáo dục – có quá nhiều vấn đề người dân quan tâm và… bối rối. Là người trong nghề rất lâu năm, trải qua nhiều công việc, nếu cần một nhận xét cô đọng, hài lòng nhất và chưa hài lòng nhất – thày sẽ nói gì ạ?

Hài lòng nhất là nhìn suốt 40 năm qua, giáo dục nước nhà có sự phát triển liên tục và hội nhập quốc tế. Dù đến nay, sự hội nhập vẫn đang tiếp tục. Trước đây trong giai đoạn giáo dục tinh hoa, vào đại học là hiếm và khó vì ít trường thì nay đã dễ, giáo dục đại học đã chuyển sang giáo dục đại chúng và có thể lựa chọn phong phú hơn nhiều, tạo tiềm lực lớn cho kinh tế – xã hội.

Điều chưa hài lòng là: Vẫn còn phải “chạy theo xu thế”, chưa có sự quản lý chủ động đón đầu định hướng được sự phát triển.

tien-si-nguyen-duc-nghia

Thí dụ nào về xu thế hiện nay ta đang chạy theo ạ?

Trong việc kiểm định xếp hạng quốc tế các trường đại học có một tiêu chí không trường nào của cả nước đạt được, số sinh viên inbound và outbound (số sinh viên trong nước đi nước ngoài học và số sinh viên nước ngoài đến học tại Việt Nam) phải thu hút tương ứng. Việt Nam chưa thu hút được sinh viên nước ngoài đến học tương ứng với số sinh viên Việt Nam đi ra nước ngoài học. Số sinh viên nước ngoài vào học chỉ khoảng 20 ngàn, chủ yếu từ Lào, Campuchia và một ít các nước châu Á. Trong khi đó, số sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học có đến 190 ngàn, chi cả tỷ đô la. Các nước tiên tiến xuất khẩu giáo dục, ta vẫn ở tình trạng “nhập khẩu giáo dục”. Ngoài việc sinh viên đi du học, ở trong nước cho mở trường quốc tế hoặc các chương trình liên kết.

Khi theo xu thế “tự chủ đại học là dân chỉ thấy “sốc về học phí tăng vọt?

Hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng ngang với khu vực thì đầu tư chi phí tăng, học phí sẽ phải tăng là tất yếu. Học phí trung bình trước đây khoảng 12 triệu, nay trường Y tăng đến khoảng 70 – 80 triệu là mức tăng gây “sốc”, vì hiện nay trong quy mô đào tạo của các trường đại học, tỉ lệ sinh viên từ các tỉnh và nông thôn vẫn chiếm nhiều. Trong các trường đại học công lập tại TP.HCM, sinh viên nông thôn chiếm tới 70%. Khoa Y của Đại học Quốc gia có năm đến 90% sinh viên ở nông thôn trúng tuyển.

Nếu có lộ trình và có giải pháp hỗ trợ tài chính thì sẽ đỡ khó khăn cho sinh viên.

Có phải vì thế mà phải có các doanh nghiệp, đại gia “mua trường tham gia giáo dục không ạ?

Không hẳn như vậy. Y Dược vẫn có đại học công. Tự chủ đại học phải lo nhiều việc và có quá trình chứ không chỉ có việc nhà nước không cấp kinh phí nữa, tài chính sẽ là mối lo đầu tiên. Ở nước tiên tiến, trường có nhiều nguồn thu từ các nghiên cứu, dự án chuyển giao cho doanh nghiệp – tức là họ bán được chất xám. Ngoài ra còn nguồn thu từ các nhà tài trợ, mạnh thường quân, sự góp sức của xã hội. Ở nước ta thì chỉ trông vào nguồn thu chủ yếu là học phí. Vì thế chi phí tăng, không còn nguồn nào, phải tăng học phí nếu muốn nâng cao chất lượng.

Việc doanh nghiệp “mua trường” thường có hai góc nhìn. Cái tích cực là trường đại học sẽ gắn bó chặt với kinh tế, công nghiệp sản xuất, tăng được nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất trường xây cất đàng hoàng, lương trả cao thu hút giảng viên giỏi, tăng các hoạt động ứng dụng.

Nếu trường đại học chỉ do một gia đình thành lập, hoặc nếu doanh nghiệp quản lý cứng nhắc như quản lý doanh nghiệp thì trường sẽ khó phát triển được.

Quản lý cứng nhắc sẽ chạy theo doanh số vét đủ sinh viên đối phó trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn.

tien-si-nguyen-duc-nghia

PHÂN TẦNG ĐẠI HỌC VÀ NHỮNG TIẾP CẬN NHANH VỚI XU HƯỚNG TIÊN TIẾN

Làm cả quản lý và hướng nghiệp nhiều năm, thày có quan sát những khối ngành học nào có nhiều tích cực vươn tới những xu hướng tiên tiến của thế giới?

Phân tầng đại học là Nghị định của Chính phủ, dù nó ‘đi sau” hệ quả bùng nổ các trường đại học và đến nay cũng chưa đánh giá hết được việc thực hiện. Ý tưởng tốt là nó giúp nâng cao chất lượng chuẩn sau một thời kỳ phát triển nóng số lượng các trường đại học.

Chúng ta còn nhớ, sau một thời gian phát triển từ đại học tinh hoa sang đại chúng, trước năm 2000 cả nước chỉ có gần 100 trường đại học, mà từ năm 2005 – 2015 với tốc độ cứ khoảng hai tháng lại có một trường đại học ra đời. Sự phát triển nóng ấy ảnh hưởng tới chất lượng.

Hiện nay trong chủ trương kiểm định, có 2/3 số trường đại học Việt Nam được đánh giá ngoài và đến hết năm nay theo kế hoạch, sẽ phải thực hiện xong 100% số trường.

Việc kiểm định này theo hướng của quốc tế. Các trường tự đánh giá rồi tổ chức đánh giá ngoài. Lẽ ra việc quản lý chất lượng phải kịp thời với những thời kỳ phát triển bùng nổ các đại học nay làm sẽ tốt, nhưng nhiều trường gặp khó khăn vì thấy khó. Hàng loạt minh chứng, tiêu chí, xây dựng báo cáo… Hệ thống văn bản kiểm định tự đánh giá chưa hoàn chỉnh, dẫn tới lúng túng.

Nếu có thể nhận xét khối trường nào tiếp cận nhanh với xu hướng tiên tiến thì trước tiên phải nói tới ngành. Có hai nhóm ngành phát triển rất nhanh: Công nghệ thông tin và Logistics. Ngoài ra có những ngành liên quan như Ngân hàng – Tài chính. Chỉ riêng Công nghệ thông tin trong vòng 20 năm, từ một ngành ban đầu đã phát triển thành nhóm ngành với 8 ngành, chưa kể khoảng 10 ngành khác có liên quan trực tiếp trên nền kiến thức Công nghệ thông tin.

tien-si-nguyen-duc-nghia

CHỌN TRƯỜNG HAY NGÀNH NGHỀ?

Là một chuyên gia hướng nghiệp, thày có nhận xét gì về xu hướng lựa chọn của người học?

Tâm lý của phụ huynh có ảnh hưởng khá quyết định đến việc học của sinh viên, vì cha mẹ vẫn là người bỏ tiền ra đầu tư việc học cho con nên có nhiều quan tâm và nhiều khi mang tính chất quyết định. Thường là họ chọn trường danh tiếng, ra dễ tìm việc làm – mang yếu tố quan trọng trong lựa chọn.

Chủ trương lựa chọn “phân luồng” vẫn chưa thật hiệu quả. Hết lớp 12 chọn con đường vào đại học vẫn chưa bao giờ dưới 70% trong khi đề án phân luồng học sinh chỉ tiêu đề ra là chỉ 60% học sinh sau trung học phổ thông vào học các trường đại học. Và có một thực tế phụ huynh vẫn chọn tập trung vào khoảng 100 trường trên tổng số hơn 250 trường đại học.

Nếu cho phép tôi có lời khuyên thì đó là: Chọn ngành nghề hơn là chọn trường. Khi con có sở trường và thích hợp ngành nghề nào, tùy vào học lực và tài chính gia đình thì chọn cho con ngành nghề đó, có thể chỉ là trung cấp hay cao đẳng. Vì học trường danh tiếng mà không phù hợp, ra trường còn khổ hơn.

Ngày nay có bằng đại học còn khó tìm việc làm, vậy sao có thể “yên tâm học những bậc thấp hơn ạ?

Lời khuyên đó dựa trên cơ sở thực tế là chính sách liên thông đã rất thuận lợi cho ai có nghề nghiệp rồi muốn học lên cao hơn khi có điều kiện. Tốt nghiệp đại học danh tiếng mà chọn nghề không phù hợp, không giỏi hẳn thì sao bằng người học bậc thấp hơn, thực hành giỏi nghề rõ ràng hướng đi.

Việc thi cử, tuyển sinh đã có nhiều cải tiến, thay đổi rõ nét. Trước năm 2013 một học sinh hết lớp 12 muốn vào đại học chỉ có con đường duy nhất thi vào trường đại học do chính trường đó tổ chức thi tuyển, không có cách nào khác. Năm 2013 mới có thí điểm 10 trường đại học xét tuyển dựa trên học bạ – rồi 2014 mở rộng ra 62 trường. Rồi 2015, trường đại học tự quyết định có xét tuyển từ học bạ trung học phổ thông hay không. Và đến năm nay, 2020 nhiều trường đại học lớn cũng xét tuyển học bạ, kể cả trường công lập.

Xu hướng các gia đình Việt Nam vẫn chú trọng bậc học đại học cho con. Nhưng quan trọng nhất là con phải có một nghề phù hợp. Nên tôn trọng thực lực và sở trường của con, hỗ trợ tạo điều kiện, không nên bắt nó theo ý mình. Trong bối cảnh Việt Nam, con có một nghề vững chắc để có thể tự lo, hơn là một đứa con đại học không ưng làm một vị trí nghề giỏi giang cụ thể.

Các vị phụ huynh nên suy xét kỹ, tránh “bệnh đại học” hoặc bắt con theo ý mình. Ngoài ra cũng nên tránh kiểu cực đoan khác là không quan tâm đến con, cho là nhiệm vụ mình chỉ lo tiền là được.

Có chuyện thời sự nhiều phụ huynh lo lắng, chắc thày có nghe: Mỹ từng có ý định “cắt visa những sinh viên học ở trường nào học 100% qua online. Nếu có con đang du học Mỹ hoặc dự định cho đi, nên nghĩ sao ạ?

Tôi nghĩ nên bình tĩnh tìm hiểu chính sách của Mỹ có liên quan. Trường đại học muốn giữ sinh viên quốc tế chắc họ sẽ có kế hoạch phù hợp. Với những sinh viên sắp đi, tôi đoán họ sẽ phải cân nhắc kỹ và có thể xu hướng sẽ là học ở những trường mở tại Việt Nam kiểu 2+2. Học trong nước 2 năm, sau đó đến nước ngoài 2 năm sau.

Xin cảm ơn vì những chia sẻ thiết thực của thày!

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục