“Trẻ cậy cha, già cậy… cây”!

Được người trong giới du lịch phong là “trùm du lịch biển”, nhưng với người dân Quảng Nam, ông Phan Xuân Anh còn thực hiện một sứ mệnh khác: mang cây xanh trồng từ trên nguồn xuống biển…

Thầy Phan Xuân Anh – như cách mọi người hay gọi ông, bao lâu nay, lặng lẽ “làm lành” với tự nhiên. Vì như ông nói, nguồn sống này khởi đi từ những ngọn cỏ, gốc cây. Chúng ta biết trả ơn thiên nhiên như thế nào đây, ngoài chuyện trồng lại cây xanh?

tre-cay-cha-gia-cay-cay
Dòng sông xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Mang cây lên non

* Đến giờ này, bao nhiêu địa phương của Quảng Nam đã tiếp cận được với dự án hay đúng hơn là giấc mơ 1 triệu cây xanh của ông?

– Ông Phan Xuân Anh: Hầu hết huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam bây giờ đều có cây xanh do chúng tôi hỗ trợ. Rất nhiều tỉnh thành trên cả nước được chúng tôi mang cây đến trồng, nhưng Quảng Nam là quê hương tôi nên ưu tiên.

Quảng Nam cũng là nơi mà tôi nghĩ người dân đang bắt đầu giật mình về thảm họa thiên nhiên. Cho nên người dân đề xuất chúng tôi hãy cho cây và họ hướng dẫn kỹ thuật trồng. Mấy tháng nay chúng tôi liên tục về các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… đưa lên đó hàng trăm cây để bà con trồng. Nhiều xã điều kiện đi lại khó khăn, chúng tôi không biết phải làm như thế nào để đưa cây lên. Vậy là có vài thanh niên địa phương đăng lên facebook, và chưa đầy nửa ngày sau, rất đông người dân đến nơi tập kết, bảo với chúng tôi sẽ giúp vận chuyển. Hành trình đưa cây lên núi đó, tôi nghĩ có thể làm được một cuốn phim. Xúc động lắm! Sau đợt này tôi nghĩ mình phải về bàn lại với các cộng sự, vì khi đã hình thành gốc cây rồi, dù cây gì thì cũng rất khó vận chuyển. Cái cây cầm ở dưới nhẹ nhưng khi vác lên núi thì nó nặng lắm. Chúng tôi đã nghĩ đến việc phải chuyển đổi sang hạt giống để tạo điều kiện cho bà con.

Mỗi năm riêng với Quảng Nam, chúng tôi trồng khoảng 20 nghìn cây. Bạn thấy nhiều không? Nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ. Năm 2008, chúng tôi hỗ trợ xã Đại An (Đại Lộc) 2 nghìn gốc cây sao đen, xà cừ. Người dân trồng trong trường học, dọc theo các ngả đường. 12 năm rồi, bây giờ cây đã cao, tỏa bóng mát. Trưa nắng bà con làm đồng về có bóng cây che, tự nghĩ cũng thấy vui. Rồi ở vùng núi cao, như lúc nãy tôi có kể, hành trình đưa cây từ miền xuôi lên miền núi dù vất vả nhưng thanh niên tình nguyện làm.

Rồi đến các trường học. Đây là nơi chúng tôi ưu tiên hỗ trợ nhiều nhất và cũng là nơi được hưởng nhiều nhất. Nhìn học sinh hào hứng trồng cây, rồi ở nơi khác, cây đã lên xanh tỏa bóng cho các con chơi đùa, vui lắm chứ! Phải nói rằng chúng tôi thật sự hào hứng khi người Quảng Nam ý thức về sự quan trọng của việc trồng cây. Và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào.

tre-cay-cha-gia-cay-cay
Ông Phan Xuân Anh trong cuộc trò chuyện cùng thanh niên khởi nghiệp Quảng Nam. Ảnh: T.C

Cây gì mọc được ở đây?

* Tại sao không là dự án nào khác, mà chọn trồng cây, thưa ông?

– Ông Phan Xuân Anh: Bản thân làm du lịch mấy mươi năm rồi, khi tôi đi với du khách nước ngoài, họ nói với tôi, người Việt Nam trồng cây rất nhiều. Nhưng nhìn lại, nó ít có giá trị về mặt môi trường và cả kinh tế. Đó là trồng cây không thích ứng với điều kiện tự nhiên lẫn địa lý. Nhiều vùng trồng cây khi đến mùa bão lũ thì gãy đổ, hoặc gặp tình trạng sâu bọ. Tiếp đến là tình trạng rụng lá, còn về mặt kinh tế bán không ai mua. Đó là những cái dở. Lại có chuyện nhiều nơi trồng cây nhưng lại không giữ được mạch nước ngầm.

Từ ban đầu, thay vì hỏi “trồng cây gì ở đây?”, chúng tôi lại đặt vấn đề “cây gì mọc được ở đây?”. Những loại cây chúng tôi lựa chọn trồng là sao đen, muồng… tức là những loại cây môi trường. Những loại cây này có thể tận dụng từ thân cây cho đến rễ cây. Thân cây sau 20 năm trồng có thể cho gỗ làm nhà, đóng thuyền bè… Nhưng cái chúng tôi nhắm tới là rễ cây môi trường ở vùng cao. Rễ của chúng bám sâu vào mặt đất từ 5 – 10 thước, không ngã đổ vì gió bão, đặc biệt mưa xuống giữ toàn bộ mạch nước ngầm, tạo ra giá trị lớn cho người dân vùng cao.

Cho nên chúng tôi nghĩ để giúp được cư dân bản địa hiểu được điều này cần sự kiên nhẫn. Mà đây là điều chúng tôi đã gặp phải, không chỉ với cư dân địa phương mà cả chính quyền nữa. Họ nói thay vì để tôi trồng cây mất mấy mươi năm, cho chúng tôi cái nhà, cho chúng tôi ăn, thiết thực hơn. Cho cái cây chúng tôi trồng biết bao nhiêu năm mới ra? Nhưng chúng tôi kiên trì giải thích và kiên quyết từ chối những hỗ trợ như họ đề xuất. Muốn thoát khỏi những hiểm họa môi trường, thì chỉ có trồng cây. Tôi thích điều này, dù bạn quan tâm đến vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, hay xóa đói giảm nghèo, hoặc đơn giản chỉ là muốn có một sân chơi cho trẻ em… thì “trồng một cây” luôn là một giải pháp thích hợp, rẻ tiền và hiệu quả. Cây cối quyết định sự sống còn của mọi sự sống phụ thuộc vào ôxy trên trái đất.

Tôi chọn trồng cây xanh như một cách đóng góp cho xã hội và sẽ tiếp tục dự án. Giấc mơ của tôi là trồng được một triệu cây. Tôi ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng cây ngay nơi mình sinh sống, tạo những không gian xanh, giữ môi trường và cả bảo vệ cho xóm làng, trường trạm. Cây sao đen còn có giá trị kinh tế sau này, vì vậy càng tạo động lực để người dân hăng hái trồng cây hơn. Ngày xưa người ta có câu là “trẻ cậy cha già cậy con”, tôi nghĩ vui hay bây giờ mình đổi khẩu hiệu đi, là “trẻ cậy cha, già cậy cây”…

Ông Phan Xuân Anh, quê Quảng Nam, cựu giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty Du ngoạn Việt. Sau 10 năm đi dạy, năm 1989 ông chuyển sang làm du lịch và được biết đến nhiều với dự án tham gia cải tạo môi trường, tour tham quan trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.Hồ Chí Minh), du lịch tàu biển…

Tài nguyên dòng sông

* Giờ thì phải quay lại với sở trường chính của ông, là làm du lịch. Ông nghĩ gì về giá trị bản địa của Quảng Nam có thể khai thác du lịch, nhất là với các bạn trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp trên lĩnh vực này?

– Ông Phan Xuân Anh: Phải nói Quảng Nam là quê hương của biển cả bao la và sông ngòi chằng chịt. Hầu hết các dòng sông gắn với lịch sử oai hùng hoặc với những câu chuyện thần tích, chuyện người đến từ phương xa… Việc khai thác giá trị của các dòng sông cho du lịch chưa nhiều. Tôi có thể kể như sông Hoài, sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Trường Giang, sông Cổ Cò, sông Cẩm Châu, sông Cẩm Thanh, sông Bung, sông Bà Rén, sông Vàng, sông Vĩnh Điện, sông A Vương, sông Kôn…, quá nhiều dòng sông. Trừ sông Hoài và sông Cẩm Thanh, giờ vẫn chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp vào lĩnh vực khai thác các dòng sông phục vụ khách du lịch mặc dầu tài nguyên bao la. Vì sao vậy? Tôi nghĩ đây là điều các bạn khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch cần phải làm mới.

Khởi nghiệp là gì, là làm cái mới. Dòng sông bao chứa trong nó rất nhiều yếu tố, từ các giá trị hiện hữu như bãi cát, bãi tắm, cho đến các tài nguyên nhân văn. Khởi nghiệp du lịch trên nền tảng bản địa Quảng Nam đang đề ra là đề tài rộng, mang tính nhân văn rõ nét, đòi hỏi có cái nhìn nghiêm túc về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, nhân văn, văn hóa… Những dòng sông xứ Quảng chứa đựng nguồn lực to lớn phục vụ con người, đòi hỏi sự sáng tạo, “liều lĩnh”, mạnh dạn suy nghĩ và đầu tư bài bản mới tạo bước ngoặt cho khởi nghiệp sông nước. Biết tận dụng thế mạnh của sông ngòi làm khởi nghiệp là chọn phân khúc dễ so với biển. Sông ngòi cho phép khai thác quanh năm, nhiều sản phẩm, nhiều kiểu làm du lịch hơn. Khởi nghiệp du lịch sông nước tạo điều kiện sáng tạo cho những người có ý tưởng và vốn quy mô vừa.

Do vậy tôi nghĩ chính quyền Quảng Nam cần đánh giá đúng mức giá trị tài nguyên sông ngòi của tỉnh và khả năng khai thác du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng nhiều bến thủy nội địa dọc các sông gắn với thành phố hay thị trấn. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sông nước bằng các chính sách đầu tư cởi mở, chính sách cho thuê đất ven sông và chính sách thuế hợp lý cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp trên trang điện tử của tỉnh miễn phí và có chính sách miễn thuế những năm đầu cho khởi nghiệp du lịch.

Minh Khôi

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/tre-cay-cha-gia-cay-cay-110085.html

Cùng chuyên mục