Con người đang làm loài chim đổi tiếng hót?

Khi các thành phố trên khắp thế giới bị phong tỏa trong đại dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc này có tác động nhất định đến tiếng hót của các loài chim sống cạnh con người.

Elizabeth Derryberry, nhà nghiên cứu về loài chim, cho biết: “Các loài chim không hót cùng một kiểu. Chúng cũng có phương ngữ như con người, có chất giọng khác nhau tùy vào vùng miền, thổ nhưỡng cũng như môi trường sống”.

chim-doi-tieng-hot
Một chú diều hâu ở quảng trường Trafalgar, London.

Chim hót không phải để “mua vui” cho con người

Theo giới nghiên cứu, trong khi một số loài chim sinh ra là đã biết cách hót bẩm sinh, nhiều con cần được bố mẹ dạy cách hót, giống như con người. Những con chim có thể phát triển phương ngữ riêng tùy vào khu vực chúng sinh sống. Do vậy mà giọng hót của cùng một loài chim nhưng nghe hơi khác nhau tùy thuộc vào nơi chúng sống.

Loài chim hót không phải để “mua vui” cho con người hoặc khiến cuộc sống thêm thi vị. Hót là cách để loài chim giao tiếp với nhau hoặc những con đực đang cố thu hút, “lấy le” con cái. Một con chim đực biết hót tiếng địa phương có nhiều cơ hội tìm kiếm bạn tình hơn.

Đáng ngại là, giống như phương ngữ của con người đôi khi có thể biến mất khi thế giới toàn cầu hóa, phương ngữ của loài chim có thể bị ảnh hưởng, mất đi khi các thành phố phát triển và chỗ sống của chúng ngày càng thu hẹp lại.

chim-doi-tieng-hot
Hót là cách để loài chim giao tiếp với nhau hoặc những con đực đang cố thu hút con cái.

Bối rối và căng thẳng khi sống cạnh con người

Trong những năm qua, người ta ghi nhận những con chim sống tại các thành phố bắt đầu hót ở một âm vực cao hơn và nhanh hơn để giọng của chúng không bị át đi bởi tiếng ồn của các phương tiện giao thông và công trình xây dựng.

Do vậy, khi các thành phố đột nhiên vắng lặng hơn trong giai đoạn phong tỏa do vắng bóng xe cộ và công trường, có suy đoán cho rằng thế hệ chim mới có thể bắt đầu hót ở âm vực thấp hơn. Và năm tới, khi đến thời điểm sinh sản, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu liệu giọng hót của chúng có còn được đồng loại nghe thấy khi các loại tiếng ồn thành phố quay trở lại hậu Covid-19?

Việc sống cạnh con người đem lại cho loài chim nhiều thử thách. Ngoài chuyện tiếng ồn, đèn đường cũng làm cho chim bối rối và căng thẳng vào thời điểm chúng cần đi ngủ. Nỗ lực thích nghi với cuộc sống ở những khu vực có tiếng ồn khủng khiếp tác động mạnh mẽ đến sức khỏe của loài chim.

chim-doi-tieng-hot
Những con chim sống trong thành phố buộc phải thích nghi để tồn tại

Nhà nghiên cứu Simon Watt cho biết thêm: “Những con chim trong thành phố buộc phải thay đổi, hành xử khác với đồng loại sống ở môi trường tự nhiên hơn. Chúng cũng hót vào những thời điểm khác nhau, kể cả vào ban đêm vì đèn đường làm chúng không phân biệt được trời sáng và tối. Nhịp sinh học của chúng không hoạt động như trước đây. Đây không phải là sự tiến hóa, mà là sự thích nghi để tồn tại.”

Trong số các loài chim, bồ câu có thể là giống hài lòng với cuộc sống gần con người. Bởi mỗi tòa nhà cao tầng gần như là một vách đá và thức ăn ở khắp mọi nơi, trong lúc thành phố thì ấm hơn những nơi khác.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ CNN, Daily Mail

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/con-nguoi-dang-lam-loai-chim-doi-tieng-hot/

Cùng chuyên mục