Thăm làng nghề lá bàng buông, giật mình chuyện thu nhập

Thật khó tin nhưng ở miền Tây hãy còn làng nghề truyền thống với thu nhập rất khiêm tốn, như làng nghề lá bàng buông ở Tiền Giang. Nhưng vẫn còn những người yêu lấy nó, theo cách của mỗi người.

Gọi là làng nghề bàng buông, làng nón bàng buông đều đúng, đều chỉ công việc gắn bó hơn nửa thế kỷ qua của người dân xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

lang-nghe-la-bang-buong
Trước sân nhà một người dân nơi đây, dấu hiệu cho thấy vẫn còn hộ làm nghề truyền thống. Mà dấu hiệu này ngày một ít ở đây.

Dì Sáu, chủ một homestay ở xã Thân Cửu Nghĩa này là cán bộ đã về hưu. Dì Sáu có miếng đất rộng ở xã mua từ hồi nảo hồi nào, để dành đó, tới khi về hưu thì dì bán nhà ở thành phố Mỹ Tho, về hẳn ấp Thân Cửu Nghĩa ở luôn, mua thêm, cải tạo đất hoang hóa, phèn mặn, mở homestay mần du lịch. Dì cười: “Tui làm cái này (homestay) là vì một lời tự hứa: phát triển làng nghề bàng buông phải gắn với du lịch sinh thái. Tâm nguyện này có từ mười mấy, hai chục năm trước lận, về hưu rảnh mới dành thời gian quyết tâm vực dậy cái làng nghề truyền thống lâu đời này ở xứ mình đang mai một dần.”

Huy Nguyễn, người cháu ruột của dì Sáu, đang làm việc với thu nhập cao ở Sài Gòn cũng bỏ hết để về chỉ để giúp dì, vì đau đáu chuyện phải làm một cái gì đó để giữ cho được làng nghề lá bàng buông trước nguy cơ biến mất.

Hoàng kim một thuở

Thuở trước, ở vùng Thân Cửu Nghĩa này, cùng với cây năn, cây lác, cây bàng mọc rất nhiều trên những vùng đất hoang hóa, phèn mặn. Lá bàng được sử dụng nhiều trong đời sống thường ngày như đan giỏ, manh, bao, nóp, gối… mà thông dụng nhất là nón lá bàng. Dần dà, nón còn được đan với nhiều nguyên liệu khác nhau như lác, lá buông, người dân nơi này gọi chung là nón bàng buông.

lang-nghe-la-bang-buong
Đời thứ ba trong gia đình ông Bảy, ở ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang theo nghề.

Người dân ở đây kể lại, cách đây hơn nửa thế kỷ, người trong làng đi rừng phát hiện ra cây buông, đem về phơi khô, xé nhỏ kết thành nón, đội đi làm đồng rất hợp vì mát. Người dân quê rất ưa chuộng. Từ đó, hình thành nên nghề làm nón lá buông của xứ Thân Cửu Nghĩa. Sau này, ngoài nón là mặt hàng chủ lực, nơi đây còn có thêm các sản phẩm như túi xách, gối, nóp,…

Hiện tại, ngoài một số nhà làm nón lá bàng, còn đa phần dân vùng Thân Cửu Nghĩa chuyển sang làm nón lá buông, hoặc kết hợp cả hai. Nón bàng buông không chỉ bền, đẹp mà còn giữ được màu sắc tươi sáng, đội dễ chịu. Nếu đi du lịch, đặc biệt là ở các vùng biển, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều loại nón này, mà trong đó không ít là từ xứ Thân Cửu Nghĩa.

lang-nghe-la-bang-buong
Thu nhập quá thấp đã khiến công việc ở làng nghề lá bàng buông bây giờ chỉ còn người già làm nghề.

Từng có lúc, mỗi năm, xã Thân Cửu Nghĩa xuất khẩu hơn 10 triệu sản phẩm. Nghề làm nón cũng đã nuôi sống nhiều hộ gia đình trong làng suốt hơn 50 năm qua. Với công đoạn ép, một người làm được khoảng 1.500 – 2.000 chiếc mỗi ngày, còn may được khoảng 1.000 – 1.500 chiếc. Trung bình mỗi chiếc được 100 đồng, một ngày miệt mài kiếm được chừng 100 ngàn đồng.

Đặc trưng hiếm có của nghề này không phụ thuộc vào máy móc, không áp lực, rảnh khi nào đương (đương, nghĩa là đan, từ địa phương – PV) khi đó. Như tui ngoài việc làm  bếp, chăm em, rảnh ra thì ngồi đương.” Bà Năm, ở ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa nói về cái công việc bà gắn bó 40 năm qua, khi còn con gái. Khi đó, làng nhiều người làm lắm, đi đâu cũng thấy phơi lá, phơi nón, phơi túi vừa đan xong, từ trong nhà ra ngoài lộ, nhìn thích mắt. Bà Năm cho biết bí quyết: “Để nón đẹp, khi đương phải chặt và đều tay cho nón không bị hở. Đương xong, nón được đem đi cắt rìa, may viền, ép khuôn rồi nhuộm màu. Cuối cùng là công đoạn sấy khô, xử lý ẩm mốc…”

Nhưng đó là chuyện đã qua khá lâu rồi. Làng nghề lá bàng buông nơi đây, cũng lâm vào tình trạng chung của rất nhiều làng nghề truyền thống khác. Nếu như cách đây gần chục năm, Thân Cửu Nghĩa có khoảng 70 người có tuổi nghề hơn 50 năm, thì nay chỉ còn rải rác năm bảy người như vậy, là còn theo nghề.

Tâm sự của người làm nghề

Bây giờ thì làng nghề chỉ còn lèo tèo dăm gia đình gắn bó với công việc đã từng là niềm tự hào của xứ này. Trong làng, cũng còn một số người không hẳn bỏ nghề nhưng cũng chỉ xem làm nón là “việc nông nhàn”. Ban ngày họ đi làm công việc khác, trưa hay chập tối, cuối tuần tranh thủ làm nón để kiếm thêm thu nhập gọi là cho vui.

lang-nghe-bang-buong
Ông Bảy, ngoài những công việc đan lát, ông còn làm việc mua lá buông về tuốt sẵn bán để kiếm thêm thu nhập. Mỗi bó ông lời khoảng năm ngàn đồng.

Ông Đặng Văn Bưởi, hay gọi là chú Bảy, năm nay 57 tuổi, ở ấp Thân Hòa, có gia đình đã ba đời làm nghề. Ông không nhớ cụ thể là gia đình mình theo nghề này được bao lâu nữa, nhưng ít thì cũng 50 năm rồi, nhiều thì cũng 60 năm. Ông Bảy nói: “Giờ mà hỏi những người có tuổi như tụi tui cụ thể thời gian học nghề thì không chắc con số được đâu. Từ nhỏ tui đã thấy cha làm rồi học theo đó mà đương, riết rồi quen, rồi theo nghề thôi.”

Nhà ông Bảy, như nhiều nhà còn làm nghề này trong xã, hiện chủ yếu làm các công đoạn quan trọng đầu tiên của việc đan túi, nón. Đó là phơi, chuốt lá, chằm lá, đan… Ông kể: “Ngồi đương cả ngày, cơm nước người ta lo, mình không làm gì cả chỉ tập trung đương thì cũng được hai chục cái nón hoặc giỏ. Nhưng thanh niên trẻ thì một ngày mới đương được hai chục cái, già như tui mần gì nổi. Giờ thanh niên trong xã không đứa nào chịu làm. Mà cũng phải thôi, đi làm công nhân xí nghiệp để sống, chứ nghề này cực quá, mà tiền ít nữa.”

lang-nghe-la-bang-buong
Bà Năm, ấp Thân Hòa cho biết, lớn tuổi như bà bây giờ tìm công việc khác rất khó, nên vẫn phải tiếp tục công việc ngồi đan lát với giá quá rẻ như vậy. Chỉ 2.000 đồng/ nón.

Đám thanh niên trong xã đi mần xí nghiệp lương cũng chẳng khá gì. Nhưng so với nghề này thì vẫn cao. Công đương một sản phẩm chỉ 2.000 đồng đến 2.500 đồng, nếu biết giá thành bán ra ở các điểm du lịch có giá trên dưới 50.000 đồng thì sẽ thấy mức giá này nó rẻ tới mức nào”. Bà Ba, người ở cùng ấp với ông Bảy kể, tay vẫn không ngừng đan chiếc giỏ thứ ba trong suốt buổi sáng cặm cụi. “Mà là nghe người ta đi du lịch về kể vậy, chớ từ hồi làm nghề này tới giờ, tui đã được đi du lịch tới mấy chỗ người ta bán nón mình làm ra đâu”.

Ông Bảy cho biết thêm: “Nếu kiếm được khá tiền, là ở cơ sở, công ty hoàn tất khâu cuối đem bán, xuất đi. Chớ làm gia công bao lâu nay như tụi tui thì tiền bạc kiếm được cũng chỉ chừng đó thôi. Dạo này vì dịch, nhiều nơi không bán được hàng, cơ sở sản xuất đóng cửa hết ráo, nên giá càng ngày càng tuột như xuống núi vậy.”

Quả là một con số quá thấp mà không cần hỏi cũng có thể biết được thu nhập hàng tháng của người làm nghề này. Ông Bảy trợn mắt khi nghe khách hỏi thu nhập một tháng trung bình được chừng 4 – 5 triệu không: “Làm gì tới, được phân nửa số tiền đó là may rồi”. Rồi cười buồn nói: “Thử nghĩ mà coi, tiền công mần một chục cái nón làm một ngày được hăm mấy ngàn bạc, không đủ tiền ăn một tô hủ tiếu. Hỏi có ai chịu làmLỡ gắn bó cái nghề này từ trẻ đến già, giờ có muốn thay đổi cũng chẳng biết làm nghề gì để sống.” Ông không chỉ đan nón, túi… mà còn tuốt sẵn lá buông để bán lại cho người ta, để có thêm chút tiền.

lang-nghe-bang-buong
Những chiếc nón này, sau khi thêm công đoạn may, sấy, xử lí nấm mốc sẽ được bán ra thị trường với giá thành cao gấp 20 – 25 lần giá gia công.

Đây cũng là điều Huy Nguyễn đau đáu chuyện làng nghề ở quê mình. Anh trăn trở: “Không có ai thuyết phục, hay làm cho người làm nghề này biết là họ cần nên làm thế nào, thay đổi suy nghĩ ra sao để giúp cái nghề của mình có thể phát triển tốt hơn”. Anh tâm sự, muốn nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề lên ở một mức khác, như nó đáng có để người dân quê mình có thể sống được với cái nghề truyền thống. Dĩ nhiên là rất tốn thời gian, tiền bạc và công sức. Dĩ nhiên là phải đả thông tư tưởng rất nhiều khi không ít người làm nghề nơi đây tỏ ra rất an phận, bằng lòng với việc gia công kiếm số tiền nhỏ nhoi qua ngày như vậy. Dĩ nhiên phải kết hợp với nhiều cơ quan chức năng đoàn hội tại địa phương, có kế hoạch dài hơi mà một vài cá nhân tâm huyết khó thể làm tốt được. Có quá nhiều việc phải làm, mà trước mắt, anh Huy và dì Sáu của mình, đang cố gắng kết hợp khai thác du lịch, đưa khách đến với làng nghề, bằng nhiều hình thức, trong đó có việc gắn kết với du lịch sinh thái. Lối ra chưa rõ hiệu quả đến đâu, nhưng ít ra thì với những người còn tâm huyết, hy vọng làng nghề lá bàng buông sẽ không phải buông xuôi cái nghề đã làm nên niềm tự hào xứ này.

Ông Bảy có ba người con, đi làm công nhân, cuối tuần ai rảnh thì tranh thủ làm, “coi như phụ cha đặng nối nghiệp cái nghề cha ông tuy nghèo mà dứt hoài không bỏ được. Cũng may là con tui nó chịu mần. Chứ nó không chịu, tui cũng không ép được ”.  Ông Bảy nói ví von: “làng nghề bàng buông bây giờ giống như cờ treo mà không có gió vậy đó.”

Ông lại cười rổn rảng đúng điệu: “Miền Tây chắc không thiếu gió phải không?”

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tham-lang-nghe-la-bang-buong-giat-minh-chuyen-thu-nhap/

Cùng chuyên mục