Vì sao giặt đồ cũng gây hại cho đại dương?

Ít ai ngờ, việc giặt đồ mỗi ngày của các hộ gia đình trong thành phố có thể góp phần vào tình trạng thải vi nhựa vào đại dương. 

Ngoài khơi bờ biển Cullercoats, Đông Bắc nước Anh, các nhà nghiên cứu thiết lập một đường ống dài xuống đáy Biển Bắc. Thiết bị này được dùng để thu thập các mẫu động vật phù du siêu nhỏ, đóng vai trò như chỉ dấu cho tình trạng sức khỏe của đại dương.

giat-do-cung-gay-hai-cho-dai-duong
Cứ mỗi lần giặt đồ, chúng ta lại thải ra môi trường hàng triệu sợi microfiber

Thải ra môi trường hàng triệu sợi microfiber

Phòng thí nghiệm của Đại học Newcastle đã thu thập các vi sinh vật từ vùng biển này trong 50 năm qua, để làm sáng tỏ tác động của việc thay đổi mức độ dinh dưỡng trong lòng đại dương và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu các mẫu thu thập được, các chuyên gia nhận ra mối đe dọa ngày càng tăng nhưng gần như vô hình đối với đại dương: Microplastic (vi nhựa).

Microplastic là loại nhựa có đường kính khoảng 5 mm, chiếm gần 1/5 trong số 8 triệu tấn nhựa tập kết ở các đại dương mỗi năm. Trong số này, các sợi cực nhỏ được gọi là sợi microfiber – phần lớn đến từ loại vải tổng hợp.

giat-do-cung-gay-hai-cho-dai-duong
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Newcastle quan ngại rằng nhiều người không có ý niệm gì về tác hại của việc giặt đồ đối với đại dương.

Nhà nghiên cứu Max Kelly cho hay: “Công việc của chúng tôi tập trung vào nghiên cứu polyester, loại sợi tổng hợp được sử dụng phổ biến trong ngành dệt may. Chúng tôi đang xem xét những gì xảy ra khi chúng ta giặt quần áo, những sợi polyester nào được thải qua các đường ống thoát nước ra đại dương, nơi chúng có thể bị các sinh vật biển nuốt chửng trong phạm vi rộng. Rồi thì con người lại hấp thụ vi nhựa khi ăn hải sản.”

Theo giới nghiên cứu, cứ mỗi lần giặt đồ, chúng ta lại thải ra môi trường hàng triệu sợi microfiber. Mặc dù các nhà máy xử lý nước thải có thể chặn lại 99% trong số đó, phần còn lại cuối cùng có thể chảy vào các sông suối và cuối cùng đổ ra đại dương. Do vậy mà con đường của sợi microfiber từ máy giặt vào môi trường khá dễ dàng.

Mối đe dọa vô hình

Lâu nay, nói đến ô nhiễm đại dương, người ta thường chú ý nhiều đến tác hại của các loại túi nylông, chai lọ và lưới đánh cá bị vứt bỏ đối với sinh vật biển. Tuy vậy, những chất gây ô nhiễm này chỉ đe dọa đến các loài động vật biển có kích cỡ lớn, trong lúc các loại vi nhựa được ghi nhận làm gián đoạn chuỗi thức ăn ở đại dương.

Viện thí nghiệm biển Dove, cho biết, các sợi microfiber tác động ngay lập tức đến các vi sinh vật, hành vi ăn, sinh sản và phát triển ấu trùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái biển.

Có ghi nhận rằng thay vì ăn những gì chúng thật sự cần, các vi sinh vật đang ăn vi nhựa do vậy chúng không nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết nên không phát triển được. Trong khi đó, chúng là thức ăn cho các loài lớn hơn, và khiến các loài này cũng không nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết. Về tổng thể, đó là hệ lụy dây chuyền, khiến các loài sinh vật biển ngày càng kém dinh dưỡng hơn. Có những lo ngại rằng những hạt vi nhựa này cuối cùng có thể kết thúc vòng đời trên bàn ăn của chính chúng ta.

giat-do-cung-gay-hai-cho-dai-duong
Ngành dệt may toàn cầu hiện sản xuất hơn 40 triệu tấn vải tổng hợp mỗi năm.

Mặt trái của vải Polyester

Theo giới nghiên cứu, nguyên nhân mấu chốt của vấn đề là ngành dệt may toàn cầu hiện sản xuất hơn 40 triệu tấn vải tổng hợp mỗi năm. Phần lớn trong số này là quần áo polyester, chất liệu tuyệt vời để sản xuất quần áo. Loại vải này thoáng khí, thích hợp cho người tham gia các hoạt động thể thao và ngoài trời. Chất liệu vải này cũng mau khô, có giá rẻ mà lại bền và nhẹ. Tuy nhiên, mặt trái của sợi polyester thì chỉ mới được nghiên cứu gần đây.

Các nhà nghiên cứu người Anh đã làm việc với tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble, công ty chuyên sản xuất chất tẩy rửa, để tìm hiểu thói quen giặt giũ của cá nhân có thể ảnh hưởng đến số lượng sợi microfiber  được thải ra mỗi lần giặt. Các nghiên cứu của họ cho thấy chế độ giặt cho loại quần áo mỏng có thể thải ra hơn 800.000 microfiber so với chế độ giặt  thông thường.

Nhà nghiên cứu Max Kelly đưa ra lời khuyên: “Mọi người nên quan tâm đến chuyện giặt giũ và tác hại đối với đại dương. Bởi nếu chúng ta có ý thức về vai trò của mình, chúng ta sẽ góp tác động tích cực vào đại dương.”

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ CNN

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/vi-sao-giat-cung-gay-hai-cho-dai-duong/

Cùng chuyên mục