Sống Xanh 2019 – 10 hoạt động ấn tượng

1. Ngày hội Sống xanh

Ngày hội Sống xanh TP.HCM 2019 được kế thừa từ Ngày hội Tái chế chất thải đã được TP.HCM tổ chức thành công hàng  năm từ năm 2008 đến năm 2017. Từ năm 2018 được đổi tên thành Ngày hội Sống xanh.

Ngày hội Sống xanh TP.HCM năm 2019 đã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng. 80 gian hàng của 60 tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực: chất thải rắn (phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế), năng lượng xanh, giao thông xanh, nông nghiệp bền vững, du lịch bền vững, văn phòng xanh, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, sản phẩm, thiết bị, đồ dùng hỗ trợ lối sống xanh… Triển lãm Chất thải nhựa – tác hại và hành động của chúng ta nhằm hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, giới thiệu các chương trình bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố…

2. Chuỗi sự kiện của Lại Đây Refill Station

Nguyễn Dạ Quyên – Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting và Tống Khánh Linh (Helly Tống) đã sáng lập dự án Lại Đây Refill Station ngày 27/10/2018, với mong muốn giảm thiểu lượng rác thải nhựa khó phân hủy bằng phương pháp bán hàng mới.

Từng tổ chức phiên chợ Lại đây mua đồ cũ, quy tụ hơn 50 gian hàng bày bán các mặt hàng thời trang, phụ kiện và nội thất tuy đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới.

Sau gần một năm hoàn thành trạm đầu tiên tại 83 Xuân Thuỷ khu vực Thảo Điền, quận 2 trạm tiếp theo của Lại Đây Refill Station đã khai trương tại khu vực Phú Mỹ Hưng, quận 7 vào tháng 7/2019 với diện tích khoảng 60m2. Tổ chức phiên chợ Lại đây mua sách cũ gây quỹ cho hoạt động trồng cây – bảo tồn rùa biển ngày 8,9/6/2019.

3. Saigon Compass

Saigon Compass do Tạ Thùy Trang, 31 tuổi sáng lập, là một doanh nghiệp xã hội, điều phối và hỗ trợ các chương trình về giáo dục và môi trường. Nhiệm vụ dựa trên nền tảng chia sẻ trách nhiệm xã hội, hợp tác tại hơn 50 sự kiện kết nối cộng đồng với các trường học, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức cộng đồng và các cơ quan địa phương. Saigon Compass đã đạt hơn 20.000 người ngoại tuyến và có cộng đồng hơn 30.000 thành viên tích cực trực tuyến, cũng như hơn 1.000 tình nguyện viên, cộng tác viên và đối tác tại Việt Nam. Saigon Compass đã tổ chức một mạng lưới gồm hơn 10.000 tình nguyện viên để thu gom rác tại các khu vực địa phương như một phần của sáng kiến ​​du lịch có trách nhiệm. Saigon Compass có sự hỗ trợ lâu dài từ hơn 30 tổ chức và dự án về giáo dục và môi trường. Từ tháng 3/2019, Saigon Compass đã tổ chức và điều phối các hoạt động môi trường tại TP.HCM, Ninh Thuận, Quảng Ngãi,… như  Giờ Trái Đất, chuỗi hoạt động đồng hành cùng Lý Sơn, Vĩnh Hy, Côn Đảo không rác thải nhựa,…

4. Triển lãm Loài Plastic tại TP.HCM và Hà Nội

Maxk Nguyễn – người khởi xướng những dự án hướng miêu tả nét đẹp rất đời thường của Sài Gòn, cùng Iris Cao – tác giả của những cuốn sách được yêu thích phối hợp với Creative Designer Hoàng người đá để thổi sự sống vào các món đồ plastic, tạo ra chiến dịch Loài Plastic. Ý tưởng về chiến dịch được triển khai từ tháng 12/2018 và được chính thức công bố vào tháng 6/2019.

Tại triển lãm Loài Plastic, những “loài” rác thải nhựa phổ biến như túi nylon, khăn ướt, ly nhựa… đều được tái hiện bằng những nét vẽ tinh tế của phần mềm đồ họa, khiến chúng từ những vật dụng vô tri thành những cá thể sống. Triển lãm Loài Plastic – Thông điệp môi trường qua lăng kính của nghệ thuật và công nghệ. Dự án được khởi xướng với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, với hướng tiếp cận sáng tạo và ấn tượng, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và công nghệ.

5. Xuất bản cuốn sách Nhà không rác

Nhà không rác là cuốn sách khá đặc biệt, khi nó là của hiếm trên thị trường sách vì được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường. Sách làm bằng giấy kraft có thể tái chế. Mực in sách là loại mực in gốc thực vật. Sách cũng không dùng nylon để cán bóng/ phủ bìa sách như nhiều loại sách hiện có trên thị trường.

Thông qua trang blog cá nhân và cuốn sách Zero Waste Home, tác giả Bea Johnson đã xây dựng một dự án toàn cầu và tiếp tục thúc đẩy cổ vũ cộng đồng hướng tới một cuộc sống tối giản 5R: Refuse (Từ chối); Reduce (Giảm tải); Reuse (Tái sử dụng); Recycle (Tái chế) và Rot (Tận dụng).

Bea Johnson đã được nhận giải thưởng Grand Prize danh giá tại The Green Awards, được mời làm diễn giả tại rất nhiều trường đại học, tham gia các hội nghị toàn cầu, xuất hiện trên sóng các chương trình truyền hình trên toàn thế giới như The Today Show hay BBC Breakfast. Bà được tờ New York Times gọi là The Priestess of Waste – Free Living.

Nhà không rác do NXB Công thương và Thaihabooks liên kết xuất bản vào tháng 1/2019. Bea Johnson cũng có cuộc trò chuyện với độc giả ở TP.HCM vào tháng 7/2019.

6. Chiến dịch Nói không với đồ nhựa dùng một lần

Hội An (Quảng Nam) đã tiến hành chiến dịch Nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa nhằm thay đổi thói quen sử dụng các vật dụng từ nhựa của người dân. Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên mà Hội An lựa chọn và thực hiện thành công Nói không với túi nylon. Phát động từ năm 2009, chương trình này đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân trên địa bàn và du khách. Qua 10 năm triển khai, hiện tỷ lệ giảm thiểu sử dụng túi nylon của địa phương dao động từ 85% – 90%, góp phần rất lớn vào công cuộc bảo vệ môi trường tại xã đảo Tân Hiệp. Hiện trạng, cảnh quan môi trường xã đảo thay đổi tích cực và không sử dụng túi nylon đã thành thói quen “ăn sâu” vào sinh hoạt thường ngày của người dân Cù Lao Chàm.

Sau thành công này, Hội An đang tiến hành chiến dịch Nói không với chai nhựa và các chất thải làm từ nhựa trên địa bàn toàn TP. Phấn đấu giảm từ 13 – 15% mỗi năm, để đến năm 2025, trên địa bàn toàn TP. Hội An sẽ không phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.

7. Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa

Chương trình do Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch bền vững, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng vào tháng 5/2019.

Rất nhiều địa phương, đơn vị du lịch, hãng lữ hành đã phát động Chống rác thải nhựa, nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần vì môi trường du lịch xanh, phát triển bền vững. Chương trình góp phần tạo ra phong trào người dân địa phương, nhân viên du lịch, du khách nhận thức tác hại của rác thải nhựa, tiến đến dần giảm thiểu sử dụng và phát sinh rác thải nhựa, nylon, thay thế bằng các vật liệu khác thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy, vật dụng bằng thủy tinh.

8. Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019

Chiến dịch do Australia khởi xướng năm 1993 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu với khoảng 35 triệu người tình nguyện từ 130 quốc gia tham gia. Các hoạt động chính vì môi trường diễn ra trong tuần lễ thứ ba của tháng 9. Năm 2019, Việt Nam hưởng ứng chiến dịch với chủ đề Hành động địa phương, tác động toàn cầu, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa.

9. Chương trình Tiêu dùng Xanh

Chương trình do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức, kỷ niệm 10 năm chiến dịch Tiêu dùng Xanh (2009 – 2019), hướng tới bảo vệ môi trường “Nói không với rác thải nhựa, sử dụng những sản phẩm thay thế có thể tái sử dụng và thân thiện với môi trường”.

Qua 10 năm, chiến dịch cho thấy, đây là hoạt động thiết thực hướng đến vận động cộng đồng hưởng ứng sử dụng sản phẩm xanh, tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường.

10. Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam 2019

Chương trình được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản, Hội Môi trường Xây dựng do Viện nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam phối hợp cùng  tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thuộc World Bank Group) và dự án EECB (thuộc UNDP) thực hiện.

Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9/2017 với hội thảo chuyên sâu Công trình xanh – Cuộc sống xanh. Năm 2018, hội thảo có chủ đề Giá trị nhà ở xanh Nhà ở cao tầng xanh là chủ đề chính của Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam 2019.

Mục tiêu của các nhà tổ chức là thúc đẩy sự phát triển xu hướng kiến trúc xanh (hay kiến trúc bền vững) tại Việt Nam, góp phần vào cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục