Sơn Pacamara – Người nông dân và duyên phận cà phê

Từ một người không biết gì về cà phê, đi mua cây cà phê về trồng còn bị “giao nhầm” những loại người ta sắp bỏ đi. Vậy mà duyên phận đã gắn bó ông Sơn với cây cà phê từ sự “nhầm lẫn” ấy.

Cách đây 15 năm, ông Nguyễn Văn Sơn tới Viện cà phê Eakmat ở Đắk Lắk mua 18.000 cây cà phê Catimo, giống cà phê khá phổ biến ở Việt Nam mang về trồng, bắt đầu chặng đường “khởi nghiệp” của một nông dân lần đầu tiên trồng cà phê. Ông Sơn ngợp vì không thể đếm nổi hàng ngàn cây cà phê và quả thật là không phân biệt được cây nào với cây nào.

Cận cảnh một nhành cà phê hữu cơ trong nông trại của ông Nguyễn Văn Sơn.

Số phận “trớ trêu”

Thấy ông cứ đứng ngẩn ra, những người bốc xếp đã “nhặt” khoảng 100 cây giống bên ngoài hàng rào vào. Sau này, khi theo dõi quá trình sinh trưởng, ông mới biết đây là giống cà phê lạ, rất khác biệt so với những cây còn lại.

Năm 2012, ông gửi một ít hạt cà phê “lạ” tham gia hội chợ cà phê Buôn Ma Thuột. Tình cờ, William Robert Frith Jr, một chuyên gia kiểm định cà phê quốc tế của Hiệp hội cà phê đặc sản Hoa Kỳ-SCAA cũng tham gia hội chợ, rất ngạc nhiên khi thấy những hạt cà phê này xuất hiện tại đây. Anh này đã tới tận trang trại của ông Sơn kiểm tra và cho biết, đây là giống Pacamara đặc biệt quý hiếm, hầu như đã tuyệt chủng, chỉ còn một ít ở El Salvador. Ông Sơn nói, nhờ gặp gỡ các chuyên gia nước ngoài, tôi mới biết được là mình đang sở hữu những giống cà phê ngon vào bậc nhất thế giới, đặc biệt là Pacamara, cây cà phê rất quý hiếm, được xếp hạng thứ nhì thế giới và thứ nhất ở châu Á.

Căn nhà ở đầu nông trại Sơn Pacamara, nơi ông Sơn tiếp đón khách từ khắp nơi về tham quan, tìm hiểu trao đổi kinh nghiệm trồng cà phê.

Cái duyên từ những cây cà phê chuẩn bị vứt đi, ông Sơn có được giống cà phê quý và đã dùng tên của nó đặt tên cho trang trại của mình.

(Sau này, ông Sơn được một số cán bộ của Viện Eakmat cho hay, giống cà phê Pacamara do một tổ chức quốc tế tặng cho viện, nhưng sau khi nhân giống và trồng thử nghiệm không hiệu quả, có lẽ khí hậu, thổ nhưỡng ở Đắk Lắk không phù hợp nên viện đã phá bỏ hết. Rõ là, duyên cà phê đã neo lại ở cùng với ông Sơn)

Kiên trì sản xuất nông nghiệp sạch

Ông Nguyễn Văn Sơn đang pha cà phê mời khách và các tình nguyện viên dùng thử.

Trang trại bên sườn đồi ở phường 5, Đà Lạt là mảng xanh hiếm hoi của vùng này nói riêng và của Đà Lạt nói chung trong cơn sốt nhà vườn-nhà kính của xứ này. Chính vì để môi trường tự nhiên nên trang trại Sơn Pacamara phải chịu nhiều ảnh hưởng. Khi các trang trại, nhà vườn xung quanh dùng hóa chất canh tác, các sinh vật sẽ lũ lượt kéo nhau qua Sơn Pacamara trú như “trại tị nạn”, từ những loài tốt đến những loài không hề tốt tí nào cho sự tồn tại của cây cà phê quý này.

Trang trại của ông hầu như phải đón khách quanh năm, tới mức ông không có đủ thời gian để tiếp, phải cậy nhờ đến lực lượng tình nguyện viên.

Đây là trang trại hiếm hoi của khu vực này được chăm sóc theo đúng tinh thần tự nhiên của sản xuất hữu cơ, không có sự can thiệp của bất cứ hóa chất chăm sóc làm vườn nào. Để giữ được xu hướng trang trại xanh này, ông Sơn vất vả rất nhiều. Thậm chí rất mệt mỏi. Tốn kém thời gian, công sức, và nhất là nhân công luôn thiếu. Chẳng hạn, ở nhiều trang trại khác, khi thu hoạch, người ta thường tuốt xô cả cành thì tại đây, công nhân chỉ hái những trái chín kĩ. Việc làm đòi hỏi sự tỉ mỉ và không thể nhanh ở địa hình đồi dốc. Khi chế biến, các hạt không đủ tiêu chuẩn tiếp tục bị loại ra, chỉ để lại những hạt chất lượng nhất. Quy trình lên men, phơi khô, rang xay, pha chế cũng tuân thủ theo công thức chuẩn mực về lý hóa. Ông Sơn kể lại: “Hồi mới đầu, mình gặp phản ứng của nhiều nông dân chung quanh, vì họ nghĩ mình là nông dân mới có thâm niên vài ba năm, không biết gì, lại làm hoàn toàn khác họ. Họ chỉ cần năng suất cao, mình lại phá bỏ, chỉ cần những cây họ đã chặt từ lâu. Họ bảo trồng cà phê thôi cần gì phải làm cho phức tạp lên, nào quá trình lên men quá phức tạp, phải xây bồn lên men, đo độ PH, độ đường… Mà đúng thật, có làm kiểu nào cũng bán từng đấy tiền như nhau”.

Ông Sơn trong trang trại cà phê của mình, một trang trại nằm trong vành đai canh tác cà phê chuẩn của thế giới như: độ cao 1500m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình quanh năm 18-24⁰C, không bị sương giá, rất lý tưởng cho sự sinh trưởng của cà phê.

Ông Sơn ban đầu cũng trồng cà phê như bao người khác, nhưng sau đó ông nhận ra mình cần phải sản xuất truyền thống hữu cơ, nghĩa là chấp nhận năng suất của vườn sẽ kém. Năng suất không cao cộng với việc sản phẩm bị cho là cà phê loại bỏ vì vị nhạt giống nước hai, những năm đầu ông Sơn phải bán cà phê của mình với giá bèo để cho người ta đem về… trộn bắp, đậu nành làm cà phê bột. Nhưng ông không nản. Các chuyên gia nước ngoài vẫn luôn khuyên ông giữ phương pháp canh tác này. Một sự yên tâm về sản phẩm sạch và xanh từ đầu nguồn, cũng là một sự đầu tư thích đáng cho giống cà phê quý hiếm này.

Để sản xuất hữu cơ, ông đã tạo nên một vành đai sản xuất cà phê hữu cơ chất lượng cao theo phương pháp truyền thống, phù hợp với địa hình trên đất dốc của trang trại, giúp cây phát triển tốt nhất. Điều may mắn là trang trại nằm trong vành đai canh tác cà phê chuẩn của thế giới như: độ cao 1500m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình quanh năm 18-24⁰C, không bị sương giá, rất lý tưởng cho sự sinh trưởng của cà phê. Ông Sơn cho biết, “Chỉ cần hạ thấp xuống 100-200m cà phê sẽ không đạt được độ đường lí tưởng 14%”.

Khách đến thăm trang trại đều là những người thực sự yêu quý cây cà phê. Có những tình nguyện viên tình nguyện ở lại đây nhiều tháng liền để ăn, ngủ cùng cây cà phê.

Ông Sơn thiết lập trong một hỗn hợp cây cao và thấp để tạo thành một hệ thống đa tầng, nghĩa là có các lớp khác nhau của cây trồng trong hệ thống. Ba cấp độ (tầng) là quan trọng trong một vườn cà phê nông lâm kết hợp. Cây trồng của tầng trên (bóng râm) bảo vệ cây cà phê chống lại ánh sáng mặt trời mạnh mẽ, góp phần vào công tác phòng chống xói mòn đất và tăng độ ẩm trong vườn cà phê.

Cà phê mọc trong bóng râm bên dưới tán rừng để không làm tổn hại hệ sinh thái. Những loài chim sống trong rừng vừa có “nhiệm vụ” ăn côn trùng gây hại, mặt khác lại góp phần tiếp thêm dinh dưỡng để đất nuôi cây. Lá cây rụng trở thành loại phân bón thụ động, trong khi các bộ phận của cây cà phê sau quá trình chế biến quay trở lại thành phân bón cho cây.

Sự đắt giá dễ hiểu 

Thay vì phải chi tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì lựa chọn sản xuất hữu cơ bền vững là lối đi thân thiện môi trường, tăng giá trị sản phẩm mà theo thời gian, ông càng thấy mình đúng.

Một góc trang trại, nơi hong phơi hạt cà phê.

Với sự khích lệ, giúp đỡ của nhiều chuyên gia nước ngoài, 6 năm trước, ông Sơn chuyển sang sản xuất cà phê đặc sản. Sơn Pacamara có 4 ha với gần 15.000 cây cà phê Arabica, trong đó có 5.000 cây cà phê Tybica, 5.000 cây cà phê Bourbon, 2.000 cây cà phê Caturra, 3.000 cây cà phê Pacamara.

Không chỉ thế, ông Sơn gần như là người trồng cà phê duy nhất có thể tự mình làm từ A-Z, từ việc xác định giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, lên men, sàng lọc, rang xay, cupping (tức quy trình ngửi – nếm một cách chuyên nghiệp để kiểm định chất lượng cà phê), cho đến pha chế.

Ông cũng sản xuất ra loại cà phê Arabica chất lượng cao tại Đà Lạt. Cà phê Specialty coffee của ông bán dưới dạng nhân xanh với giá thấp nhất cũng 500.000 đồng/kg, cao gấp chục lần giá nhiều loại cà phê có tiếng khác. Riêng cà phê Pacamara có giá lên đến 2.200.000 đồng/kg, một mức giá kỷ lục chưa từng có trên thị trường cà phê Việt. Tuy nhiên, do sản lượng cà phê không nhiều, hàng luôn không đủ bán nên ông Sơn thường hay phải “nợ” đơn hàng của nhiều nơi.

Ông Sơn đang chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cà phê. Đây cũng là công việc ông yêu thích.

Được công nhận đây không chỉ là cà phê ngon, mà còn sạch và tốt cho sức khỏe, đó là niềm vui lớn nhất của vợ chồng ông. Bà Mai, vợ ông Sơn tâm sự, họ không giữ lại bí kíp gì cho riêng mình, mà muốn chia sẻ để cùng mọi người nâng cao chất lượng cà phê Việt như nó đáng có.  Sơn Pacamara của ông cũng là nơi thường xuyên đón khách đến tìm hiểu, tham quan, nhận các tình nguyện viên trong và ngoài nước tìm đến.

Nét lãng mạn của gia đình một nông dân trồng cà phê của Đà Lạt.

Nhìn người nông dân tuổi U60 bắn tiếng Anh tự tin với các du khách nước ngoài đến thăm một cách trôi chảy, thật không khỏi thú vị khi biết rằng trước đó, ông Sơn chủ yếu tự học và trước nữa, ông không biết ngoại ngữ là gì. Đêm đêm về, căn nhà nhỏ ở lưng chừng con dốc trên đường Lê Hồng Phong ở Đà Lạt, kiêm luôn nơi xay rang cà phê và studio trưng bày cà phê, lão nông ấy lại ôm đàn, bên cạnh người vợ vừa cắm hoa vừa hòa giọng cùng chồng những bài tình của Trịnh, của Lê Uyên Phương, của Vũ Thành An… Hình ảnh thật đẹp minh họa cho một gia đình nông dân biết cách làm ăn từ cá tính riêng và có một đời sống lãng mạn rất Đà Lạt.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/son-pacamara-nguoi-nong-dan-va-duyen-phan-ca-phe/

Cùng chuyên mục