Nguyễn Phi Vân – Quảy gánh băng đồng ra thế giới
Trải nghiệm từ công việc tạp vụ, dọn phòng cho đến giám đốc, tổng giám đốc quốc tế tại hơn 60 quốc gia, Nguyễn Phi Vân là đại diện – xúc tiến – bắc nhịp cầu cho cả ngàn thương hiệu quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời là đại diện cho nhiều thương hiệu châu Á phát triển ra thế giới.
Nguyễn Phi Vân là tác giả của Quảng cáo ở Việt Nam – Một góc nhìn của người trong cuộc (NXB Trẻ, 2008), Nhượng quyền khởi nghiệp – Con đường ngắn để bước ra thế giới (NXB Trẻ, 2015). Cuối năm 2016, cuốn Quảy gánh băng đồng ra thế giới (NXB Trẻ) lại một lần nữa thu hút độc giả bằng những góc nhìn riêng.
Cuốn sách của chị được tái bản sau hai tháng phát hành cho thấy một sự thu hút của nó với bạn đọc. Ở góc độ tác giả và người nhận các phản hồi, chị có thể cắt nghĩa vì sao sách có sức lôi cuốn như vậy không?
Tôi cho rằng cuốn sách ra đời đúng thời điểm Việt Nam đang hội nhập vào thị trường thế giới cuối 2015 với sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN và những ký kết hợp tác đầu tiên của các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các khu vực kinh tế thế giới. Trong bối cảnh này, mọi người Việt Nam, dù là người quan tâm đến sự nghiệp, công việc, hay cơ hội phát triển kinh doanh trong tương lai đều bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về thế giới. Bên cạnh đó, chuyện kể về thế giới rộng lớn thông qua cái nhìn vừa tổng quan của một người đứng từ góc độ quản lý và phát triển thị trường thế giới, vừa đời thường của một người phụ nữ Việt Nam giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn với những chia sẻ mà tác giả muốn gởi gắm.
Ngay tựa đề cuốn sách Quảy gánh băng đồng ra thế giới dễ làm cho người ta tò mò và quan tâm. Vậy theo chị để trở thành một công dân toàn cầu, người Việt, đặc biệt phụ nữ, cần “quảy gánh” những gì để bước ra thế giới?
Mỗi người Việt Nam đều có một hành trang hết sức khác nhau, do điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc và bôn ba khắp nơi trên thế giới, tôi cho rằng có 3 món hành trang không thể thiếu trong mỗi hành trình. Trước hết phải là tri thức. Tôi không quan niệm tri thức chỉ bó hẹp trong phạm vi nghề nghiệp. Đồng ý là chuyên môn càng giỏi thì bạn càng có thể tự tin và thuyết phục khi tương tác với đối tác của mình.
Tuy nhiên, sau những buổi họp trang trọng về chuyên môn, con người trên thế giới thực tế là tương tác với nhau bằng những câu chuyện rất đời thường. Họ kể cho nhau nghe về phong tục, tập quán, ẩm thực, thói quen sinh hoạt, tâm tư tình cảm, loại nhạc đang được ưa thích, những trường phái tranh đang phát triển, giá trị sống xưa và nay… Đó là những tri thức về văn hóa, tôn giáo, lịch sử, địa lý, nghệ thuật, âm nhạc… mà ta đã tìm hiểu, trải nghiệm, quan sát và đánh giá.
Tri thức không còn giới hạn trong chuyên môn mà bạn đang theo học hay đang hành nghề. Tri thức là sự tổng hợp của những gì ta học, hiểu và trải nghiệm từ mọi góc độ cuộc sống. Nếu tri thức cho ta sự tương tác chiều ngang để ta có nhiều điểm tiếp xúc hơn với người đối diện qua từng câu chuyện kể, thì kết nối chiều sâu và kết nối bền vững của ta với thế giới lại là những tương tác về giá trị sống và sự thể hiện của những giá trị sống đó trong hành trình quan hệ.
Con người trên thế giới đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ những hoàn cảnh sống hết sức khác nhau, sử dụng ngôn ngữ khác nhau và đi theo nhiều tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, chất keo kết dính tất cả những sự khác biệt tưởng chừng như không thể nào tìm được điểm chung đó lại vô cùng đơn giản, đời thường đến mức mà ta có lúc lãng quên. Đó chính là sự chân thành và sự tử tế của một con người. Hành trang? Tôi xin gói gọn trong 3 chữ tri thức, chân thành và tử tế.
Theo chị, người Việt hiện nay có nhiều người đủ hành trang đó chưa? Tâm lý và mặc cảm nhược tiểu có là vấn đề, thách thức không?
Dù là người Việt hay người ở bất cứ quốc gia nào, mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng lớn từ gia đình, xã hội và hoàn cảnh sống xung quanh. Do đó, có nhiều người đã sẵn sàng và hiện đã bước đi. Tôi biết có nhiều bạn trẻ Việt Nam đã bước ra làm việc trong môi trường khu vực tại các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar….
Có người biết rằng mình cần làm một hành trang gì đó khác nhưng còn lơ mơ chưa biết chính xác nó là gì. Có người chưa bật được cái nút công dân toàn cầu, chưa nhận thức nên còn chưa chuẩn bị hành trang. Bao giờ cũng thế, khi làm một cái gì đó mới, sẽ có những người dẫn đầu, tiên phong, không sợ hãi rủi ro để tiến về phía trước. Sau họ là những người bắt đầu nhìn thấy sự cần thiết, nhìn thấy xu hướng và hăng hái hội nhập vào xu hướng mới. Họ sẽ lên kế hoạch phát triển bản thân và hành động hàng ngày.
Số lượng lớn những người khác tìm kiếm sự an toàn, sẽ ngồi đó quan sát người đi trước, đánh giá mức độ an toàn trước khi thực hiện. Việt Nam tại thời điểm này, tôi nghĩ là nhóm 1 & 2 đã và đang khởi động bằng kế hoạch trang bị hành trang cho chính bản thân mình. Họ biết hành trang mình cần và do đó sẽ vượt qua những ngưỡng cảm xúc tiêu cực như mặc cảm nhược tiểu một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Trong sách Quảy gánh băng đồng ra thế giới, khi tôi tự nhận mình là con ếch và lấy nhân vật này để kể chuyện thế giới với mọi người. Tôi chỉ gởi một thông điệp rằng ai trong chúng ta cũng có thể đã từng là ếch, nhưng sự tiến hóa của ếch hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi cá nhân. Rồi một ngày kia khi những con ếch mới trở về và kể chuyện như tôi, số đông sẽ thấy an toàn hơn, nhẹ nhõm hơn khi bước những bước đầu tiên ra thế giới.
Là một người đã đi qua hơn 60 quốc gia, tham gia và sáng lập rất nhiều các tổ chức, tập đoàn liên quan tới khởi nghiệp trên trường thế giới, được tiếp xúc với rất nhiều cộng đồng khởi nghiệp của các quốc gia khác nhau, chị thấy hành trang mà họ được trang bị khác với người Việt như thế nào?
Tôi thấy sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam ta và một số quốc gia trên thế giới chính là mục tiêu khởi nghiệp. Khởi nghiệp là một chiến lược quốc gia. Khi phát động khởi nghiệp, mục tiêu kinh tế của nhà nước hết sức rõ ràng. Và để đạt được mục tiêu kinh tế đó, họ cần những doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, trở thành những con kỳ lân huyền thoại (unicorn) chở cả sự nghiệp kinh tế của quốc gia tiến về phía trước. Nếu chỉ khởi nghiệp để vật vã chết đi, phải chăng chính ta đang tiêm vào thân ta một liều thuốc hoang mang, tiêu cực? Khởi nghiệp bền vững, đó là mục tiêu và các quốc gia khác họ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp có sự tham gia đóng góp đồng bộ của các hiệp hội, của các cơ quan, viện, trường phụ trách về giáo dục, và dĩ nhiên là sự tham gia phát triển kiến thức và kỹ năng của tất cả các doanh nghiệp mong muốn khởi nghiệp thành công. Họ biết mình đang ở đâu, mình muốn đến đâu và làm như thế nào để đi đến đó.
Tại Việt Nam, khởi nghiệp có vẻ như là một sự kiện marathon sáng Chủ nhật để mọi người tham gia cho đông vui và hào hứng. Chạy cũng được mà vừa đi vừa nói chuyện cũng OK. Đến đích hay không hình như không quan trọng. Sự kiện mang tính cộng đồng, chủ yếu được đánh giá bằng số lượng tham gia. Có một sự khập khiễng nhất định trong chiến lược quốc gia, trong việc xây dựng hệ sinh thái giúp khởi nghiệp vững bền và nhận thức đúng về khởi nghiệp của những người trẻ tuổi.
Khi đã “băng đồng” thành công để hòa mình vào “biển lớn” và khi đã “đủ lớn” thì những công dân toàn cầu mới nên và sẽ mang gì về để tiếp tục đam mê của bản thân và xây dựng đất nước?
Hành trình đi ra thế giới là hành trình tìm lại chính mình. Đi để biết yêu thương con người. Đi để thấy cái tôi không là gì trong sự hiện hữu của vũ trụ. Ở đó, công dân toàn cầu sẽ biết mình phải làm gì để chia sẻ và giúp đỡ cho cái giếng ngày xưa. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên và không cần phải nói, phải nhắc nhở, phải dặn dò họ về những mong mỏi của xã hội đối với công dân toàn cầu. Khi đã trở thành một công dân toàn cầu thực thụ, họ đã đủ nội lực và giá trị để làm những điều thầm lặng nhất, những điều ít được tán dương nhất, những điều gian nan và thiệt thòi nhất cho bản thân vì sự lớn lên của cả một cộng đồng. Họ sẽ mỉm cười và cúi rạp người cảm ơn người khác vì đã cho phép mình hy sinh như thế.
Đi nhiều, làm nhiều, tham gia nhiều dự án cộng đồng, nói chung chị thuộc tuýp người bận rộn… Việc này có chi phối, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình và bản thân chị không?
Nếu ai đó nói rằng họ “bận”, thật ra họ đang không làm chủ được chính mình. Khi muốn và biết quản trị quỹ thời gian, mỗi người đều có thể làm được nhiều điều hơn họ nghĩ. Và khi thoát ra được khỏi sự loay hoay, bận rộn trong dòng chảy cuộc sống mỗi ngày, việc có thể làm nhiều thứ để đóng góp cho cộng đồng và xã hội là một việc hết sức bình thường, giống như thưởng thức ly cà phê mỗi ngày trong sự tĩnh lặng của buổi sớm mai.
Vậy khi “riêng đối diện tôi”, chị là người như thế nào?
Ngày xưa còn trẻ, tôi hay bị môi trường và ảo giác của danh vọng đánh lừa. Đối diện với tôi là những khoảnh khắc sợ hãi khi giá trị cốt lõi của bản thân cự tuyệt không song hành cùng con người thực tế. Sau này đi nhiều, nhất là khi tương tác và làm việc khắp nơi trên thế giới, gặp những người thầy, người bạn chia sẻ dẫn dắt trong đời, tôi mới hiểu ra rằng danh vọng thật ra chỉ là vài cái bong bóng hư vô, đẹp rồi sẽ vỡ. Giờ đây, tôi chẳng cần phải đối diện chính tôi, vì chỉ có một con người chung, một hệ giá trị chung, luôn là chính mình và sẽ mỉm cười cúi rạp người cám ơn khi có ai khen tụng, bĩu môi, hay chỉ trích. Cám ơn vì họ đều là thầy. Cám ơn vì họ sẽ giúp tôi học cách vượt ra khỏi những cảm xúc nhỏ nhen của chính bản thân mình.
Theo PNNN