Ngồi yên là yêu nước. Thật đấy!

Nghe cứ như đùa, nhưng chuyện đi lại chưa bao giờ quan trọng và gây ra nhiều ảnh hưởng như thế trong mùa dịch này.

Bây giờ, như một phản xạ có điều kiện, với những thông tin chính thống trên mặt báo và lan truyền trên mạng xã hội, người ta luôn hồi hộp dõi theo các lịch trình được công bố của những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 hoặc những ai tiếp xúc dạng F1, F2, F3… để xem họ đã đi những đâu, đối chiếu xem có gần hay liên quan đến nơi cư trú, làm việc của mình và người thân, bạn bè hay không. Chuyện đi lại những đâu, gặp gỡ những ai của một người xa lạ chưa bao giờ được quan tâm nhiều đến như thế. Và không ít người đã không kiềm được nóng giận khi biết được lịch trình của những “người lạ” này.

Các băng-rôn treo nhiều nơi ở khu trung tâm nhắc nhở người dân về chuyện đi lại mùa dịch bệnh.

Bài toán khó khăn nhất của Việt Nam hiện tại không hẳn là điều trị những người bệnh, mà là kiểm soát những ca lây nhiễm chéo, chỉ vì những bệnh nhân “vô tư đi” như số 17, 34…

Cô nhân viên siêu thị điện máy, tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh số 35 nên đang trong diện cách ly, hồn nhiên đón xe đò rồi sau đó là taxi từ Đà Nẵng về Khánh Hòa đám cưới. Khánh Hòa lập tức đưa cô vào khu cách ly ngay ngày cưới, và 200 người của đám cưới ấy dĩ nhiên cũng được “đi theo”, chiếc xe đò và taxi được truy tìm. Một thanh niên về từ vùng dịch, có nhiều ngày ho, sốt nhưng sau khi xuống sân bay Nội Bài liền bắt xe buýt và sau đó đón xe khách đi từ Hà Nội về Nghệ An. Rồi Nghệ An phải lập chốt đón lõng lúc 12g đêm, đưa tất cả những người trên xe đi cách ly (nhưng đã có nhiều người xuống dọc đường)…

Nhà văn hóa Thanh Niên, nơi luôn nhộn nhịp nhiều hoạt động cuối tuần. Chủ nhật, 15/3/2020 là ngày cuối tuần hiếm hoi yên vắng đến thế…

Cách ly, với nhiều người là sự bất tiện, phiền toái, lo âu, thậm chí như bị “đi đày”, không ai để tâm rằng mình đang góp phần tăng thêm khó khăn cho xã hội, cho cả một địa phương, cộng đồng từ những lần di chuyển, tiếp xúc của mình đến mức nào. Chi phí cho mỗi người trong khu cách ly tập trung khoảng 200.000đ/ngày (tiền 3 bữa ăn, khẩu trang, nước rửa tay, bàn chải, vệ sinh…). Rồi chi phí xét nghiệm nữa. Giá mỗi bộ kít xét nghiệm là bao nhiêu, nhân cho bấy nhiêu người đã được xét nghiệm trên toàn quốc, sẽ thấy. Theo trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Bộ Y tế, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tính đến 21h30 ngày 15/3/2020 là 29.929 người, trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 21.825. Những con số này sẽ còn tiếp tục nhảy múa cho thấy mức độ tốn kém nhân lực, công sức, tiền của… sẽ mỗi lúc một kinh khủng hơn.

Khu vực Nhà thờ Đức Bà, nơi tập trung đông người đặc biệt là khách du lịch nước ngoài cũng trở nên vắng lặng. Một dịp để cho thấy khi không cần thiết, không nên ra khỏi nhà trong mùa này là quyết định đúng đắn.

Trong thời đại thế giới phẳng, giao tiếp có nhiều cách, có thể tạm gác các nhu cầu đi lại, gặp gỡ trực tiếp. Ở yên, là một đề nghị, là một yêu cầu, là một hành động rất cần thiết trong mùa dịch này. Mấy ngày qua, đã có một bộ phận cư dân mạng kêu gọi mọi người cùng ở yên. Những câu như Ở yên cũng là yêu nước; Ở nhà nhiều nhất có thể, nếu không có việc gì cần thiết, đừng ra đường; Ý thức của bạn có thể cứu cả một đất nước; Hai tuần cô đơn – cả đời hạnh phúc… nghe qua tưởng hơi kêu, nhưng thực sự, là rất cần thiết.

Ngồi yên có thực sự khó không? Sài Gòn, Chủ nhật vừa qua, đã tập ngồi yên, ít nhất là từ khu trung tâm, khi dừng tất cả các hoạt động liên quan đến vui chơi, giải trí, tụ tập đông người. Không ít người đang tập ngồi yên ở nhà ngày cuối tuần. Và đang làm được đó thôi.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/ngoi-yen-la-yeu-nuoc-day/

Cùng chuyên mục