10 khẩu quyết của giới sưu tập “sang chảnh”

Hoàn toàn có thể nói giới sưu tập nghệ thuật (gọn hơn là sưu tập tranh) là móc xích thứ hai, sau người sáng tạo, nhưng quan trọng bậc nhất trong chuỗi móc xích làm nên một thị trường nghệ thuật. Và sưu tập nghệ thuật là một “nghề chơi cũng lắm công phu”, không thể chỉ dựa vào mỗi cảm hứng, hoặc sở thích, nó đúng nghĩa “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Một tác phẩm như Serenade (sơn dầu, 200cm x 300cm, 2016) của Phạm An Hải hiện có giá cả trăm ngàn USD.

Rất cần phân biệt giữa mua sắm nghệ thuật (buying art) và sưu tập nghệ thuật (collecting art), giới mua sắm thì rất đông, còn sưu tập thì rất ít. Việc mua sắm có thể chỉ là một hành động ngẫu nhiên dựa trên sở thích hoặc nhu cầu trang trí, trong khi sưu tập là một tầm nhìn dài hạn, mua chưa chắc đã sử dụng, với các tiêu chí càng rõ ràng càng tốt. Tất nhiên, trong cả hai trường hợp vừa nêu, thì người mua đều nên bắt đầu từ những gì mình thích, nhưng muốn trở thành nhà sưu tập thì cần nhiều kỹ năng hơn, trong đó có hai điều tiên quyết. Thứ nhất, nhà sưu tập phải biết nghiên cứu, đánh giá và quyết định một cách hiệu quả hành động mua của mình. Thứ hai, có thể chọn riêng lẻ, hoặc mua sỉ, miễn sao nó giúp cấu thành, hoàn thiện bộ sưu tập là được.

Dưới đây là 10 khẩu quyết hoặc yếu pháp làm nên một nhà sưu tập vững vàng, sang chảnh:

1. Nhà sưu tập tốt nhất là nên có nhiều tiền, nhưng không phải vì vậy mà ít tiền thì không thể trở thành nhà sưu tập thực thụ được. Đơn cử như Trần Hậu Tuấn hiện nay là nhà sưu tập hạng nhất của Việt Nam, nhưng anh đã có xuất phát điểm khá khiêm tốn, rất ít tiền. Nhưng anh là người có tầm nhìn, có thẩm mỹ, nên đã dùng phương pháp “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, mua nhẩn nha từng tác phẩm. Nhờ có tầm nhìn mà anh đến với việc sưu tập từ khá sớm, lúc mà nhiều tác giả anh chọn mua còn giá rất rẻ, còn nhiều tác phẩm đẹp để chọn lựa. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, những nhà sưu tập thuộc tầng lớp trung lưu, trí thức thường chiếm đa số trong giới sưu tập, tạo ra được nhiều bộ sưu tập quan trọng. Nếu có đủ quen biết và uy tín, một nhà sưu tập có thể cùng lúc mua trả góp nhiều tác phẩm.

2. Có hai cách để sưu tập an toàn. Một, nếu có nhiều tiền thì nên mua những danh tác đắt đỏ, uy tín, khả năng sinh danh-lợi-tình là rất lớn. Hai, nếu còn ít tiền hoặc còn muốn thăm dò, nên chọn mua những tác giả sinh thời, còn ít tiếng tăm, giá còn rẻ. Trong quá trình gạn lọc này, nếu thấy họa sĩ nào có triển vọng hoặc sự đột phá, thì nhanh chóng tạo một nhịp cầu sâu sát với họ. Ví dụ như Lê Kinh Tài, 15 năm trước tranh của anh còn rất rẻ, ai cũng có thể mua, nhưng chỉ có vài nhà sưu tập có tầm nhìn hoặc nghe lời tư vấn tốt, đã đầu tư và tạo một nhịp cầu vững chắc về giá mua giá bán. Chỉ một thời gian sau, tranh Lê Kinh Tài tăng giá chóng mặt, những đầu tư hơi phiêu lưu kia giờ tự dưng trở thành sang chảnh, đắt đỏ. Điều này cũng đúng với nhiều họa sĩ khác, tiêu biểu như Phạm An Hải tại Hà Nội.

Theo Artsy, số tiền mà giới sưu tập thế giới đã chi cho nghệ thuật trong các năm 2017 – 2019, nơi những tác phẩm có giá dưới 5.000 USD chiếm 61%, trên 100.000 USD chiếm 2%.

3. Điều làm nên một nhà sưu tập mắt xanh hoặc vĩ đại là ở khả năng tách biệt hoặc kết tập các tác phẩm nghệ thuật. Đôi khi một tác phẩm đứng riêng là quan trọng, nhưng đôi khi nằm trong một nhóm tác phẩm mới là quan trọng. Để làm được điều này, ngoài tính thẩm mỹ và kiến thức về thị trường, nhà sưu tập còn phải nắm được lịch sử và xu hướng nghệ thuật. Đã có những cuộc “tách bầy” hoặc “nhập bầy” để làm nên thương vụ triệu đô tại các nhà đấu giá hoặc các bảo tàng danh tiếng. Chính vì vậy, việc sớm xác định tiêu chí, thị hiếu, xu hướng và sức ảnh hưởng đến tương lai của bộ sưu tập rất là quan trọng, không thể mua vô tội vạ. Một số nhà sưu tập chỉ có một ít tác phẩm nhưng họ rất có thanh thế trong thị trường, trong khi nhiều người có hàng trăm tác phẩm thì lại không.

4. Dấu ấn hoặc thương hiệu, uy tín cá nhân rất quan trọng với việc sưu tập nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà có chuyện tác phẩm trong tay người này rẻ bèo, nhưng khi qua tay người khác lại đắt đỏ. Trên thế giới đã có nhiều ví dụ cho thấy một họa sĩ hoặc nhà sưu tập danh tiếng đã mua một bộ tranh ở cửa hàng bán đồ cũ với giá vài đô-la mỗi bức. Sau đó bộ tranh này được in thành sách, được tái giới thiệu, nổi tiếng và tăng giá chóng mặt. Chính vì vậy, bên cạnh công việc sưu tập có nghề, nhà sưu tập cần tạo ra uy tín và danh tiếng cho riêng mình, đây là một giá trị thặng dư khó ngờ đến.

5. Đừng ngại thử nghiệm. Một nhà sưu tập có thể đã chọn sai con đường, dù đặt ra tiêu chí và phương pháp đúng. Chính vì vậy, thỉnh thoảng cần thử trở lại nơi bắt đầu, chọn một cái gì đó mới mẻ và độc đáo hơn để mở thêm một nhánh nhỏ. Cần liên tục học hỏi, cầu thị, cập nhật trong việc đặt ra các hạn mốc để đánh giá lại thị hiếu của chính mình.

Cũng theo Artsy, độ tuổi của các nhà sưu tập theo khảo sát trực tuyến năm 2018 thì 18 đến 24 tuổi chiếm 8%, 25 đến 34 tuổi và 35 đến 44 tuổi cùng chiếm 24% – khá trẻ

6. Tạo mạng lưới, nhịp cầu thân thiết với nhiều chuyên gia, giám tuyển, nghệ sĩ, nhà sưu tập, nhân viên phòng trưng bày và những người làm nghệ thuật có hiểu biết… càng nhiều càng tốt. Những người xem việc sưu tập là chuyện bí mật, cần che giấu… thì sớm muộn gì cũng gặp tai nạn, bị lừa, do thiếu thông tin và sự so sánh.

7. Luôn đặt ra các câu hỏi để tự phản biện là điều cần thiết. Ví dụ với câu hỏi: Tại sao mình thích các loại hình nghệ thuật mà mình đang mua? Để trả lời, nhà sưu tập không thể cụt ngủn rằng do thích, mà phải đưa ra vô số lập luận và lý thuyết, nếu nó không đứng vững, thì việc mua đang có vấn đề. Nhiều nhà sưu tập lớn còn tổ chức các hội thảo để lắng nghe các phê bình, phản biện, chỉ trích từ các tiếng nói có uy tín.

8. Một việc cũng nên làm sớm là ghi chú thông tin tác phẩm và giá mua, có văn bản xác thực, hợp đồng mua bán, hóa đơn thì càng tốt. Điều này có ích về lâu về dài ở cả khía cạnh mua bán, kinh doanh, viết lịch sử nghệ thuật, mà còn ở khía cạnh trao tặng, lập bảo tàng, mua bảo hiểm và cả thừa kế. Nhiều bộ sưu tập được thừa kế mà chẳng đủ thông tin để tiếp quản, phát triển và cả thanh khoản. Việc sợ lộ bí mật mua bán, kinh doanh đã làm cho nhiều bộ sưu tập kém giá trị về lâu về dài.

Một tác phẩm như Sự trao đổi chất (oil+oil stick+ oil powderon linen, 215cm x 300cm, 2016) của Lê Kinh Tài hiện nay có giá hàng trăm ngàn USD.

9. Những nhà sưu tập có tầm nhìn dài hạn, muốn thành lập bảo tàng tư nhân, quỹ nghệ thuật, thì thường sớm giáo dục gia đình, con cháu, hoặc lập các công ty từ sớm để họ kế thừa, điều hành bộ sưu tập. Tình trạng “cha làm thầy, con đốt sách” là khá phổ biến trong giới sưu tập tại Việt Nam và trên thế giới, nên việc sớm nghĩ đến tính kế thừa rất là quan trọng.

10. Cũng như khía cạnh tích cực từ vở Trưởng giả học làm sang của Molière rằng điều gì cũng cần phải học, vậy hà cớ gì làm sang mà không học. Vài nhà sưu tập tên tuổi tại Việt Nam và nhiều nhà sưu tập huyền thoại trên thế giới đã thú nhận rằng ban đầu họ đến với nghệ thuật là chạy theo xu hướng, là để “học làm sang”. Nhưng rồi qua thời gian, nhờ duy trì việc “học” nên họ đã được “làm sang”. Tranh là vật nhân tạo đắt giá bậc nhất, mua một bức tranh là cách để học làm sang, cũng đúng thôi. Chỉ cần dùng đúng tư vấn và môi giới, việc học chẳng hề khó khăn, mà còn thú vị, sang chảnh nữa là khác.

Lý Đợi

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục