Lễ Cầu bông – lễ hội chân tình giản dị nhất của làng rau xứ Hội

Nếu đến Hội An trong dịp Tết, bạn nhất định phải đến làng rau Trà Quế. Nếu đến làng rau, bạn hãy chừa lịch mồng 7 Tết để xem lễ hội Cầu bông mỗi năm chỉ diễn ra một lần.

Từ sáng sớm dân làng đã tụ hội về đình thần để bắt đầu chuẩn bị cho phần lễ được tổ chức không cầu kỳ nhưng hết sức trang nghiêm. Không chỉ tập trung cúng tế tại đình, cả làng, nhà nào cũng sắm một mâm lễ vật để cầu bông. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, 5 đĩa xôi hồng cắm 5 cái bông rực rỡ và 1 ly rượu trắng. Đoàn rước lễ vận áo dài khăn đóng, với các cụ ông lớn tuổi uy tín của làng và đại diện các gia đình trong thôn, mang cờ phướn, các mâm lễ cùng trống chiêng gõ giòn giã băng qua các con đường làng để đến khoảnh đất trống nằm ngay trung tâm các thửa ruộng rau, vốn chỉ để dành mỗi năm một lần làm nơi tế lễ.

Đoàn rước đang bắt đầu từ trong làng ra cánh đồng rau.

Bàn thờ cúng đất đặt trước và đối diện với bàn cúng chính, trên bàn bày hoa quả, gạo muối, thịt heo, áo giấy và văn tế âm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, đến lúc ngơi nghỉ, người nông dân luôn ngưỡng vọng về ân đức của cô bác, âm linh đồng thời bày tỏ lòng thành. Phần tế chính thức với bàn thờ đầy bánh trái, hương hoa và đặc biệt có cả gà giò. Gà giò cúng phải nuôi vừa mới lớn, được luộc hết sức cẩn thận, da, gân phải còn nguyên vẹn. Bài văn tế khá dài nhưng được đọc diễn rất nghiêm trang, ghi nhớ công đức khẩn hoang lập nghiệp của các vị tiền hiền, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những người đã khai hoang, lập nên làng rau truyền thống trong hơn 500 năm qua, và cầu  cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Dẫn đầu là các vị chủ lễ trong trang phục chỉ dành riêng cho lễ Cầu bông.

Khác với rất nhiều lễ hội đình đám, ồn ào, chen chúc xô đẩy, lễ hội Cầu bông diễn ra rất chừng mực. Được xem lễ hội giữa tiết trời Xuân mát lạnh, giữa bao nhiêu là rau cỏ của làng, cảm nhận của người đến chơi là thấy gần gũi thân thương và chiêm nghiệm nhiều điều thú vị. Khi thực tế hiện nay, nhiều lễ hội đã nhuốm màu tiền bạc và mê tín dị đoan quá nhiều, cùng với các tệ nạn khác thì ở đây, như nhiều người trong làng cho biết, “lễ hội làng tui là nơi du khách không lo bị móc túi cướp giựt”. Có lẽ phần vì lượng khách không đông quá mức, phần vì mọi thứ diễn ra trình tự bài bản một cách hiền hòa, như bản tính của người dân nơi này vậy, vốn ngày ngày quen cặm cụi với những luống rau.

Theo sau là các cô gái làng mang lễ vật cúng.
… với gà luộc và xôi được trang trí đẹp mắt, nhuộm đỏ bằng màu thực phẩm từ cây trái của làng.
Giản dị nhưng vẫn đầy đủ và trang trọng.
Sau khi tiến hành xong buổi lễ, cũng là lúc người dân làng làm thủ tục hạ cây nêu – một nghi thức kết thúc mùa ăn Tết để tiếp tục công việc đầu năm.

Bài, ảnh: L.M.Hạ

Cùng chuyên mục