Hội hoa Xuân Đà Nẵng ngày càng nhạt?

Hội hoa Xuân Đà Nẵng mỗi năm chỉ diễn ra một lần vào những ngày đầu năm mới, tại công viên 29-3 – công viên lâu đời và lớn nhất Đà Nẵng. Nhưng điểm chơi Xuân từng có thời là duy nhất của xứ Đà ngày càng trở nên kém hấp dẫn vì, nói như người Đà Nẵng, “chẳng  có chi để vô”.

Từ bao nhiêu năm qua, đây gần như là điểm vui chơi lớn ngoài trời duy nhất của người dân thành phố Đà Nẵng. Với rất nhiều thế hệ, gia đình ở Đà Nẵng, sau những buổi chúc Tết, lễ lạt xong xuôi, thì rủ nhau đi chơi hội hoa Xuân là một thói quen rất phổ biến, thậm chí như là một thông lệ. Thành phố này ngày càng phát triển về nhiều mặt nhưng quá thiếu những điểm vui chơi ngày Tết. Nhiều năm gần đây, khi có thêm một số địa điểm du Xuân và nhiều loại hình giải trí khác nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi ngày Tết thì công viên 29-3 và hội hoa Xuân vẫn là nơi được nhiều người tìm đến…

Phần gắn bó nhất với tên gọi hội hoa Xuân được trưng bày gọn nhỏ trong vị trí khiêm tốn ít khách qua lại.

Hội hoa Xuân không còn bán vé vào cổng như trước, nhưng không vì thế mà trở lại đông đúc như xưa. Làm nhiều cuộc phỏng vấn, thăm dò bỏ túi vài năm qua, người viết ghi nhận khá nhiều bạn trẻ đã không còn lựa chọn nơi đây làm điểm du Xuân, chơi Tết nữa. Ngày càng quá ít trò để chơi, nơi để vui, cảnh để chụp. Nếu có, thì cũng chỉ là những khung cảnh đã cũ rất cũ, những trò chơi quá cổ lỗ so với nhu cầu vui chơi của trẻ em thế hệ sau này.

Năm nào người ta cũng chụp lưu niệm cạnh một linh vật cũ và lạc mùa. Rồng sứ dài 40 mét, được đặt làm từ Trung Quốc trong dịp Tết cách đây… 19 năm.
Theo thời gian, con rồng cũng đã xuống cấp, người ta ghép thêm một số loại chén đất khác vào đuôi rồng khá thô thiển.
Chụp hình lưu niệm với ngựa, giá 25.000 đồng/ tấm.Trẻ con thường được gia đình đưa du Xuân tại đây, nhưng chúng không có nhiều chọn lựa.
Trẻ con chơi những trò chơi quen thuộc đến cũ kỹ từ thời bố mẹ của chúng, như đi xe điện trên không này.
Hoặc có mới hơn thì cũng đã trên 10 năm và những khu vực trò chơi này hầu như chỉ hoạt động mỗi năm đúng một lần.
Cũ thì cũ, nhưng không phải dễ dàng mà tham gia được ngay. Rất nhiều trò chơi vẫn cứ phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi.
Trò chơi “đạp vịt” trên hồ đã hơn 30 năm nay, nhưng trưa mồng 5 Tết vẫn rất đông khách chờ tới lượt.
Những đứa trẻ đang kiên nhẫn chờ tới lượt được chơi trò chơi có từ thời bố mẹ, ông bà chúng.
Các gia đình thường đưa trẻ con cùng ngồi xe lửa đi một vòng công viên. Chiếc xe lửa một năm chạy một lần vào dịp Tết nên “tính khí thất thường”. Trong ảnh, đoàn tàu đang chạy phải dừng lại khá lâu đề sửa đầu máy.
Gian trò chơi vắng nhất hội chợ và đến mồng 5 Tết thì đóng hẳn.
Trò cờ bạc trá hình chen chân vào ngay cả trong khu vườn thú, bởi đây là nơi đông người nhất và ít bị phát hiện nhất.
Các gian hàng trò chơi luôn thu hút khách thử thời vận với các thể loại “trò chơi dân gian” để tìm may mắn.
Trò chơi cờ tướng với khách du Xuân có lẽ “tao nhã” nhất trong số các gian hàng “trò chơi dân gian” ở đây.
Và hội thi chim vành khuyên có lẽ là hoạt động gần gũi nhất với hội hoa Xuân. Tuy nhiên, khách xem và quan tâm chủ yếu trong giới nghệ nhân chơi chim.
Một trong những “vấn nạn” ở khắp các hội Xuân, là rác. Và hội hoa Xuân Đà Nẵng cũng không là ngoại lệ.

Bài, ảnh: L.M.Hạ

 

Cùng chuyên mục