Khoa học là sứ mệnh hay là nghề nghiệp?

Quan điểm coi khoa học là nghề nghiệp và sứ mệnh có giá trị thực tiễn không chỉ trong thời đại của Weber, và không chỉ ở Đức. Hiện nay, đây vẫn là những chủ đề được người ta đem ra thảo luận.

Đây là bài nói chuyện của Max Weber, mùa đông năm 1918 ở Đại học Munich; mục tiêu trước mắt là chỉ cho sinh viên thấy đâu là sứ mệnh của các nhà khoa học và giảng viên tương lai.

Sách “Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh” của Max Weber vừa được xuất bản tại Việt Nam, với bản dịch của Phạm Nguyên Trường

Nhưng bài phát biểu của Weber đã vượt ra ngoài nhiệm vụ ban đầu và được chuyển thành bài phát biểu mang tính cương lĩnh, tóm tắt hơn ba mươi năm hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, xã hội học, triết học lịch sử.

Bài nói tập trung vào vấn đề chuyển đời sống tinh thần thành quá trình sản xuất các giá trị tinh thần và vấn đề phân công lao động trong lĩnh vực hoạt động tinh thần, sự thay đổi vai trò của tầng lớp trí thức trong xã hội và cuối cùng là số phận của xã hội châu Âu và nền văn minh châu Âu nói chung.

Tên tuổi của Max Weber được đặt cho nhiều địa điểm, con đường, trở thành niềm cảm hứng của nhiều loại hình

Không phải ngẫu nhiên nhiên mà chủ đề của bài nói lại “lan man” như thế. Theo một nghĩa nào đó, đây là truyền thống của nước Đức: Vấn đề của trường đại học ở Đức luôn luôn là vấn đề giáo dục theo nghĩa rộng nhất của từ này và có liên quan chặt chẽ không chỉ với số phận của dân tộc Đức và lịch sử của nó, mà còn liên quan với số phận của nền văn hóa nhân loại nói chung.

Weber phát triển ý tưởng về vai trò giáo dục vô cùng to lớn của trường đại học, trường đại học phải giữ vai trò đối trọng với nhận thức chuyên môn hạn hẹp của giáo dục đang tính hành trong thời hiện đại.

Bài nói về sứ mệnh của nhà khoa học và vai trò xã hội của khoa học, thường được người ta đồng nhất với triết học, thể hiện không chỉ quan điểm của lý thuyết gia, mà chủ yếu là thế giới quan của chính ông.

Max Weber viết “chẳng có gì là giá trị nếu con người không theo đuổi nó với sự tận tụy hết lòng”. Trong khoa học, cũng như trong kinh doanh và nghệ thuật, sứ mệnh, cảm hứng và cống hiến là rất quan trọng.

Đây là một cảm nang nhận thức rất quan trọng, mỏng và dễ đọc

Tuy nhiên, đâu là nguồn cảm hứng của khoa học, và liệu trong nền khoa học hiện đại, nghề nghiệp cũng là sứ mệnh của nhà khoa học có còn hấp dẫn đối với thế hệ trẻ? Max Weber tin rằng có thể tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này bằng cách xem xét những đặc điểm của văn hóa khoa học, xem xét vấn đề ý nghĩa của khoa học.

Khoa học, là một thành tố của nền văn hóa của bất kì thời đại nào, chắc chắn có sứ mệnh giải quyết những nhiệm vụ được nền văn hóa của thời đại đó đặt ra. Đồng thời, khoa học cũng chính là hi vọng. Và hi vọng càng lớn (mà chắc chắn là đã được phóng đại), thì thất vọng càng đắng cay hơn.

Biến thành thần tượng của thời đại, chắc chắn là khoa học đã đánh mất hình ảnh thật của mình. Vì vậy, ngày nay, điều đặc biệt quan trọng là phải hiểu rằng, trong khi thực hiện sứ mệnh văn hóa nào đó, khoa học, một mặt, luôn luôn có nguy cơ “trở thành đối tượng bị chỉ trích”, nhất là khi người ta coi nó là trung tâm của nền văn hóa.

Nhưng mặt khác, phải luôn nhớ rằng những lời chỉ trích có cay nghiệt đến đâu, khoa học, tương tự như bất kỳ hiện tượng văn hóa nào khác (nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, v.v.), với mỗi bước phát triển mới của văn hóa, sẽ không chỉ mất mà còn có thêm – thêm hình thức mới, ý nghĩa mới và giá trị mới, chuyển vào không gian mới của đời sống.

Max Weber chấp bút bài nói chuyện của mình khi cuộc khủng hoảng của văn hóa khoa học đang gia tăng, khi ý nghĩa và giá trị của khoa học đối với quá trình phát triển văn hóa đang bị nhiều người nghi ngờ. Ngày nay, đầu thế kỉ 21, nhân loại vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng này, nhưng vẫn có thể nói rằng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đã ở phía sau và tính duy lý khoa học ngày càng trở thành rõ ràng hơn, ngày càng thấy rõ hơn giá trị của khoa học đối với từng con người và nhân loại.

Mỗi thời kì người ta lại tìm được những ý nghĩa văn hóa mới của khoa học. Max Weber chỉ ra ý nghĩa của khoa học đã thay thế nhau như thế nào, sau những thất vọng và bác bỏ một số giá trị và ý nghĩa thì người ta lại phát hiện được những giá trị và ý nghĩa mới.

Trước sự thay đổi bất tận của ý nghĩa văn hóa của khoa học, Weber nói rằng hiến mình cho khoa học là vấn đề riêng tư của mỗi người. Đã chọn khoa học là nghề nghiệp, thì không nên chờ đợi thời đại hay nhà tiên tri nói cho mình biết ý nghĩa và sứ mệnh mới của nó, sẽ tốt hơn nếu mỗi người tự chọn lấy ý nghĩa cho mình và sống hết mình với nó.

P.N.T.

Cùng chuyên mục