Giếng đá ong, quê bạn có không?

Nông thôn hiện đại hóa còn có cả nguồn nước máy dẫn về. Thế nhưng một số gia đình vẫn giữ lại giếng đào. Sự phát triển thường đi kèm với những trả giá, đánh đổi.

Mùa này nắng nóng như sôi. Buổi trưa nằm trong nhà không có một cọng gió, bật quạt máy hết cỡ mà vẫn lăn qua lăn lại không ngủ được. Nghe ngoài sân tiếng dội nước ào ào, tôi bật dậy ngó, thì ra cậu tôi đang xách từng gầu nước dội lên người.

“Trưa nắng thế này mà cậu tắm à?”, tôi hỏi. “Mát lắm”, cậu nói. “Cháu coi nước trong veo luôn, giếng nhà ta là trong mát nhất thế giới. Cậu nói thiệt luôn đó”. Tôi cười, gật gù xác nhận cho cậu vui, sẵn ra vốc ít nước rửa mặt luôn cho tỉnh.

Nước mát quá. Nguồn nước trong vắt, rười rượi xua tan cái oi ả mùa hè. Nhìn xuống giếng một màu xanh thăm thẳm, soi một khoảng trời quê.

Tôi chợt nhớ cái thời nhà ai cũng có một cái giếng đào trước nhà. Đi ra đồng về, các mẹ các chị rửa chân. Sáng sớm, chị tôi thường mang quần áo ra giếng giặt giũ.
gieng-da-ong-que-ban-co-khong
Giếng đá ong luôn cho dòng nước mát lạnh giữa ngày hè

Gần giếng có trồng mấy khóm sả và hương nhu. Có những hôm chị gội đầu bằng nước nấu từ lá sả và lá hương nhu, nhờ tôi xách nước giùm. Mùi thơm tỏa ra từ mái tóc dài đen mượt của chị. Mọi cái giếng đều gắn liền với ký ức làng quê, những sinh hoạt đời thường yên lành, êm ả.

Giếng thường được làm bằng gạch hoặc xi măng, nhưng tuyệt vời nhất là giếng đá ong. Loại đá kỳ diệu của thiên nhiên có màu nâu đỏ từng được dùng xây tường, xây thành ngày xưa và xây giếng.

Đá ong khi ở trong đất vẫn còn mềm, khai thác lên cần được phơi khô, rồi các thợ đá sẽ đục đẽo đá tạo nên hình dạng khác nhau.

Đá đẽo làm phiến vuông vức hình chữ nhật thì xây thành, xây tường. Vẫn còn những di tích tường thành cổ xưa xây bằng đá ong sót lại ở vùng đất này sau những bể dâu. Đá đẽo cong ghép lại tạo thành cung tròn uốn theo hình giếng.

Rải rác trong các ngôi nhà quê là những giếng xây bằng đá ong nước trong vắt. Với tính chất “đông ấm hạ mát”, lại lọc nước tốt nên giếng nước đá ong hệt như một máy lọc nước và máy nóng lạnh tự nhiên.

Mùa hè, nước kéo lên từ giếng trong mát; mùa đông buốt giá, nước từ giếng kéo lên lại ấm. Bây giờ, ở thành phố có những gia đình biết được giá trị tuyệt vời của đá ong nên dùng loại đá này trong kiến trúc nhà cửa.

Ở quê, loại đá mộc mạc này vẫn gắn cùng những giếng nước hiền hòa, cạnh đó là khóm sả, hương nhu, cái chum bằng đất nung, cái gáo dừa múc nước, cùng những hàng rào chè được xén rất khéo bao bọc quanh nhà…

Lấy nước từ giếng, dĩ nhiên phải xách bằng tay nên tốn công. Nhà có điều kiện, muốn đỡ mất công sức sẽ làm thêm một chiếc ròng rọc để dễ dàng lấy nước. Có lẽ vì vậy mà sau này để tiện lợi hơn, người ta làm giếng bơm có động cơ điện, chỉ cần bơm lên là xong.

Nông thôn hiện đại hóa còn có cả nguồn nước máy dẫn về. Thế nhưng một số gia đình vẫn giữ lại giếng đào. Sự phát triển thường đi kèm với những trả giá, đánh đổi, trong đó có nguồn nước sạch, không khí sạch…

Sông ngòi bây giờ không còn trong trẻo, chất lượng nước nguồn giảm nhiều. Nước giếng vẫn mát lành đấy, nhưng ít nhà dùng để nấu nước, mà chủ yếu dùng cho tắm táp, giặt giũ, tưới cây…

Ngày trước đi làm về, nóng khát quá người quê tôi thường múc nước trong chum cạnh giếng mà uống ừng ực, ấy vậy mà không thấy bị đau bụng. Giờ thì không ai làm như vậy nữa. Nhà nào không thích nước máy, có thể lấy nước giếng đun sôi để nguội rồi mới uống. Xét cho cùng, ăn chín uống sôi vẫn đảm bảo nhất về nguyên tắc vệ sinh.

Những ngày mùa hạ oi ả ngột ngạt này, càng thấy giá trị của một nguồn nước trong, một ngọn gió lành, một không gian xanh mát. Cúi đầu soi vào giếng đá ong, thấy cả một khoảng trời quê. Nhắm mắt lại vẫn nghe thoang thoảng hương sả hương nhu, cảm nhận hơi nước mát mà thấm lòng…

An Duyên

Theo phunuonline.com.vn

 

Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/gieng-da-ong-que-ban-co-khong–a1437665.html

Cùng chuyên mục