Cuốn sách của năm 2018

Năm 2017, tôi đã chọn cuốn bút kí của Lê Vũ Trường Giang là cuốn sách của năm. Năm 2018 thì chọn cuốn nào?

Có một vài cuốn sáng tác tôi thích nhưng chưa thuyết phục được tôi hoàn toàn, ví dụ cuốn truyện ngắn của Đinh Phương, cuối cùng tôi chọn cuốn Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên (tức PGS-TS La Khắc Hòa) là cuốn sách của năm 2018.

Vì sao tôi chọn cuốn này, mặc dù nó không hoàn toàn là phê bình kí hiệu học như tên bìa. Đây là một cuốn sách có cá tính và có nhiều điểm mới.

Theo nhà văn Uông Triều thì dưới góc độ văn học, đây là cuốn sách “sáng nhất” năm 2018

Vì sao nó có cá tính, vì tác giả lí giải các vấn đề văn học, các tác phẩm một cách rất riêng biệt, gần như không giống với ai. Nó mới vì những tác giả cũ, vấn đề cũ được mổ xẻ và nhìn trên những quan niệm mới, vì thế đọc thấy thích thú và sảng khoái.

Lại nữa, là một cuốn phê bình nhưng cách viết của tác giả đầy chất nghệ sĩ, đọc nhiều đoạn sướng muốn vỗ vào đùi một cái rồi bảo, tài thật, tài đến thế là cùng!

Lã Nguyên

Vui một tí nhưng tôi muốn khẳng định rằng nếu thuộc phạm vi văn học Việt 2018 thì nó là cuốn sáng nhất của năm.

Nhất là ma đam Z, một người bạn của tôi vừa có một bài tổng kết văn học Việt rất sâu cay. Bài viết trên trang Z đầy sắc sảo, cá tính nhưng khi đọc tôi phải pha thêm một cốc nước chanh uống cùng cho nó… hợp tông!

Dẫu sao tôi vẫn tin rằng văn học Việt năm 2018 không thất bát; và Nguyễn Huy Thiệp viết Tuổi hai mươi yêu dấu dở như thế nhưng vẫn là một ông lớn.

Bài học của Nguyễn Huy Thiệp là gì, là thế này: Viết dở rồi thì đừng viết nữa các bác ạ, độc giả chê mà lại tốn giấy phá rừng, thiệt hại cả đôi đường!

Uông Triều

Cùng chuyên mục