Kể chuyện vuông lụa

Festival văn hóa Tơ lụa – Thổ cẩm Việt Nam và thế giới lần thứ 5 dự kiến sẽ diễn ra tại Hội An vào trung tuần tháng 8. Hàng trăm nghệ nhân đến từ các làng lụa và thổ cẩm trong nước lẫn thế giới sẽ có cơ hội trổ bày di sản quý giá của làng nghề mình.

Tơ lụa và thổ cẩm là những di sản quý báu cần được định danh và tôn vinh. Ảnh: Hoian Silk Village
Tơ lụa và thổ cẩm là những di sản quý báu cần được định danh và tôn vinh. Ảnh: Hoian Silk Village

Theo những đường tơ

Máy móc, khung cửi, lụa và thổ cẩm sẽ theo chân những con người tài hoa của các làng nghề về Hội An. Ông Lê Thái Vũ – Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam nói, festival lần này sẽ là nơi gặp gỡ, giao thương giữa các nhà sản xuất nguyên vật liệu, sản phẩm ngành tơ lụa, giới thiệu trưng bày sản phẩm thô, sản phẩm thành phẩm từ giống dâu, trứng tằm loại mới nhất, tơ, lụa và thổ cẩm đặc trưng đến từ các vùng miền Việt Nam và các thành phố sản xuất tơ lụa nổi tiếng trên thế giới. Cùng với đó, festival có không gian hội chợ trưng bày máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất dâu, tằm, tơ, lụa cũng như giới thiệu các dự án phát triển tơ lụa trên các vùng miền…

Từ tơ lụa Tân Châu (An Giang) đến làng lụa Nha Xá (Hà Nam), đũi Nam Cao (Thái Bình), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), lụa Mã Châu xứ Quảng… đều có đặc sắc riêng, không thể trộn lẫn. Với lụa Mã Châu, nghệ nhân Trần Hữu Phương nói, lụa truyền thống Mã Châu, từng công đoạn đều làm bằng tay và công đoạn nào cũng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. “Làng lụa Mã Châu còn rất ít người dệt lụa theo cách thủ công này. Để dệt được tấm lụa đẹp, nghệ nhân phải xâu dây xà vào bàn xà. Việc xâu dây tưởng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa những bí quyết để tạo ra họa tiết cho tấm vải sau này” – ông Trần Hữu Phương chia sẻ. Và tương tự vậy, lụa Vạn Phúc của miền Hà Đông, với sự hiện diện hơn 10 thế kỷ, gần như là làng nghề lâu đời nhất của nước Việt, đã tự định danh sản phẩm mình với các chủng loại khác. Gần như, việc nhìn thấu những giá trị của tơ lụa Việt, càng ngày càng được tỏ tường, được nâng niu, trân quý. Vì đây, không gì khác, chính là di sản quý báu, là tinh túy và niềm tự hào của mỗi người Việt.

Trong quá khứ, những chuyên gia của Nhật Bản từng xác định Bảo Lộc là xứ tốt nhất Việt Nam để làm tơ lụa. “Ngành tơ lụa là ngành kết hợp nông – công nghiệp một cách nhuần nhuyễn, tạo ra nhiều lao động và lợi nhuận nên nhiều quốc gia đang quay trở lại đầu tư cho ngành này” – ông Fei Jianming – Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới nói. Ông cũng cho rằng trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề lâu năm. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan.

Đường đi còn dài

Việt Nam còn có tiềm năng để làm được nhiều hơn là xuất khẩu nguyên liệu tơ lụa cho các nước. Kể câu chuyện rằng, những người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy làm sợi tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng nếu cứ gia công như vậy và an phận với mức lợi nhuận an toàn, Bảo Lộc cũng như các xứ lụa của Việt Nam, sẽ chỉ dừng lại là nơi chuyên gia công tơ lụa, không gì hơn. Cuộc hội ngộ của những người trong ngành tơ lụa vào tháng 8 này tại Hội An kỳ vọng sẽ mở đường đi cho thứ hàng “đặc sản” này – thứ vốn dĩ rất cao quý nhưng cũng vô cùng mong manh.

Với đặc sắc thổ cẩm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là sứ mệnh đối với một di sản quan trọng, thiêng liêng, đã được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng của 54 dân tộc anh em”. Cùng với tơ lụa của người Việt, các loại thổ cẩm được dệt và nhuộm bằng các kỹ thuật cũng như văn hóa khác nhau của các tộc người, đã làm nên giá trị đặc sắc của thổ cẩm. Và dĩ nhiên, thổ cẩm không chỉ là một sản phẩm của văn hóa, làng nghề. Nó là nếp sống, là sinh hoạt, là truyền thống, và là niềm tự hào của mỗi dân tộc.

Nhà thiết kế Minh Hạnh – người gắn bó và sáng tạo với thổ cẩm Việt nói: “Dệt vải cũng chính là một sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của cuộc sống. Họ biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng và họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt. Hoa văn đều hướng vào đời sống thực và hướng vào thiên nhiên. Thiên nhiên và con người được nghệ thuật phản ánh là một sự hòa đồng, gắn bó không thể tách rời. Các mô típ hoa lá, động vật được trang trí trên đồ dệt đều có thực trong cuộc sống và hữu ích cho con người”. Và chính nhà thiết kế này đã làm nhịp cầu nối để đưa thổ cẩm đi xa hơn phạm vi trong nước. Ở rất nhiều các lễ hội thời trang quốc tế, thổ cẩm được vinh danh và định vị như một đẳng cấp của thời trang.

Trong vòng xoay chuyển mới, sản phẩm truyền thống không chỉ dừng lại ở đôi tay tài hoa của người nghệ nhân. Ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như có cách thức để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mới là cách để các sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm được định vị đúng chỗ trong thị trường. Hẳn đây không chỉ là câu chuyện đặt ra cho những người hoạt động trong ngành lụa Việt…

Lê Quân

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục