Bảo tàng cổ vật tàu đắm

Trong vùng biển Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã xác định 10 con tàu đắm khác nhau. Cổ vật trong các con tàu đắm có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học.

Là một doanh nghiệp tư nhân chuyên trục vớt, khảo cổ học dưới nước, sưu tầm cổ vật tàu đắm, Công ty Đoàn Ánh Dương hiện sở hữu hơn 60.000 hiện vật từ 9 con tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam. Hàng ngàn hiện vật giá trị được tuyển chọn thành từng bộ sưu tập trưng bày trong không gian của Bảo tàng Quảng Ngãi. Đây là nhà trưng bày chuyên đề cổ vật tàu đắm đầu tiên của Việt Nam.

Hiện vật tàu đắm Hòn Dầm, tỉnh Kiên Giang.
Hiện vật tàu đắm Hòn Dầm, tỉnh Kiên Giang.

Di sản từ biển

Nhà trưng bày cổ vật tàu đắm mang đến cho người xem những cảm nhận về các loại hình cổ vật cũng như xuất xứ của nó. Nhà trưng bày ra mắt công chúng với nhiều bộ sưu tập minh chứng sinh động cho sự hiện diện của 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam. Đó là một danh mục khá lý thú và độc đáo: tàu đắm cổ Bình Thuận (thế kỷ 15); tàu đắm cổ Hà Tiên (thế kỷ 18); tàu đắm cổ Cà Mau (thế kỷ 18); tàu đắm Hòn Cau, Bà Rịa – Vũng Tàu (thế kỷ 17); tàu đắm cổ Bình Định (thế kỷ 14); tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Quảng Nam (thế kỷ 15); tàu đắm cổ Phú Quốc, Kiên Giang (thế kỷ 14); tàu đắm cổ Hòn Dầm (thế kỷ 15); tàu đắm cổ Bình Châu, Quảng Ngãi (thế kỷ 13). Thư tịch cổ cho biết, từ khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 10 đã xuất hiện các hoạt động giao thương tương đối mạnh giữa các nước trong vùng Biển Đông, có nhiều thuyền buôn đi lại trên con đường này. Họ xuất đồ sứ, hàng tơ lụa đến các nước trong khu vực châu Á, trong đó đồ sứ là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu. Hòa nhập với quá trình giao thương đó, từ thế kỷ 13 đồ sứ Việt Nam đã xuất sang các nước Đông Nam Á và Nhật Bản, xa hơn là các nước vùng Trung Cận Đông.

Kho mở của nhà trưng bày chứa nhiều hiện vật đặc sắc được khai quật, đấu giá và sưu tầm từ các con tàu đắm cổ. Trong đó, mỗi con tàu đều có những nét đặc trưng từ trong cách tiếp cận khảo sát, khai quật và sưu tầm, khẳng định được các giá trị di sản tàu đắm quan trọng và vai trò của Việt Nam trong con đường gốm sứ trên biển. Trong đó, có 1.000 cổ vật thời nhà Thanh thế kỷ 18 từ con tàu đắm ở Cà Mau. Chiếc tàu này ngư dân ở tỉnh Bình Thuận tình cờ phát hiện ở vị trí cách mũi Cà Mau 90 hải lý về phía nam và nó được khai quật vào năm 1998 – 1999 bởi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Hiện vật là chén ấm nước loại nhỏ men trắng xanh, nhìn rất bắt mắt. Chiếc tàu đắm là tàu chở hàng xuất phát từ Trung Quốc đang trên đường tới Hà Lan thì bị hỏa hoạn và chìm tại vùng biển Việt Nam.

Tinh hoa gốm Việt

Bộ sưu tập nổi trội nhất của nhà trưng bày này chính là hiện vật tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm. Đây chính là con tàu đầy giá trị đã mở ra bước ngoặt trong quá trình tìm lại tinh hoa văn hóa Việt – gốm Chu Đậu. Riêng chuyến “khai quật vét” con tàu này đã thu được gần 16 nghìn cổ vật với hơn 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương), là đồ gốm thương mại nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ (thế kỷ 15).

Hiện vật tàu đắm Cù Lao Chàm.
Hiện vật tàu đắm Cù Lao Chàm.

Cuộc khai quật trước đây ở con tàu đắm này, các chuyên gia đã trục vớt được 340 nghìn cổ vật, trong đó có 250 nghìn còn nguyên vẹn. Hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà… Đây là một bằng chứng khẳng định Việt Nam đã có những thành công rực rỡ trong việc giao thương xuất khẩu gốm sang các nước trong và ngoài khu vực.

Nhà trưng bày cổ vật tàu đắm chẳng những giàu có về hiện vật, chủng loại mà còn có cổ vật chứa đựng những thông tin đặc sắc. Đó là trường hợp những hiện vật “biết nói” từ con tàu đắm cổ Phú Quốc, Kiên Giang. Con tàu này ở giáp biên giới Campuchia và Việt Nam, nằm trong Vịnh Thái Lan. Hiện vật thu được gồm có các loại gốm của Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, đồ dùng của thủy thủ đoàn. Nổi bật là sự xuất hiện của gốm Chu Đậu (Hải Dương) trên con tàu, minh chứng rằng gốm Chu Đậu là dòng gốm thương mại, theo thuyền buôn đi đến nhiều nơi trên thế giới và sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa, thương mại đường biển.

Vùng biển Việt Nam hiện còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa và những “bí ẩn” lịch sử. Việc thành lập bảo tàng chuyên đề gốm sứ tầm cỡ quốc gia giúp cho công chúng có cơ hội khám phá, thưởng ngoạn cổ vật từ các con tàu đắm. Đây thực sự là một cuộc du ngoạn về quá khứ để hình dung lại một thời vang bóng của “con đường gốm sứ trên biển”. Nó cho ta cảm nhận vẻ đẹp của gốm sứ, mở ra ý tưởng cho ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam.

Tấn Vịnh

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục