Hàng hóa xứ Quảng và cú hích thương mại

Thành quả đáng ghi nhận qua triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là cú hích phát triển thương mại.

Bánh tráng Đại Lộc được người dân ưa chuộng mua dùng ở Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: QUANG VIỆT
Bánh tráng Đại Lộc được người dân ưa chuộng mua dùng ở Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: QUANG VIỆT

Chú trọng đầu tư

Người tiêu dùng hay chọn mua bánh tráng Đại Lộc khi đến mua sắm ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Nghề làm bánh tráng ở huyện Đại Lộc được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, khởi đầu từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ thôn quê đến dây chuyền sản xuất khép kín với công nghệ mới đem lại nhiều tiện ích. Trước đây, từ nguyên liệu bột gạo, người dân tráng bánh, phơi khô, đóng gói đem bán thì nay chủ yếu là dùng máy tráng bánh bán tự động; cắt bánh, đóng gói, bao bì, nhãn mác cũng bằng máy. Ở huyện Đại Lộc hiện có gần 200 cơ sở sản xuất bánh tráng lớn nhỏ. Cơ giới hóa được áp dụng đã tiết giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng lại cho ra sản phẩm bánh đều, đẹp, bắt mắt về mẫu mã.

Bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho rằng, thương hiệu bánh tráng Đại Lộc đã góp phần làm phong phú ẩm thực xứ Quảng. “Chúng tôi bố trí gian hàng bánh tráng Đại Lộc ở vị trí rất dễ nhìn thấy, tạo thuận lợi để hàng hóa đến với người tiêu dùng. Khách hàng bảo món bánh tráng thịt heo mà không dùng bánh tráng Đại Lộc thì ít nhiều mất đi hương vị món ăn này” – bà Lai nói.

Ông Trương Cảm – Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa – đơn vị tiên phong sản xuất và khẳng định thương hiệu bánh tráng Đại Lộc cho biết, HTX có hơn 10 lao động lành nghề, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 3 tấn bánh tráng. Với giá bán sỉ hiện nay là 26 nghìn đồng/kg, mặt hàng bánh tráng đem lại thu nhập cho người lao động với hơn 4 triệu đồng/tháng. Bánh tráng Đại Lộc hiện đã được gắn 4 sao là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Đại Lộc. Mới đây, bánh tráng Đại Lộc là sản phẩm duy nhất của Quảng Nam được Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. “Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp thương hiệu độc quyền cho chúng tôi là vinh dự rất lớn. Bánh tráng Đại Lộc sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên chúng tôi luôn tìm cách mở rộng thị trường khắp cả nước và có định hướng xuất khẩu ra nước ngoài. Trong số hàng trăm cơ sở sản xuất bánh tráng ở huyện Đại Lộc, chúng tôi sẽ tuyển thêm nhiều lao động có tay nghề cao và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian đến” – ông Cảm nói.

Rộng mở thương mại

Ông Lê Thái Bình – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, các sản phẩm đặc trưng xứ Quảng như bánh tráng Đại Lộc, phở sắn Quế Sơn đã ngày càng tạo dựng thương hiệu, góp phần giúp thương mại Quảng Nam khởi sắc. Cả 2 sản phẩm hàng hóa nói trên hiện được bày bán ở những kênh mua sắm lớn của tỉnh là siêu thị, quầy hàng thực phẩm sạch. “Nhiều cơ sở sản xuất đã tiếp nhận các thông tin tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng hàng hóa ngày một chất lượng, khẳng định uy tín trong người tiêu dùng, được mua sắm nhộn nhịp trên địa bàn tỉnh. Đó là điều đáng mừng” – ông Bình nói.

Thời gian qua, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đã trở thành “bà đỡ” cho các sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh thông qua liên kết, hợp tác, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ. Sự gặp gỡ giữa nhà sản xuất, kênh siêu thị phân phối hàng hóa và người tiêu dùng đã kích cầu tiêu dùng, rộng mở thương mại, tạo thành công lớn cho cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thông qua chương trình “Tự hào hàng Việt”, Co.opMart Tam Kỳ đã trở thành cầu nối, giới thiệu đến người tiêu dùng trên địa bàn hàng hóa xứ Quảng chất lượng, an toàn, tạo dựng hình ảnh sống động, khẳng định niềm tin vào hàng Việt. “Chúng tôi góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa Quảng Nam vì nhu cầu thúc đẩy sản xuất nội địa phát triển cũng như tạo cú hích lớn cho thương mại xứ Quảng” – bà Trần Thị Như Lai nói. Theo đó, Co.opMart Tam Kỳ tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn giá cả thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp Quảng Nam nói riêng, trong nước nói chung quảng bá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, tăng thêm niềm tự hào hàng Việt trong người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương, qua phát triển mạnh các sản phẩm nông sản đã khơi dậy tiềm năng lớn về nguồn lực, năng lực kinh doanh, phân phối của các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn. Sự lớn mạnh của các sản phẩm nông sản chủ lực Quảng Nam đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh. “Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, tiết kiệm lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa làm đòn bẩy để thúc đẩy hệ thống phân phối trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại lợi nhuận thương mại lớn hơn” – ông Thiều Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.

Việt Nguyễn

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục