Hương vị ốc bưu quê nhà

Trước đây, vào những đêm trăng thanh gió mát ở quê tôi, các bậc cao niên thường mở những “bữa tiệc” ốc bưu. Hôm nào có tiệc ốc hôm ấy xóm tôi vui như hội bởi để chuẩn bị bữa tiệc ốc này cũng lắm công phu. Ngay từ chiều sắp các cụ đã lo nhắc con cháu hái các loại rau gia vị, chuẩn bị nước chấm, bếp lò như thế nào và điều đặc biệt là phải nhớ chuyện mời khách dự.

Ngày ấy, làng quê tôi ốc bưu không hiếm, khắp ruộng đồng, ao suối, mương khe điều có cả. Nhất là ở các ao, mỗi khi tát ao ốc bưu bắt phải được gánh đầy hai đầu thúng. Nên soạn bữa tiệc này không tốn kém bao nhiêu nhưng để món ốc cho thật khoái khẩu thì không phải là chuyện đơn giản. Khâu chuẩn cần bị phải lo trước đó mấy ngày.

Ốc mang về nhà, đầu tiên là chọn lựa các con to, tròn lông lốc, bóng sẫm, rửa sạch. Bọn nhỏ chúng tôi thường được giao đảm trách khâu này. Sau đó, các mẹ, chị đem ốc ngâm nuôi trong nước vo gạo và không quên thêm vào đó vài lá gừng xanh mới hái. Ngâm độ khoảng một hai đêm cho ốc thải hết bùn nhớt trong ruột, rồi đem ra rửa sạch xếp vào một cái giỏ tre treo ở đầu hồi nhà. Ốc bưu tuy sống ở dưới nước nhưng treo cạn như thế cả tuần nó vẫn sống khỏe. Khoảng hai ngày sau, bà tôi nghiền vụn vài miếng đậu khuôn trộn với vài quả trứng gà, đánh nhuyễn, đổ vào mâm đồng hay mâm nhôm cho ốc ăn trong vài giờ. Có thể cho ốc ăn nhiều lần càng tốt.

Trước buổi thưởng thức, các cô chú ra vườn hái các loại rau răm, rau thơm, khế, chuối chát xanh, gừng, ớt cùng ít lá chanh non để vừa ăn vừa nhắm hay vò vò lá chanh cho thơm để tăng mùi kích thích vị giác. Đặt vỉ nướng lên bếp lò than đỏ hừng hực rồi xếp ốc lên đó. Phải xếp khéo léo cho miệng ốc ngửa lên trên để tránh chất ngon bổ béo trong thân ốc đổ ra. Sau một thời gian độ 5 đến 10 phút con ốc chín. Dùng đũa tre nhẹ nhàng gắp từng con ốc đặt vào một cái chén nho nhỏ, mỗi người một chén. Dùng cái que be bé bằng móng tay, khèo cái ruột ốc nõn nà thơm ngon bổ béo ấy ra, ăn cả nước lẫn cái cùng các loại rau gia vị. Thế rồi bên chén rượu gạo quê, nhấm nháp món ốc, mọi người râm ran chuyện trò, hết chuyện làng xóm, sang chuyện mùa màng, nhân gian thế sự…

Lê Văn Huân

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục