“Tự hào một dải gấm hoa”…

Bằng nghệ thuật sân khấu, chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa” chào mừng kỷ niệm 420 danh xưng Duy Xuyên (diễn ra vào tối nay 19/8) sẽ kể cho người xem câu chuyện đẹp về hành trình hình thành và phát triển mảnh đất này qua trầm tích thời gian…

Duy Xuyên, miền đất được ví như một dải lụa mềm nằm ở bờ nam sông Thu Bồn xứ Quảng, từ rất lâu trong thời gian đã là niềm tự hào khôn xiết của bao thế hệ con dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Đã 420 năm trôi qua kể từ ngày danh xưng Duy Xuyên ra đời (1604 – 2024 ), miền gấm hoa ấy không ngừng được bồi đắp để xanh tươi khát vọng ấm no.

hoanh-trang-chuong-trinh-nghe-thuat(1).jpg
Hoành tráng chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa”. Ảnh: Đ.Trương

Màn trống hội hoành tráng trên nền âm nhạc hào sảng do nhạc sĩ hòa âm phối khí Trúc Lam thực hiện mở đầu cho chương trình nghệ thuật “Duy Xuyên – Tự hào một dải gấm hoa” như một cử hành, thúc giục tiếng vó ngựa tung hoành trên hành trình mở cõi về phương Nam mấy trăm năm trước. Tiếp đó là nhạc cảnh với nhiều loại hình đan xen phức hợp gồm âm nhạc vũ điệu và lời thoại của nhân vật – Chúa tiên Nguyễn Hoàng như mở ra một vùng trời, vùng đất được xem như “Yết hầu của thuận Quảng”.

Hệ thống diễn viên trên sân khấu trong trang phục truyền thống được dệt nên từ làng nghề tơ lụa của vùng đất này gắn với đời sống lao động kết hợp đạo cụ, tạo nên bức tranh cuộc sống muôn vẻ tươi vui của người dân trong buổi đầu xây dựng quê hương.

Dòng sông Thu Bồn hẳn là biểu trưng của xứ Quảng nhưng với vùng đất Duy Xuyên, sông mang một vai trò hết sức quan trọng. Đây là nơi hội nhập giao lưu từ biển lên, từ trên nguồn xuống, từ Trung Hoa tới, từ Ấn Độ sang, từ muôn phương đổ về.

Con sông quê mềm như lụa ấy đã khiến biết bao văn nhân, nghệ sĩ phải xiêu lòng, để rồi từ đó mà ngân vang những giai điệu mượt mà, êm ả như dòng chảy của sông, như biền dâu soi bóng đôi bờ… Có lẽ vì vậy “Thu Bồn ơi” của nhạc sĩ Lê Anh (do ca sĩ Anh Thơ thể hiện) trong chương trình nghệ thuật này xem như một sợi dây dẫn dắt người xem đi xuyên suốt qua hành trình hơn 400 năm hình thành và phát triển của miền đất Duy Xuyên.

Sông qua bao năm tháng thời gian cũng là chứng nhân cho biết bao thăng trầm, dâu bể, là cộng sinh của những đặc trưng văn hóa vùng miền như là văn nghệ dân gian, tín ngưỡng, tập tục. Và, hơn hết, sông còn chứng kiến một mối tình đẹp giữa cô gái làng dâu và Chúa Nguyễn Phúc Lan thuở nọ để rồi cô gái ấy trở thành bà Chúa Tàm tang, góp công lớn trong công cuộc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa rồi đưa lụa của xứ Đàng Trong nối vào “con đường tơ lụa trên biển”… Có lẽ vì thế mà những người thực hiện chương trình nghệ thuật này đã rất tinh tế khi đưa vào những trích đoạn tuồng hay dân ca kịch -vốn quý truyền thống mà cha ông đã kiến tạo nên trong quá trình lao động, như một cách nhắc nhớ, tri ân, phát huy và gìn giữ cho muôn đời…

net-hoa-lang-nghe-1(1).jpg
Tiết mục “Nét hoa làng nghề” trong chương trình nghệ thuật

Từ mạch chảy cội nguồn của xứ sở, đã nuôi dưỡng nên bao lớp người Duy Xuyên với những đức tính tốt đẹp: yêu nước thương nòi, yêu lao động, hiếu thảo, hiếu học…

Trong suốt dặm dài lịch sử hơn 6 thế kỷ, người Duy Xuyên đã và đang tạo dựng nên một mảnh đất anh hùng, giàu đẹp với những chiến công vang dội trong lịch sử; truyền thống khoa bảng của miền đất học từ xa xưa; những danh nhân, chí sĩ góp nhiều công lao làm giàu đẹp quê hương; sự trù phú của các làng nghề với tinh hoa và tài ba của người thợ dệt, người làm gốm, làm chiếu cói…

Tất cả điều này được khắc họa đậm nét trong chương 2 của chương trình nghệ thuật. Những tác phẩm múa độc lập được sử dụng trong chương này như “Duy Xuyên miền đất hiếu học”, “Tinh hoa làng nghề” hay hát múa “Duy Xuyên niềm tự hào” rồi “Bài thơ quê lụa”… đều khắc họa được nét đẹp toát lên từ đời sống lao động cần cù và sáng tạo của bao lớp người dân Duy Xuyên từ trong quá khứ đến hiện tại.

Điều đặc biệt, âm nhạc dùng cho chương này gần như được nhạc sĩ Trúc Lam dày công phối khí mới mẻ, tạo được ấn tượng mạnh trong lòng người xem.

duy-xuyen-ngay-moi(1).jpg
Tiết mục “Duy Xuyên ngày mới”

“Duy Xuyên – Tự hào một dải gấm hoa” bên cạnh bài ca ngợi ca tình yêu lao động, ngợi ca đức tính cần cụ, chịu thương chịu khó của bao thế hệ cư dân Duy Xuyên, dám vượt qua khó khăn gian khổ để tạo lập nên một dải gấm hoa… còn là niềm tự hào của vùng đất di sản thế giới Mỹ Sơn.

Dấu ấn của công cuộc bình chiêm mở cõi mà mấy trăm năm trước vua Lê Thánh Tông đưa 20 vạn binh vượt sông Thu Bồn dặt chân lên đất này vẫn còn đó. Mỹ Sơn như một nét chấm phá, làm nên sự đa dạng trong đặc trưng văn hóa – nghệ thuật miền đất tơ lụa Duy Xuyên.

Một chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử và tính nhân văn của một miền quê xứ Quảng với bố cục qua các giai đoạn, vận dụng linh hoạt các hình thức thể hiện để dẫn dắt quá trình lịch sử, dẫn dắt câu chuyện về danh xưng Duy Xuyên qua từng thời kỳ theo tiến trình phát triển của đất nước.

Chương trình nghệ thuật được phối trộn theo nhịp điệu, tiết tấu đi từ cảm xúc ngưỡng vọng và tri ân đến niềm tự hào riêng có của người Duy Xuyên qua 420 năm lịch sử hình thành và phát triển bằng một sự bình dị mà tha thiết biết bao…

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục