Họ đã nói về Cá tính Quảng

Mỗi người một góc nhìn, dù khen hay chê thì các nhận xét, góp ý của người trong nghề rất quan trọng với nhóm thực hiện Cá tính Quảng. Tủ sách Nét Quảng – Netquang.vn xin được trích đăng những ý kiến quý giá này.

Nhà thơ Phượng Hoàng:

Đậm nét Quảng Nam, với những cá tính thực tế, gắn liền với những nhân vật nổi tiếng hiện thời nên người đọc dễ dàng nhận thấy. Nhưng theo tôi thì mình chưa khẳng định được cá tính đó bất di bất dịch của người xứ Quảng qua nhiều đời.

Nếu làm được các tập tiếp theo, chúng ta nên khai thác theo cách “liên thế hệ”. Ví dụ về trào phúng dân gian như nhân vật Thủ Thiệm, thì tính cách này đến thế hệ hiện tại vẫn còn với nhân vật hiện tại; hoặc là những cá tính nữ mạnh mẽ trong thi ca xứ Quảng cuối thế kỷ 19 – nữ sĩ Bang Nhãn trong thơ Nôm và các nữ sĩ thời hiện tại; “cá tính không chịu thua ai”; hoặc khai thác thêm về cá tính đặc biệt về ẩm thực…

Tôi muốn cảm ơn ban biên soạn vì đã cho cơ hội đưa ra ý kiến nhận xét của mình. Chúc Cá tính Quảng sẽ thành công hơn nữa với các tập tiếp theo.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm:

Khi xuất hiện, sách này đã tạo ấn tượng trong bạn đọc. Không chỉ người Quảng mà bạn đọc các vùng miền khác cũng tìm đọc để hiểu thêm con người của vùng đất “mở rộng về phương Nam” này.

Tìm về cá tính Quảng cũng chính là tìm về bản sắc, về tính cách riêng của người Quảng, vốn được hình thành trong quá trình giao thoa, tổng hòa nhiều yếu tố về địa lý, lịch sử… với nhiều nền văn hóa khác.

Trong thời gian tới, nếu Cá tính Quảng thực hiện thêm, tôi nghĩ cần đi sâu hơn nữa về các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử. Như cá tính Phan Khôi, cá tính Phan Châu Trinh…. và nhiều nhân vật khác nữa. Nếu được, cũng nên mạnh dạn có tập khảo cứu về những tính xấu, tật xấu của người Quảng, cũng rất hay.

Nhà văn Tiểu Quyên

Bài tôi thích nhất không phải về người nổi tiếng, mà là bài về anh VIP của làng.
Nó dân dã hiền lành mà đáng nhớ, đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Ví dụ nếu có Cá tính Quảng phần 2, mình làm thêm về những người đặc biệt như vậy. Họ hoàn toàn không nổi tiếng, nhưng chính họ làm nên cá tính Quảng thật mạnh mẽ, ấn tượng. Hoặc thí dụ như nhân vật người gánh nước thuê và câu chuyện cái giếng cổ chẳng hạn. Tôi thấy, Quảng Nam – Đà Nẵng có rất nhiều nhân vật ẩn mình mà đẹp sâu như vậy. Cái này tôi không có ghi trên bài báo giới thiệu sách, nhưng khi đọc hết cuốn sách, tôi đã nghĩ vậy.

Nhà thơ Phạm Tấn Dũng

Đọc cuốn sách nhiều tác giả Cá tính Quảng tôi hoàn toàn không có khái niệm hay hoặc dở, mà là cảm giác ngồn ngộn, xúc động, xen lẫn tự hào về những gì đã lưu cữu và tồn tại một khí chất Quảng Nam.

Đây là cuốn sách đầy ắp tiếng lòng, ở đó tập hợp bài viết của những con người nổi tiếng viết về những con người khá nổi tiếng (tuy chưa phải là tiêu biểu cho cá tính Quảng nói chung). Từ hình thức đến bố cục được ban biên soạn thể hiện quá có nghề, cho đến đề dẫn của nhà nghiên cứu – dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã cho chúng ta thấy sức vóc ban đầu của tập sách về một số đặc trưng Quảng như cãi, ngông, hề, chơi, làm.

Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ so với cái tựa đề Cá tính Quảng, thì toàn bộ nội dung tập sách trong chừng mực nào đó còn thiếu nhiều vấn đề để nói bao quát về các cá tính này. Nên chăng cần thêm vài tập nữa cho tương đối trọn ý!

Nếu được phép góp vài ý nhỏ, tôi muốn nói rằng tuy người Quảng chịu cái tiếng xấu là “hay cãi”, nhưng từ trí thức, sĩ phu cho đến nông dân, người bình thường đều muốn cãi đúng cái lý cái tình của họ, chứ không cãi bậy… Người Quảng cũng có tính chất bỗ bã hoặc nói trổng, chắc do thuở khai hoang vỡ đất, người người vườn vườn cách nhau vài trăm mét đất, muốn mượn cái cuốc cũng phải gào lên mới nghe, rồi bên trả lời cũng phải gào lên lấy đi! Người Quảng cũng thường rất lo xa, có lẽ do sống nơi hiểm trở, trong giao tiếp Chăm-Việt. Có thể lấy thêm tư liệu từ cuốn Người Quảng lo xa của Phan Văn Minh. Một tính cách nữa là ba lơn, ở đâu cũng có ba lơn, nhưng đến xứ Quảng, với tính cách cãi cọ và phương ngữ đặc trưng, tố chất ba lơn được phát huy thành đặc sản.

Lý Đợi – Lê Minh Hạ

 

Cùng chuyên mục