Làng nghề vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều làng nghề chổi đót, hương trầm… ở xứ Quảng đã tất bật vào vụ nhằm cung ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán.

Con đường rực sắc hương ở Bàn Tân, Đại Đồng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Con đường rực sắc hương ở Bàn Tân, Đại Đồng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chổi đót hút hàng

Không khí làng nghề chổi đót Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên) những ngày cuối năm tất bật. Cơ sở của chị Đoàn Thị Ánh Nga (thôn Chiêm Sơn) có hơn 10 lao động mỗi ngày phải làm đến 400 cái chổi đót các loại (chổi hộp, chổi bắn vít, chổi Đài Loan) để kịp giao hàng cho các chuyến xe đi Huế, Đà Nẵng và vào Nam. Chị Nga cho biết, nhờ có uy tín với khách hàng nên cơ sở sản xuất ngày càng mở rộng quy mô, không phải lo lắng chuyện đầu ra. Cơ sở chị còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trên địa bàn với trung bình ngày công lao động 100 – 200 nghìn đồng/người/ngày. So với bình thường, nhu cầu sản phẩm dịp Tết tăng gấp đôi, gấp ba nên từ trước đó, chị Nga phải bỏ ra hàng tỷ đồng để trữ hàng tấn nguyên liệu đót và các phụ phẩm khác để đảm bảo sản xuất. “Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ để mưu sinh, phải lên núi bứt đót về làm nguyên liệu thì nay nhiều cơ sở làm chổi phải nhập đót từ nước láng giềng mới đủ sản xuất cho thấy làng nghề đang ở thời kỳ hưng thịnh, giúp người dân ăn nên làm ra, giải quyết lao động nhàn rỗi” – chị Nga cho hay.

Ông Đoàn Sáu, người làm nghề lâu năm ở Chiêm Sơn chia sẻ, nghề làm chổi rất vất vả, cực nhọc, trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu bứt (mua) nguyên liệu về phơi khô, cột đều đặn, vô cán chổi và cố định bằng ốc vít, bọc nhựa, bện chổi… Để có chiếc chổi đều, đẹp, chắc bền thì công đoạn quan trọng được giao cho những người có kinh nghiệm, thâm niên trong nghề. Bà Nguyễn Thị Tám (50 tuổi), một người làm nghề chổi sương, chổi chà ở Chiêm Sơn cho biết, cả thôn chỉ có 4 hộ chuyên về dòng chổi sương, chổi chà vốn sử dụng để quét ngõ, sân nhà, công viên. “Nguyên liệu sản xuất dòng sản phẩm chổi này rất khan hiếm, chủ yếu được thu mua từ Thừa Thiên Huế. Dịp Tết này, mỗi ngày chúng tôi phải làm 400 – 500 cái chổi với giá sỉ 10.000 đồng/cái, gấp đôi, gấp ba ngày thường mới đủ hàng cho thương lái nên phải tăng ca đêm” – bà Tám nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng thôn Chiêm Sơn, nghề chổi đót Chiêm Sơn có 30 hộ tham gia sản xuất với tổng số giá trị đầu tư (nguyên liệu, máy móc, phụ phẩm khác) lên tới gần 60 tỷ đồng. Các cơ sở giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động, cơ sở nhỏ thì vài nhân công, cơ sở lớn lên đến 30 người, thù lao 100 – 200 nghìn đồng/người/ngày. Nghề chổi đót ở Chiêm Sơn hưng thịnh từ năm 1990 từng xuất khẩu đi Liên Xô. Mười năm trở lại đây, làng nghề ăn nên làm ra, nhiều hộ khá giả nhờ đầu tư sản xuất bài bản. Nguyên liệu ở Quảng Nam không đủ sản xuất, nên các hộ nhập thêm đót từ Lào và Campuchia. “Làng nghề đang hướng tới thành lập hợp tác xã để phát triển bền vững, xây dựng nhãn hiệu tập thể. Về lâu dài, để người dân phát triển quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc, dự trữ nguyên liệu, cần có sự hỗ trợ vay vốn, hướng tới sản xuất bền vững” – ông Thành nói.

Khấm khá mùa hương Tết

Trên đất Đại Lộc, ngoài làng nghề sản xuất hương truyền thống Phú Lộc (xã Đại An), còn có chục cơ sở sản xuất hương lớn nhỏ tập trung ở xã Đại Đồng. Giữa cái nắng hanh hao của những ngày cuối năm, sắc đỏ thắm của hương và mùi hương trầm, hương quế thoang thoảng các ngõ nhỏ. Gần đây, do nhu cầu tăng cao, gần như các cơ sở sản xuất hương đều vận hành quanh năm, song mùa thu nhập chính của làng nghề là vụ Tết khi nhu cầu thị trường tăng cao so với ngày thường. Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Đình Trung (cơ sở sản xuất hương Phú An, thôn Bàn Tân, xã Đại Đồng) giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động nhàn rỗi với ngày công 100 – 150 nghìn đồng/ngày. Sản phẩm hương Phú An đa dạng với hương trầm, hương quế, hương nụ, bột trầm, giác trầm… Nguyên liệu sản xuất được mua nhiều nơi, từ Quảng Nam, Hiệp Đức, Tiên Phước cho tới miền Tây. “Làm hương để đáp ứng nhu cầu thị trường cần vốn lớn để đầu tư máy móc sản xuất như mua sắm xe tải vận chuyển hàng và nguyên liệu cho tới dự trữ nguyên liệu. Để làm hàng tết, tôi phải nhập vài tấn nguyên liệu, mỗi chuyến nhập hàng chuẩn bị từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng” – anh Trung chia sẻ. Nghề làm hương Bàn Tân có từ sớm nhưng thịnh nhất khoảng 7 năm trở lại đây với gần chục cơ sở sản xuất lớn nhỏ, sản phẩm được thị trường đón nhận rộng rãi. Anh Trung cho biết, sản phẩm hương trầm thông thường tại cơ sở anh có giá 100.000 đồng/kg, loại đắt lên đến 1 triệu đồng. Ngoài hương trầm cây còn có hương trầm viên (hương nụ) với giá 50 – 60 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/hộp. Sản phẩm trầm dác (dác xông) với đủ loại sản phẩm từ vài chục nghìn/lạng tới 150 nghìn đồng/lạng.

Ngoài cơ sở sản xuất trầm hương Phú An của anh Nguyễn Đình Trung, cơ sở Kỳ Nam của anh Nguyễn Đình Kỳ Nam chuyên sản xuất bột trầm, hương cây, trầm viên, hương khoanh, dác xông… cũng được xem là cơ sở sản xuất quy mô. Ngoài ra, thôn Bàn Tân và thôn Lam Phụng (xã Đại Đồng) còn có hơn chục cơ sở sản xuất hương trầm, hương quế lớn nhỏ đang tất bật đêm ngày để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết. Nghề làm hương cũng đã giúp nhiều hộ sản xuất dần khấm khá, ổn định đời sống, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

Triêu Nhan – Phương Phương

Theo báo Quảng Nam 

Cùng chuyên mục