Gấu Bắc Cực đang gửi thông điệp gì tới chúng ta?

Những chú gấu Bắc Cực gửi đi những tín hiệu cho thấy môi trường sống ngày càng khắc nghiệt trong lúc chúng phải đi xa hơn để tìm thức ăn.

Mỗi buổi sáng, Jon Aars, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Địa cực Na Uy, nhận được một loạt tin báo tự động từ một số con gấu Bắc Cực cho thấy chúng đang ở đâu.

Svalbard, một quần đảo ở phía Bắc của Na Uy, là nơi lý tưởng để nghiên cứu tập quán của khoảng 26.000 con gấu Bắc Cực còn sót lại trên thế giới. “Có khoảng 300 con gấu Bắc Cực sống ở Svalbard quanh năm. Nếu bạn bay trên vùng trời này trong một giờ, bạn sẽ nhìn thấy ít nhất một con đang đi lại kiếm ăn,” ông cho biết.

gau-bac-cuc-dang-gui-thong-diep-gi-den-chung-ta
Nguồn thức ăn cạn kiệt đe dọa sự tồn tại của loài gấu Bắc Cực

Phải di chuyển nhiều hơn để thích nghi

Mỗi năm, Aars và các đồng nghiệp của ông bắt khoảng 70 con gấu Bắc Cực và đeo vòng đeo cổ cho chúng để theo dõi chuyển động trước khi trả chúng về tự nhiên. Mỗi ngày một lần, dữ liệu trong 24 giờ của chúng được gửi vào email của Aars.

Dữ liệu chuyển động là cách thức để con người hiểu cách gấu Bắc Cực – loài động vật có vú to lớn, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn.

Khí hậu ấm lên đồng nghĩa với việc một lượng lớn băng biển đang tan chảy trong khu vực và nhiệt độ tăng cao sau mỗi năm cũng đang ngăn cản băng theo mùa hình thành trở lại ở những nơi từng đóng băng.

Một số loài hải cẩu, thức ăn chính của gấu Bắc Cực, sống dựa vào băng biển và gấu Bắc Cực cũng vậy. Nhưng những sinh vật này đang bị buộc phải di chuyển nhiều hơn để thích nghi với điều kiện mới.

gau-bac-cuc-dang-gui-thong-diep-gi-den-chung-ta
Một con gấu Bắc Cực được tiêm thuốc an thần đang chờ Viện Địa cực Na Uy kiểm tra và theo dõi

Loài gấu Bắc Cực được ghi nhận cần nhiều thời gian hơn trên cạn và tìm kiếm các lựa chọn khác nhau để tồn tại nếu không bắt được hải cẩu. Chúng chuyển sang săn tuần lộc, bắt chim và ăn trứng chim nhiều hơn. Gấu phải đi đến các khu vực khác với trước đây, xa hơn rất nhiều về hướng Bắc.

Bên cạnh việc theo dõi vòng cổ, Viện Địa cực Na Uy còn cân đo gấu và lấy mẫu theo dõi sức khỏe và chế độ ăn của chúng, cũng như xét nghiệm bằng chứng về chất ô nhiễm. Vòng cổ cũng có thể ghi lại nhiệt độ cơ thể để các nhà khoa học biết liệu một con gấu đã di chuyển những đâu và những con gấu cái có dấu hiệu sắp sinh con hay không.

Lượng băng ở Bắc Cực đang giảm hơn sau 13% mỗi thập kỷ

Việc mất đi các tảng băng biển cũng có tác động đến nơi gấu Bắc Cực sinh sống. Một lớp băng cứng trên đại dương giúp gấu có thể đi bộ quãng đường dài. Những khu vực mà chúng từng đến để sinh con ít nhiều bị mất đi khi băng biển không còn tồn tại quanh những hòn đảo quen thuộc với chúng.

gau-bac-cuc-dang-gui-thong-diep-gi-den-chung-ta
Các dòng sông băng không còn như trước đây và đã lùi xa hàng trăm mét, thậm chí hàng km sau mỗi năm

Loài gấu được ghi nhận phải bơi xa qua quãng đường 200 km để đến được một hòn đảo, điều mà chúng không cần phải làm cách đây 20 năm.

Theo ghi nhận của NASA, lượng băng vào mùa hè ở Bắc Cực đang giảm hơn 13% sau mỗi thập kỷ và năm nay Trung tâm Dữ liệu băng tuyết Quốc gia (NSIDC) ghi nhận mức băng biển mùa hè ở mức thấp thứ hai trong lịch sử. 14 mức băng biển thấp nhất đều xảy ra trong 14 năm qua.

Sự thay đổi nêu trên được cho là rất nghiêm trọng và quá nhanh, khiến giới khoa học quan ngại rằng đến một lúc nào đó trong tương lai, những con gấu Bắc Cực sẽ mau chóng biến mất ở Svalbard và khu vực lân cận.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ CNN

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/gau-bac-cuc-dang-gui-thong-diep-gi-toi-chung-ta/

Cùng chuyên mục