Qua miền thung lũng Sơn Viên

Một ngày qua miền thung lũng Sơn Viên (Nông Sơn), khám phá con suối Đá Bàn huyền thoại dưới chân đỉnh núi Chúa, du khách sẽ bị chinh phục bởi vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên nơi đây.

Đi qua những con đường mòn ngoằn nghèo cuối cùng của xóm làng, vượt con dốc nhỏ, băng qua suối Nai, tiếp tục men theo lối nhỏ khoảng 2 cây số đường rừng, từ xa đã nghe âm thanh róc rách của con suối Đá Bàn vang vọng. Giữa miền rừng núi xanh thẳm, suối Đá Bàn với dòng trong vắt, có thể soi tận đáy, nhìn thấy từng viên sỏi dưới lòng.

qua-mien-thung-lung-son-vien
Cảnh đẹp hoang sơ của suối Đá Bàn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Từ thượng nguồn ở đỉnh núi Chúa, đỉnh cao nhất vùng Nông Sơn, những con suối lượn lờ giữa đồi núi, thung lũng trập trùng, rồi cùng hợp về cùng một mối là Đá Bàn. Bên dòng suối, rất nhiều tảng đá lớn to bằng chiếc bàn ngăn dòng, tạo thành dòng chảy mạnh với bọt tung trắng xóa. Cạnh đó, cũng nhấp nhô những hòn lớn nhỏ đủ hình thù, màu sắc, bằng nắm tay, chiếc bát úp, bằng vung cơm, dày đặc, lô nhô tạo nên những tầng nước rỉ rả, gợi nên một bức tranh độc đáo.

Mùa nắng trong năm, nhiều bước chân lãng du, nhiều “phượt thủ” đã về với miền sông nước Thu Bồn, băng qua những cánh rừng trải dài, qua những thảm cây bụi ken dày, tìm đến con suối đẹp này. Có thể đem theo đồ ăn sẵn, nướng thức ăn bên bờ suối để nhâm nhi, bắt ốc đá… Có thể ngược dòng con suối đến tận vùng thượng nguồn để khám phá vẻ đẹp sơ nguyên của núi rừng. Đá Bàn đến nay vẫn chỉ là một trong những điểm đến chưa được ghi tên trên bản đồ du lịch Nông Sơn. Hy vọng trong tương lai gần, đây là một điểm đến thu hút du khách, bên cạnh suối nước nóng Tây Viên cách đó không xa.

Con suối Đá Bàn lãng mạn, trữ tình còn lưu giữ huyền thoại dân gian rất ly kỳ. Cư dân vùng Sơn Viên vẫn còn lưu truyền câu chuyện về con cọp Đá Bàn, còn gọi là Bạch Hổ. Vùng này xưa có lệ, trong làng ai trộm cắp, nếu bị bắt quả tang nhiều lần sẽ bị cột trên một cái trụ, làm mồi cho Bạch Hổ. Một ngày nọ, trong cảnh đói kém, một tiều phu do nhiều ngày trời mưa xối xả không thể vào rừng đốn củi kiếm tiền lo cháo nuôi mẹ già, không đành nhìn mẹ già héo dần héo mòn, anh chỉ còn cách đi ăn trộm gà, vịt của dân làng. Khi bị bắt, dân làng buộc phải xử, họ trói anh vào cái trụ nằm nơi bìa rừng để chờ Bạch Hổ đến ăn thịt. Vốn là một người con có hiếu, chàng thanh niên nọ cầu xin dân làng hãy thương xót cho người mẹ già của anh vốn bị mù lòa, bệnh tật, không ai chăm sóc. Nhưng lời cầu cứu của anh rơi vào vô vọng. Thương mẹ, anh tuyệt vọng, khóc như mưa khi người làng cuối cùng rời đi.

Bỗng một cơn gió lạ từ đâu thổi đến, cỏ cây cả một vùng cúi rạp xuống đất. Chúa sơn lâm từ từ xuất hiện, bước vững chãi, bộ lông trắng muốt, anh sợ quá ngất lịm đi. Chẳng rõ bằng cách gì mà anh được mang tới đặt bên một cánh đồng trù phú. Một bá hộ trong làng đi ngang, gọi người cứu anh, thấy anh hiền lành, bèn nhận làm con nuôi. Rồi anh cũng tìm về được ngôi làng xưa, tìm ra mộ thắp cho mẹ nén nhang, lập một bàn thờ, giỗ mẹ. Từ đó, cư dân vùng này truyền tụng câu chuyện về con hổ Đá Bàn và có lẽ, đó cũng là lần đầu tiên Bạch Hổ phá lệ, cứu người. Ngày nay, bên dòng suối Nai, vẫn còn cái trụ to bằng bê tông xi măng màu trắng bên đường, từ đây có thể đi một mạch hai cây số lên Đá Bàn… Tìm về suối Đá Bàn, nghe chuyện xưa, bạn sẽ có một hành trình thú vị, độc đáo theo cách của riêng mình…

Hoàng Liên – Thu Phương

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/du-lich/qua-mien-thung-lung-son-vien-106313.html

Cùng chuyên mục