Du lịch gắng gượng trở lại – Bài 2: Đợi một mùa Hè muộn

Khi nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu du lịch được dự đoán lên ngôi ở mỗi quốc gia là du lịch nội địa. Đây cũng được xem là giải pháp cho du lịch trong nước dù hãy còn nhiều chuyện để băn khoăn.

>> Du lịch gắng gượng trở lại – Bài 1: Những con số và xu hướng

Có nhiều cơ sở để tự tin du lịch trong nước đủ sức níu chân du khách trong hoàn cảnh cả thế giới đảo lộn vì Covid-19. Thay thế cho những chuyến bay dài xuyên quốc gia, đi khắp nơi trên thế giới là những chuyến đi khám phá các cảnh đẹp trong nước, mà lâu nay vẫn được truyền thông báo chí ca ngợi rằng không thiếu.

Cảnh vắng lặng ở quầy làm thủ tục của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại ga đi trong nước, sân bay quốc tế Đà Nẵng chiều ngày 6/5/2020.

Tựa vào thị trường nội địa

Đầu tuần này, nhiều công ty du lịch, khách sạn đã đồng loạt cùng “re-opening” như một cách cần thiết để xốc lại và đi tới, dù vẫn rất băn khoăn về tương lai. Ông Đăng Khoa, chủ một khách sạn 3 sao ở Huế cho biết: “Thông báo mở cửa đón khách như kiểu khai trương lại, chứ chúng tôi vẫn… chưa có khách. Tôi thấy mọi người có ý trông đợi các gói kích cầu, giải cứu nhưng đến giờ thì chưa biết thế nào, nên không biết ngành du lịch sẽ được hỗ trợ ra sao. Việc này cần phải có sự đồng bộ của các ngành nhưng hầu như ngành nào giờ cũng ngắc ngoải, mình phải tự tính cho mình thôi. Nhưng tự tính cũng… không ra cách, nói chung vẫn phải chờ mở cửa quốc tế khi dự kiến là tháng 7 mở đường bay quốc tế, đón được khách Đông Nam Á”.

Xu hướng tất yếu là khai thác thị trường trong nước, điều này hợp lý nhưng nhiều điểm vui chơi vẫn chưa được hoạt động trở lại nên khó có khách du lịch ngay. Nếu khả quan thì có lẽ trông cậy vào lượng khách nội địa đi nghỉ cuối tuần, các khu vực có khách sạn gần các thành phố lớn sẽ tiện khai thác hơn các địa phương khác. “Hiện tại dịch vụ lưu trú chỉ chủ yếu có khách đi công tác. Khách bây giờ cũng ngại ở khách sạn trung tâm, mà chuộng ở villa hơn. Mùa lễ vừa rồi, khách tới Huế ít lưu trú tại trung tâm mà có xu hướng lưu trú nơi không gian rộng, có cảnh quan thiên nhiên. Với khách nội tỉnh, ngoài việc quay lại các điểm di tích do có chương trình mở cửa miễn vé, cũng ưa đến các khu du lịch sinh thái  và các điểm du lịch tắm suối thác khác ở quanh Huế”. Ông Khoa nói.

Tour khai thác du lịch trong ngày, trong nội thành bằng xe Honda 67, Honda Dame của Saigon tourist, một trong những đơn vị hiếm hoi dám mở tour trong dịp lễ vừa qua. Và tour cũng có tính “thời vụ”.

Lĩnh vực lưu trú là thế, với một người làm tour du lịch lâu năm, ông Huỳnh Thanh Việc, giám đốc công ty Okela, vừa thực hiện xong một việc mà khá nhiều công ty du lịch đang tiến hành trong thời gian này. Đó là liên lạc với các khách hàng cũ của công ty để hỏi thăm cũng như khảo sát thị phần của công ty bị ảnh hưởng như thế nào, từ đó đưa ra các nhận định về thị trường của mình. “Có thể khẳng định là năm nay thị trường outbound rất khó phục hồi, tích cực nhất phải đến tháng 9-10 mới hy vọng mở được các tour outbound. (outbound là chương trình tour du lịch nước ngoài tổ chức cho khách Việt Nam du lịch, inbound những tour du lịch tổ chức cho khách quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam du lịch-PV). Thị trường inbound cũng tương tự nhưng có chút khác là chính phủ Việt Nam có chấp nhận mạo hiểm cấp thị thực và đón khách quốc tế sớm hay không khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch?

 Chuyện sống còn

Không ít dân làm du lịch thâm niên đều cùng một nhận định: các công  ty du lịch, chuyên thị trường nào thì cũng sẽ trở về làm nội địa, một chiếc bánh nhỏ hơn mà nhiều người cùng giành phần thì đương nhiên cuộc chiến sẽ khốc liệt.

Một trong những điểm đến đông khách nhất, doanh thu rất tốt của Hội An – tiệm bán thức uống và một số món đặc sản Hội An, với lượng khách chính là người trong nước.

Bà Hoàng Anh – Phó phòng kinh doanh công ty du lịch Thanh Niên cho biết: “Có những nơi đã và vẫn đang là miền đất hấp dẫn du khách, thì mình vẫn khai thác tốt. Vấn đề là khai thác tuyến tour sao cho hấp dẫn. Có nhiều khoảng cách giữa tuyến tour cho người nước ngoài tham quan và khách trong nước, vì cứ nghĩ rằng khách ngoại thích chứ khách ta thì không, thí dụ trải nghiệm như Tây trong các tuyến tour nội địa… Nghĩa là những tour cho khách ngoại giờ có thể điều chỉnh cho phù hợp để chào khách nội địa. 21 năm gắn bó cùng ngành du lịch, cho tôi thẳng thắn mà nói thế này. Lâu nay chúng ta không kích thích thị trường nội địa, không có những động thái rõ rệt để khuyến khích đi du lịch trong nước là điều tuyệt vời cần thụ hưởng, không nhấn mạnh kiểu du lịch trong nước như một yếu tố khác của người Việt dùng hàng Việt. Thử nghĩ mà xem, tour Thái Lan mỗi ngày một giảm giá, trước kia tầm 7 triệu là giá trung bình, nay chỉ 4-5 triệu, lại còn được tiếng là đi nước ngoài nữa, thì tour nội địa Sài Gòn-Hà Nội làm sao có được giá này. Chỉ vé máy bay thôi cũng đã là cửa khó không vượt được rồi. Giá vé máy bay quá đắt, lượng vé kích cầu không nhiều, không có tác dụng mấy trong chuyện hạ giá tour, chưa kể thiếu sự liên kết, đồng bộ với nhau giữa nhiều đơn vị ngành nghề liên quan, các chính quyền địa phương để làm sản phẩm với giá tốt nhất. Đó là chưa nói, tour  nội địa của mình lâu nay không đa dạng, ít đổi mới. Chẳng hạn như đi Huế thì cứ sẽ Hoàng cung, chùa Thiên Mụ, thăm vài lăng vua, tối nghe ca Huế sông Hương… thế là xong. 20 năm qua vẫn thế. Huế còn quá nhiều cái để khai thác bán tour kia mà. Đây là lúc tự chuyển mình. Công ty chúng tôi đang chuẩn bị những tuyến tour trong nước theo xu hướng nhanh gọn, hoặc điểm quen hoặc điểm người ta chưa đi bao giờ, nói nôm na là xào nấu, thêm nếm gia vị, trình bày lại sản phẩm du lịch cho hấp dẫn hơn và hợp thời cuộc hơn”.

Bước chuyển mình này cũng đang được các công ty dịch vụ lữ hành ráo riết thay đổi, phù hợp với dự đoán chung. Khách du lịch sẽ đi ít hơn nhưng sẽ lựa chọn những dịch vụ chất lượng hơn và du lịch nội địa sẽ là lối thoát cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian phục hồi.

Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng vừa mở cửa hoạt động trở lại sau một thời gian dài tạm ngưng vì dịch Covid-19. Đây cũng là tình hình chung của các bảo tàng trên cả nước.

Qua đợt dịch này, không biết bao nhiêu công ty đã đang và sẽ đóng cửa. Tôi nghĩ bản thân Sở du lịch cũng phải nhìn nhận lại việc cấp phép, quản lý của mình. Đồng ý là mở theo nhu cầu thị trường nhưng thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng 8 năm trở lại đây, các công ty du lịch mọc lên như nấm mọc sau mưa đã khiến chiếc bánh du lịch vốn nhỏ và phải chia phần cho nhiều người, mà vẫn khiến nhiều người tưởng dễ ăn lao vào. Hiểu một cách tích cực nhất, thì đại dịch này là dịp thanh lọc lại vậy”. Bà Hoàng Anh nói thêm.

Một trong những tín hiệu lạc quan nhất của du lịch, có thể nhìn từ phòng mua bán ngoại tệ ở các điểm đến du lịch, khi nó hoạt động tấp nập trở lại.

Trong một diễn biến khác, Cục Hàng không VN cũng đã kiến nghị Bộ GTVT tăng tần suất trên các đường bay nội địa. Đường bay Hà Nội – TP.HCM tổng tần suất 52 chuyến bay (khứ hồi)/ngày, Hà Nội – Đà Nẵng 20 chuyến bay (khứ hồi)/ngày, TP.HCM – Đà Nẵng 20 chuyến bay (khứ hồi)/ngày. Các đường bay khác thì theo nhu cầu của hãng hàng không. Các bảo tàng trên toàn quốc lần lượt mở cửa trong tuần này, một số điểm tham quan, nhất là các khu du lịch dã ngoại cũng đang sắp sửa được mở cửa trở lại.

Mùa Hè của học trò trên cả nước năm nay đến muộn, vì niên học kết thúc muộn, dự kiến cuối tháng 7. Mùa Hè – mùa làm ăn lớn nhất trong năm của du lịch hãy còn. Hy vọng thế!

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/du-lich-gang-guong-tro-lai-bai-2-doi-mot-mua-muon/

Cùng chuyên mục