Du lịch gắng gượng trở lại – Bài 1: Những con số và xu hướng

Một trong những thời điểm đón khách lớn nhất trong năm, kỳ lễ 30/4 – 1/5 đã trôi qua trong trầm lắng với những con số đã được dự báo trước đó.

Các điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế vốn là những nơi có các tuyến tour ăn khách của du lịch nội địa, đều đã có khách trở lại, nhưng…

Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Hội An… tăng cực kỳ khiêm tốn

Thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy, dịp này, lượng khách đến Đà Nẵng là 14.224 lượt (dự kiến trước lễ là 5.800 lượt), giảm 96,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 610 lượt (là khách lưu trú trước thời điểm 28/3/2020), giảm 99,5%, khách nội địa ước đạt 13.614 lượt, giảm 94,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Hàng rong trong phố cổ Hội An.

So với số liệu trước lễ (ngày 27/4/2020), lượng khách tăng cao hơn là do xu hướng khách đi lẻ đến từ các khu vực lân cận (Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Trị…). Lượng khách tham quan khu, điểm du lịch cao hơn so với số ước lượng trước lễ do khu du lịch Bà Nà Hills có chính sách giảm giá vé từ 750.000 đồng/vé xuống còn 300.000 đồng/vé áp dụng cho cả miền Trung và Tây Nguyên nên thu hút được lượng khách tham quan vượt hơn dự tính (gấp 3 lần); khu di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn mở cửa không thu phí; phố cổ Hội An miễn phí vé vào phố cổ và nhiều điểm tham quan khác như chùa Cầu, chùa Ông, rừng dừa Bảy Mẫu…

Nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì con số này một trời một vực. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dịp lễ vừa qua, Bà Nà Hills có 10.174 lượt, giảm 90%, Ngũ Hành Sơn có 1.200 lượt, giảm 97%, bán đảo Sơn Trà, Chùa Linh Ứng là 2.500 lượt, giảm 97,2%, so với cùng kỳ 2019. Tổng lượt khách đến tham quan các khu, điểm du lịch đạt 13.924 lượt khách, giảm 95,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế đạt 550 lượt khách, giảm 99,4%, khách nội địa đạt 13.374 lượt khách, giảm 93,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Hội quán Phước Kiến, một trong những điểm tham quan đông khách nhất Hội An, vẫn chưa mở cửa đón khách tham quan.

Đang là thời gian của mùa du lịch trọng điểm nhưng theo thông tin từ Phòng VH-TT Hội An, dịp lễ vừa qua lượng khách tham quan, lưu trú tại Hội An giảm sút mạnh so với cùng kỳ do vừa mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội và lần đầu tiên, nơi này không có khách quốc tế sau nhiều năm. Trong đó, có 1.458 lượt khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) và Cù Lao Chàm, chỉ bằng khoảng 5,6% so với lượng khách mua vé các điểm tham quan tại Hội An cùng kỳ năm 2019.

Hội An cũng chỉ đón 2.906 lượt khách lưu trú (chỉ bằng 20% so với cùng kỳ), trong đó có 2.610 lượt khách nội địa. Lượng khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Đà Nẵng trong dịp này chỉ đạt 3.989 lượt khách, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách nội địa ước đạt 3.450 lượt khách, giảm 95,9% so với cùng kỳ, khách quốc tế đạt 539 lượt khách, giảm 99,3% so với cùng kỳ năm 2019 (hầu hết là khách lưu trú dài hạn từ trước).

Bờ sông Hàn, Đà Nẵng vắng vẻ trong dịp lễ vừa qua.

Ở tỉnh láng giềng bên kia đèo, cùng nằm trên con đường di sản miền Trung là Thừa Thiên-Huế, Sở du lịch cho biết, tổng lượng khách du lịch đến Huế trong 3 ngày lễ (từ 30/4 – 2/5) ước khoảng 12.500; trong đó, khách lưu trú đạt 3.600 lượt. Khách có xu hướng tham quan, quay lại các điểm di tích do đang có chính sách mở cửa miễn vé. Trước đó, trong tháng 3/2020, giảm đến 80% là do dịch bệnh, khách không còn đến Huế từ cuối tháng 3/2020.

Xu hướng tự đi trong cự ly gần

Việc ngừng giãn cách xã hội được ban hành chỉ trước dịp lễ một tuần đã khiến các đơn vị du lịch lữ hành không kịp trở tay và nhiều người có nhu cầu du lịch tìm đến với xu hướng tự đi. Khi đường hàng không còn khai thác rất hạn chế và không khả thi trong việc khai thác du lịch, xu hướng du khách tự đi và chỉ đi trong nội tỉnh hay những điểm có cự ly gần tầm 200 – 300km trở lại là xu hướng chủ yếu trong mùa lễ này.

Khách đến Huế trong dịp lễ chủ yếu từ Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh bắc miền Trung, đi theo dạng tự túc nhóm gia đình, tự lái xe. Ngược lại, khách đến Đà Nẵng, Hội An cũng khá đông người từ Huế, Quảng Trị trở vào. Phải lâu lắm rồi, ở các điểm du lịch nổi tiếng của Hội An chỉ nghe toàn giọng Quảng Nam, Đà Nẵng, hầu như vắng bóng giọng du khách từ miền Nam, miền Bắc. Cũng dễ hiểu vì sao dịp lễ vừa rồi Đà Lạt kẹt cứng xe do rất đông người dân chạy xe cá nhân, chủ yếu biển số Sài Gòn lên chơi, du khách chen chúc nhau ở chợ đêm diễn ra từ đầu kỳ nghỉ.

Thực tế sáng đèn ở các khách sạn lớn trên đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng.

Hơn nữa, các điểm đến nổi tiếng đều giảm giá hoặc miễn phí vé tham quan càng khiến du khách tự tin thực hiện hành trình du lịch nhóm, du lịch gia đình của mình, cùng với xe riêng.

Nghĩa là, dù có thêm một lượng khách ít ỏi, nhưng hầu như ngành du lịch không thu được gì. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thừa nhận với báo chí: “Dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thói quen của khách du lịch. Du khách có xu hướng ưa thích các kỳ nghỉ ngắn hạn và tập trung vào các điểm đến tại chỗ, nên đứng ở vai trò doanh nghiệp thì việc thu hút khách nội địa cũng đang hết sức mông lung”.

Bài 2: Đợi một mùa Hè muộn

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/du-lich-gang-guong-tro-lai-bai-1-nhung-con-va-xu-huong/

Cùng chuyên mục