Dịch tả heo châu Phi: TPHCM giám sát chặt nguồn heo từ khâu giết mổ tới siêu thị

Ngay sau thông tin TPHCM xuất hiện dịch tả heo châu Phi, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, chợ đầu mối đã tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát, đảm bảo sản phẩm an toàn.

TPHCM là tỉnh, thành thứ 55 trong cả nước công bố dịch tả heo châu Phi. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng đang phối hợp kiểm soát để dịch bệnh không lây lan. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua thịt heo tại một cửa hàng Vissan. 
TPHCM là tỉnh, thành thứ 55 trong cả nước công bố dịch tả heo châu Phi. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng đang phối hợp kiểm soát để dịch bệnh không lây lan. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua thịt heo tại một cửa hàng Vissan.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ cho biết, sau khi TPHCM công bố có dịch tả heo châu Phi, trong ngày 12/6 lượng heo về chợ vẫn ổn định ở mức hơn 5.200 con, sang ngày 13/6, lượng heo giảm còn 4.876 con. Heo hơi liên tục mấy ngày có giá 39.500 đồng/kg đã giảm nhẹ, xuống còn 38.000 đồng/kg.

Ông Tiển cũng cho biết, chợ đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh như tăng tần suất tiêu độc khử trùng chợ; giám sát việc tiêu độc khử trùng xe chở heo ra vào chợ; hàng hóa vào chợ được kiểm tra kỹ lưỡng, đầy đủ hóa đơn chứng từ, đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc; ngoài giờ nhập hàng (giờ nhập hàng là 0-5 giờ mỗi ngày) kiểm tra gắt gao hơn, không cho heo hay phụ phẩm heo, thịt heo đông lạnh vào chợ.

“Các biện pháp này nhằm đảm bảo nguồn hàng vào chợ an toàn, tránh việc tuồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn kinh doanh tại chợ”, ông Tiển nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, Vissan đang tăng cường kiểm soát chặt hơn nguồn heo từ các trang trại liên kết với công ty và các trang trại heo của chính Vissan. Heo về tới công ty còn được lấy mẫu kiểm tra lại một lần trước khi giết mổ đưa ra thị trường. Ông An cũng cho biết, tới nay dịch tả heo châu Phi chưa ảnh hưởng tới số lượng heo giết mổ, tình hình kinh doanh của Vissan. Mỗi ngày Vissan giết mổ 1.200-1.300 con heo, trong đó, 1/3 sản lượng giết mổ để dành cho chế biến, còn lại là kinh doanh thịt tươi sống. Song song đó, Vissan cũng đang tăng cường cấp đông dự trữ. Sản lượng dự trữ hiện nay là 2.000 tấn thịt và tiếp tục cấp đông thêm khoảng 100 con.

Thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cách đây mấy ngày, khi chưa có dịch Saigon Co.op đã đưa lực lượng quản lý chất lượng túc trực tại các điểm giết mổ tập trung lớn nhất thành phố để trực tiếp kiểm tra nguồn thịt heo. Hai ngày nay (từ chiều 11/6) công tác này được chú trọng hơn.

Theo đó, nhân sự của Saigon Co.op có mặt trực tiếp tại các điểm giết mổ để giám sát quá trình khép kín từ giết mổ đến ra thịt heo mảnh và vận chuyển bằng xe chuyên dụng về đến siêu thị. Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo 100% heo đưa vào lò giết mổ phải là heo đang còn sống khỏe mạnh, da sáng, không có biểu hiện bệnh dịch, có đeo vòng truy xuất nguồn gốc đầy đủ; heo được giết mổ trên dây chuyền đảm bảo vệ sinh, bắt buộc phải có kiểm dịch của thú y và sau đó được kiểm tra chất lượng thịt một lần nữa trước khi được làm mát, niêm phong xe và chuyển thẳng đến các siêu thị của Saigon Co.op. Thịt heo được bán tại hệ thống siêu thị là heo tươi mới mỗi ngày, không bán hàng tồn qua đêm. Đồng thời, hệ thống Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay người tiêu dùng.

Nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood…hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc, đang được nuôi tại các trang trại tập trung quy mô lớn được cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt. Hiện nay, sức tiêu thụ thịt heo của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op chưa có gì biến động, duy trì mức trung bình 40 – 50 tấn/ngày.

Hệ thống Big C cũng có nhiều biện pháp để kiểm soát đảm bảo chất lượng thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo bày bán trong hệ thống siêu thị. Cụ thể, Big C làm việc lại với nhà cung cấp; yêu cầu họ cam kết cung cấp đầy đủ hồ sơ chất lượng; đảm bảo 100% thịt heo cung ứng không có các mầm bệnh đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tự kiểm tra tăng cường tại siêu thị bằng cách gửi mẫu kiểm tra thịt heo tại Chi cục thú y vùng 6, tần suất 2 lần/tuần. Đồng thời, niêm yết đầy đủ thông tin tại quầy hàng để khách hàng hiểu. Được biết, hiện tại lượng thịt heo tiêu thụ tại Big C tăng 10-15% so với thời điểm trước khi có dịch bệnh.

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thịt heo khỏe an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, độ đàn hồi khi dùng tay nhấn vào miếng thịt tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước. Người dân nên mua thịt heo được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ ở những địa chỉ uy tín. Đồng thời nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt heo chưa được chế biến kỹ. Khi chế biến thịt heo, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái, không nên để thịt đã qua chế biến trong hơn hai tiếng đồng hồ ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt là không nên bỏ thịt vào nước đang sôi vì sẽ khiến các chất hóa học dễ dàng bị hấp thụ ngược lại vào bên trong miếng thịt.

Vũ Yến
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Cùng chuyên mục