Đến Quảng Nam để làm gì?

Đó là câu hỏi mà tôi đặt ra cho Đ., anh bạn trẻ người Quảng Nam, khi được anh mời góp ý kiến tư vấn cho một dự án kinh doanh nghỉ dưỡng có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Hội An mà Đ. sẽ phụ trách một số mảng hoạt động chính, trong đó có tiếp thị và thu hút khách hàng.

Thượng nguồn dòng sông Thu Bồn đoạn chảy qua huyện Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 75 ki lô mét và khoảng 70 phút đi bằng xe hơi.
Thượng nguồn dòng sông Thu Bồn đoạn chảy qua huyện Nông Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 75 ki lô mét và khoảng 70 phút đi bằng xe hơi.

Thành thật mà nói, tôi chưa biết nhiều về Quảng Nam và cả đời tôi cho đến nay chỉ ghé Đà Nẵng có ba lần. Lần đầu tiên cách đây 26 năm, có lẽ còn quá trẻ nên không có kỷ niệm gì sâu sắc. Lần thứ hai vào cuối năm 2012, lúc đó đi theo tour du lịch với gia đình, tôi có viết một bài báo cho biết cảm nhận của mình về Đà Nẵng với góc nhìn từ Singapore (1). Nhưng phải đến lần thứ ba cách đây chừng hai tháng, khi được Đ. dành trọn một buổi chiều chở tôi đi loanh quanh và cuối cùng ngồi lai rai ở một quán ăn bình dân thì tôi mới thấy vùng đất miền Trung này gần gũi hơn, nhất là Đ. tiết lộ một vài cơ hội hợp tác làm ăn với đối tác mới. Tôi thú thật với Đ. là tôi “rành” các tỉnh thành phía Nam và phía Bắc hơn vì trong suốt hai mươi năm qua tôi có dịp đến những nơi này thường xuyên, mỗi năm ít nhất một lần.

Đ. cho tôi xem trang web của khu nghỉ dưỡng, qua đó tôi được biết dự án mà anh sẽ tham gia được xây dựng trải dài theo bãi biển An Bàng quyến rũ – một trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á theo tạp chí Trip Advisor Asia. Ngoài những thông tin thường thấy liên quan đến khu nghỉ dưỡng như hệ thống phòng nghỉ sang trọng, căn hộ tiện nghi, biệt thự đẳng cấp, các khu giải trí đỉnh cao cùng những không gian khám phá ẩm thực ấn tượng, trang web còn cho biết thêm khá nhiều điểm đến cho khách lưu trú như phố cổ Hội An, các hội quán của người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Chùa Ông…

Theo đánh giá sơ bộ từ góc nhìn chuyên môn của một nhà tư vấn, khu nghỉ dưỡng của Đ. không chỉ là những tiện nghi bình yên thơ mộng cho du khách yêu thiên nhiên mà còn có cả những trải nghiệm nhân văn và lịch sử sâu đậm tại Quảng Nam mà Hội An là điểm nhấn.Theo nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực khách sạn và du lịch, mặc dù danh lam thắng cảnh và kỳ quan thiên nhiên hay nhân tạo vẫn luôn là những yếu tố thu hút nhưng du khách giờ đây lại muốn có nhiều trải nghiệm đa dạng trong cuộc hành trình.

Tại Singapore, một số khảo sát cho thấy du khách đã bắt đầu quay lại thường xuyên hơn và lưu trú với thời gian hơn một tuần là nhờ những trải nghiệm mang tính địa phương như tham gia một bữa học nấu ăn, tham quan những chung cư có yếu tố di sản lịch sử, khám phá những hòn đảo nhỏ hoang sơ gần đảo Sư tử…, chứ không chỉ quanh quẩn ở chốn phồn hoa đô hội như Universal Studies Singapore hay Marina Bay Sands.Các hiệp hội du lịch nói chung và các hãng lữ hành nói riêng thường chỉ quan tâm đến quyền lợi của riêng mình trong khi ngành du lịch là một hệ sinh thái rộng rãi và đa dạng đòi hỏi sự liên kết của tất cả thành viên hoạt động trong ngành.

Mới đây, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là Cục Du lịch Singapore (STB) cũng tiết lộ kế hoạch sẽ đưa thêm những tour địa phương đến một số ngóc ngách rất bản địa như các cuộc thi chim hót, chợ ướt (wet market) và dĩ nhiên là những trải nghiệm ẩm thực của du khách.STB cũng nới lỏng các yêu cầu về cấp phép cho các chuyên gia trong lĩnh vực của mình như các blogger về ẩm thực sẽ trở thành những hướng dẫn viên chuyên đề mà không cần phải có chứng chỉ hành nghề hướng dẫn viên du lịch (tour guide). Nhìn chung, chiến lược của STB sẽ là tăng cường các nỗ lực cổ động bản sắc văn hóa đặc thù của Singapore, lối sống của người dân và những di sản của đảo Sư tử.Các nhà quản lý còn có tham vọng xa hơn là trong tương lai du khách không chỉ đến tham quan và tận hưởng đặc sản ẩm thực tại một trung tâm hàng rong bình dân (hawker center) mà còn tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức và làm thế nào để duy trì mô hình kinh doanh ăn uống giá rẻ và đảm bảo vệ sinh môi trường như ở Singapore.

Tôi chia sẻ những kinh nghiệm và thông tin nói trên với Đ. và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hợp tác trong hoạt động kinh doanh khách sạn và lữ hành. Theo phát biểu của ông Wong Soon Hwa, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương Chi hội Singapore trong một cuộc hội thảo về du lịch vào tháng 4 vừa rồi, các hiệp hội du lịch nói chung và các hãng lữ hành nói riêng thường chỉ quan tâm đến quyền lợi của riêng mình trong khi ngành du lịch là một hệ sinh thái rộng rãi và đa dạng đòi hỏi sự liên kết của tất cả thành viên hoạt động trong ngành. Điều này kéo theo những quan hệ hợp tác có qua có lại, đôi khi phải nhân nhượng và trước mắt chịu thiệt thòi một chút khi cổ vũ cho thương hiệu và sản phẩm của đối tác, thậm chí đối thủ cạnh tranh, nhưng cái bánh chung của ngành khách sạn và du lịch sẽ lớn gấp nhiều lần.Một ví dụ cụ thể là điểm tham quan vừa mới khánh thành mang tên Jewel tại Nhà ga 1 sân bay Changi thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài nhưng lại trở thành nỗi lo của các đơn vị kinh doanh ẩm thực ở các nhà ga khác. Chỉ trong vòng 6 ngày trước khi chính thức khai trương, Jewel đã đón nhận có trên dưới 500.0000 khách tham quan và hậu quả là số lượng thực khách ở các nhà ga khác đã giảm rõ rệt (2). Tuy nhiên, nhìn từ bức tranh tổng thể, cạnh tranh bao giờ cũng tạo ra những tác động tích cực, theo đó các cơ sở kinh doanh bao giờ cũng sẽ nghĩ ra những giải pháp để thích ứng, tồn tại, và sẽ nảy sinh những hình thức liên kết, hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi (win-win), tức là các bên đều có lợi.

Trở lại với khu nghỉ dưỡng tại Hội An, tôi mạo muội đóng góp cho Đ. một sơ đồ tiếp thị 8P trong đó cái P đầu tiên là People (Con người) liên quan đến ba thành phần quan trọng: (1) chủ sở hữu/nhà đầu tư; (2) đội ngũ nhân viên/quản lý; (3) đối tác của khu nghỉ dưỡng (hướng dẫn viên, các hãng lữ hành, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng cư dân, tổ chức truyền thông, mạng xã hội).Cái P thứ hai – Partnership, tức là quan hệ đối tác chặt chẽ giữa ba thành phần trên đến mức độ các bên đều có cảm nhận mình chia sẻ quyền sở hữu (Proprietorship) trong hệ sinh thái du lịch. Trên cơ sở này, các đối tác sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch (Products), từ đó hình thành các gói dịch vụ (Packages) và các mức giá hợp lý (Prices).Cuối cùng, mọi nỗ lực xúc tiến/cổ động (Promotion) đều hướng đến một điểm đến chung (Place) là quần thể du lịch rộng lớn tỉnh Quảng Nam, trong đó Hội An là viên ngọc xanh lóng lánh (Jewel) cách Đà Nẵng không quá một tiếng bằng xe hơi, và cách Sài Gòn, Singapore hay nhiều thành phố châu Á khác chỉ có vài giờ bay.

Lê Hữu Huy
Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(1)http://saigondautu.com.vn/am-thuc/cam-nhan-da-nang-singapore-4706.html
(2)https://www.todayonline.com/singapore/jewel-effect-wearing-some-fb-outlets-changi-airport-say-business-has-dipped-after-initial

Cùng chuyên mục