Đầu tư cho di sản và biển

Tăng cường liên kết trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, nguồn nhân lực, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của 3 địa phương như một điểm đến hấp dẫn, độc đáo với sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt… là những mục tiêu của ngành du lịch Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam trong năm 2019.

Xác định sản phẩm du lịch biển, văn hóa là thế mạnh của 3 địa phương trong liên kết quảng bá. Ảnh: K.LINH
Xác định sản phẩm du lịch biển, văn hóa là thế mạnh của 3 địa phương trong liên kết quảng bá. Ảnh: K.LINH

Điểm đến chung

Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2018 với vai trò Trưởng liên kết 3 địa phương, Sở Du lịch Đà Nẵng đã triển khai nhiều nội dung về liên kết trong chính sách quản lý và phát triển du lịch, đặc biệt là công tác xúc tiến quảng bá. Ba địa phương đã tham gia gian hàng chung tại hội chợ VITM Hà Nội 2018 kết hợp chương trình giới thiệu du lịch Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam  tại Hà Nội; tham gia gian hàng chung tại Hội chợ ITE – HCM 2018; tham gia giới thiệu du lịch chung 3 địa phương tại lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; giới thiệu du lịch 3 địa phương tại Singapore; tổ chức các hoạt động famtrip, presstrip; phối hợp trong công tác truyền thông quảng bá… Thông qua chương trình, hình ảnh du lịch 3 địa phương đã được quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ đến các đơn vị lữ hành và du khách khắp nơi trên thế giới. “Nét nổi bật của hoạt động liên kết quảng bá du lịch thời gian qua chính là sự thể hiện ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, tiết kiệm được ngân sách cho từng địa phương. Đặc biệt, hoạt động du lịch đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, đã gắn kết được với các thị trường, doanh nghiệp và các điểm tham quan du lịch các địa phương” – ông Bình nhìn nhận.

Tại hội nghị Liên kết, hợp tác phát triển du lịch 4 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế – Hà Nội vừa diễn ra giữa tuần qua tại TP. Hội An, một số doanh nghiệp khẳng định, dù đạt được kết quả nhưng nhìn chung mối liên kết giữa các địa phương vẫn chưa sâu, giữa các doanh nghiệp chưa bền vững. Ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, cần đánh giá lại hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch giữa các địa phương, thu được bao nhiêu trên đầu khách chứ không cần khách đông. “Cần có liên kết trong xây dựng sản phẩm, bởi hiện tại các địa phương chưa có sản phẩm chung để quảng bá. Do vậy, phải có tổ nghiên cứu xây dựng sản phẩm chung cũng như hình ảnh điểm đến chung cho 3 địa phương” – ông Vân đề xuất.

Nâng cao chất lượng điểm đến

Có thể khẳng định qua 11 năm liên kết du lịch giữa 3 địa phương, hiệu quả mang lại khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế tồn tại như các địa phương mới chỉ tập trung ở hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến, còn các liên kết trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, quy hoạch du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, thanh tra du lịch… vẫn chưa như kỳ vọng. Theo ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, sự hợp tác cần tập trung vào 3 vấn đề chính gồm, chia sẻ quản lý nhà nước; các đơn vị cung cấp dịch vụ và khách du lịch, hướng đến mục tiêu liên kết hợp tác để phát triển. Trong đó, cần xác định thế mạnh 3 địa phương là biển và văn hóa, kết hợp nâng cao chất lượng điểm đến và nguồn nhân lực, đồng thời thay đổi cách quảng bá. “Nói gì thì nói kết quả cuối cùng phải là tăng trưởng số lượng, do đó công tác xúc tiến không chỉ tập trung vào quảng bá thị trường khách quốc tế, mà còn phải hướng vào khách nội địa” – ông Hải phân tích.

Dù mối liên kết du lịch giữa 3 địa phương với Hà Nội chưa lâu nhưng là cần thiết. Ngoài không xung đột về sản phẩm, thông qua mối liên kết này sẽ giúp du lịch 3 địa phương có cơ hội quảng bá đến các thị trường xa, kể cả nội vùng Hà Nội, từ đó nâng cao hiệu quả xúc tiến. Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam chia sẻ, năm 2019 với vai trò Trưởng liên kết, Quảng Nam sẽ tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính gồm: chia sẻ về cơ chế (quản lý nhà nước); công tác quảng bá và xúc tiến; sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng số lượng khách và chất lượng doanh thu từ du lịch. Khách năm sau phải cao hơn năm trước; doanh thu du lịch tăng cao, thể hiện qua mức chi tiêu bình quân của du khách cao. “Các địa phương nên có tổ tham mưu, kết nối chia sẻ cập nhật thông tin xây dựng kế hoạch, chương trình cho sản phẩm, cũng như xây dựng bản đồ du lịch cho 4 địa phương. Đặc biệt, cần xoáy vào trục di sản và biển. Từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của 3 địa phương như một điểm đến hấp dẫn, độc đáo với sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt” – ông Hồng nói.

Khánh Linh

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục