Đại dương có nguy cơ bị hủy diệt trước khi được khám phá hết

Nhân ngày Đại dương Thế giới 8/6, các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến cáo rằng con người có nguy cơ hủy diệt đại dương trước khi khám phá hết các loài sống ở vùng nước xanh.

Các đại dương được biết đến là nơi sinh sống của những sinh vật lạ lùng như sứa, cá ngựa đầy màu sắc và loài mực phát sáng.

Tình trạng axit hóa đại dương đe dọa sự tồn tại của nhiều sinh vật biển.

80% các đại dương chưa được khám phá

Brian Skerry, nhà thám hiểm đại dương, cho biết: “Những quyết định và chọn lựa mà chúng ta đưa ra hôm nay sẽ quyết định tương lai của các loài dưới nước.

Ước tính 80% các đại dương trên thế giới vẫn chưa được khám phá, với một loạt các loài chưa được con người tìm hiểu, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 8 triệu tấn nhựa được đổ vào các đại dương mỗi năm và con số này đang tăng đều đặn. Các đại dương, nơi sinh sống của các loài từ sứa đến hải cẩu và rùa đã bị đe dọa trong những năm gần đây do ô nhiễm và tình trạng đánh bắt cạn kiệt. Con người bị quy trách nhiệm cho việc khiến nhiều loài ở đại dương nay đã tuyệt chủng.

Cá heo là loài luôn chào đón con người khám phá đại dương.

Đại dương là nhà của một số động vật lớn nhất thế giới, như cá voi lưng gù. Theo National Geographic, cá voi lưng gù được tìm thấy ở khắp các đại dương. Loài này chủ yếu ăn động vật nhuyễn thể, sinh vật phù du và các loại cá nhỏ. Cá voi giao tiếp và thu hút bạn tình thông qua “bài hát rap” cất hàng giờ nghe có vẻ như chúng đang rên rỉ.

Đại dương cũng là nơi sinh sống của những loài được ghi nhận “sống từ muôn kiếp trước”, như loài sứa đã tồn tại qua khoảng 500 triệu năm và được hình thành từ 95% là nước.

Cá voi sát thủ, thuộc họ cá heo đại dương, là loài săn mồi đỉnh cao ở đại dương và không có kẻ thù tự nhiên xứng tầm nào ngoài con người.

Axit hóa đại dương

Tuy vậy, các loài cá nhỏ và cua sống trong các rạn san hô đang gặp nhiều rủi ro bởi tình trạng axit hóa đại dương. Đây là hiện tượng giảm nồng độ pH liên tục trong các đại dương trên trái đất do sự hấp thu khí CO2 mà quá trình tác động của con người thải ra khí quyển.

Axit hóa đại dương có nghĩa là bất cứ thứ gì có canxi sống trong đại dương đều đang bị xói mòn bởi nước biển. Các rạn san hô và vỏ sò và một ít tetrapod là nguồn protein cơ bản cho nhiều loài sinh vật đại dương có nguy cơ biến mất. Đây là hiệu ứng khủng khiếp,” Skerry giải thích.

Tôm hùm biến các trụ giao thông, mảnh nhựa thành nơi trú ẩn.

Hiện tại, các sinh vật biển đang cố gắng hết sức để thích nghi với đủ mọi loại rác thải mà con người ném xuống đại dương.

Người ta có thể bắt gặp các con tôm hùm biến các trụ giao thông, mảnh nhựa thành nơi trú ẩn.

Nicholas Samaras, thợ lặn, cho biết: “Đại dương đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các hoạt động của con người. Thật không may, đánh bắt quá mức, ô nhiễm, giao thông hàng hải, rác thải nhựa và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang góp phần vào sự thay đổi. Nên nhớ là các đại dương ảnh hưởng đến cả các sinh vật sống trong đó và những người sống nhờ sinh vật biển.”

Những chỉ dấu cho thấy đại dương đang bị hủy hoại càng lúc càng rõ ràng hơn, nhưng tiếc là con người chỉ nhận ra những sai lầm khi quá muộn, trừ khi chúng ta thay đổi thói quen và cách suy nghĩ. Đã đến lúc bắt đầu tôn trọng hành tinh này bằng cách ứng xử thận trọng với đại dương.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Insider

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/dai-duong-co-nguy-co-bi-huy-diet-truoc-khi-duoc-kham-pha-het/

Cùng chuyên mục