Thăm ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam

Xứ Việt có nhiều chùa chiền, nhưng chỉ Trà Vinh là nơi có nhiều chùa Khmer hệ phái Nam Tông nhất nước. Chùa Vàm Ray ở Trà Vinh những năm gần đây được nhiều người tìm đến tham quan khi có tượng Phật năm ngoài trời từng lớn nhất Việt Nam.

Trà Vinh vốn rất nhiều chùa, phần lớn là chùa của hệ phái Phật giáo nguyên thủy. Trong tổng số hơn 141 ngôi chùa ở Trà Vinh, thì Vàm Ray được xem là ngôi chùa lớn nhất xứ này.

Cổng chùa, nhìn từ trong sân chùa, luôn nổi bật và rất dễ nhìn ra vì màu vàng đặc trưng.

Tượng Phật nằm từng lớn nhất Việt Nam

Chùa Vàm Ray tọa lạc tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh). Chùa được chính thức khánh thành cách đây 10 năm, là ngôi chùa Khmer của Phật giáo nguyên thủy lớn nhất Việt Nam. Sau này, một thời gian dài chùa còn có thêm cái nhất nữa khi khánh thành pho tượng Phật nhập Niết Bàn được cho là lớn nhất xứ Việt, căn cứ vào độ dài được nhà chùa xác nhận là 54m, cao16m. Pho tượng Phật nằm sau những hàng cây trong khuôn viên rất rộng, đối diện cổng chùa. Toàn bộ bức tượng Phật được sơn màu vàng. Bên dưới, bệ đỡ là dãy nhà sinh hoạt cho các chư tăng và phật tử gần xa về lưu trú.

Nơi đây không quá đông khách tham quan, nên vị Phật nằm cũng được yên tĩnh hơn so với mức độ thăm viếng của 2 pho tượng lớn thứ 2, thứ 3 ở Việt Nam.

Pho tượng này từng được xem là tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất Việt Nam, cho đến cuối năm 2019, trước khi bị một pho tượng khác ở ngôi chùa láng giềng soán ngôi, cũng là một trong hai tỉnh có nhiều chùa Khmer nhất Nam Bộ – tỉnh Sóc Trăng. Đó là pho tượng Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời dài 63m, cao 22,5m, nặng 490 tấn, ở chùa Som Rong, xây dựng với chi phí hơn 20 tỉ đồng, được khánh thành vào cuối năm 2019.

Một góc nhìn khác của tượng Phật nằm ngoài trời từng lớn nhất Việt Nam.

Như vậy là, các kỷ lục về mức độ to lớn của tượng Phật ngoài trời có vẻ như chưa dừng lại, nếu tính từ cột mốc cách đây 60 năm với pho tượng Phật nằm ở chùa núi Tà Cú (Bình Thuận) dựng năm 1960, dài 49m, một thời gian dài từng là pho tượng lớn nhất Việt Nam. Pho tượng này giữ kỷ lục được nửa thế kỷ, mãi đến năm 2010, tượng Phật nằm chùa Hội Khánh, Bình Dương, dài 52m, được xác lập kỷ lục Guiness là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Ngay sau đó, năm 2011, tượng Phật nằm ở chùa Vàm Ray, đã đoạt được vị trí “quán quân” vì dài hơn 2m. Kỷ lục này được giữ trong 8 năm trước khi nhường ngôi cho pho tượng chùa Som Rong.

Sân chùa Vàm Ray và ngôi chánh điện.

Thực tế, chùa không phải là “địa điểm du lịch thịnh hành” nên tượng Phật cũng ít người chiêm bái hơn so với hai pho tượng từng giữ danh hiệu lớn nhất Việt Nam ở Tà Cú và Bình Dương. Có lẽ vì thế mà khi đến đây, người ta không có cảm giác choáng ngợp với kỷ lục vốn có của tượng, chỉ thấy một cảm giác bình yên, khi ngắm pho tượng nằm im lìm sau những hàng cây, quay lưng ra cánh đồng, bao quanh là những thảm cỏ, hoa dại quanh sân chùa luôn có những chú bò lơ ngơ gặm cỏ. Sân chùa bình yên với đám con nít chung quanh vào đạp xe chạy loanh quanh, thường xuyên lấy sân chùa là nơi tụ tập ngày hè. Người dân quanh làng có việc hay không vẫn siêng lên chùa chào thăm nhau, gửi thức ăn cúng dường hay phụ những việc lặt vặt cho nhà chùa.

 Tượng Phật ngoài trời to lớn ấy vì thế trông cũng “dân dã” bình yên giữa làng quê  hơn.

Trẻ em quanh khu vực chùa Vàm Ray thường chọn đây là nơi để đến vui chơi mỗi ngày.

Ngôi chùa Nam tông lớn nhất xứ Việt

Thực ra, không chỉ gây ấn tượng về độ to lớn của chùa và tượng, chùa Vàm Ray còn ấn tượng với chánh điện sơn son thiếp vàng lộng lẫy như cung điện vàng son với các hoa văn, họa tiết được chạm trổ và điêu khắc tỉ mỉ. Bất cứ nơi đâu cũng thấy tràn ngập một màu vàng lấp lánh, từ mái vòm, tường, cột trụ cho đến các bức phù điêu, tượng thần 4 mặt. Tất cả được sơn son thiếp vàng nên công trình gợi nhớ hoàng cung hay các ngôi chùa ở nước bạn láng giềng Thái Lan, Lào, Campuchia…

Toàn cảnh chánh điện ngôi chùa Vàm Ray, quay về hướng Đông như các ngôi chùa Khmer của Phật giáo nguyên thủy.

Chánh điện chùa quay về hướng Đông như bao ngôi chùa Phật giáo nguyên thủy khác trên vùng đất Nam bộ. Xung quanh chánh điện được bao bọc bởi một hàng rào trang trí bằng những tượng chằn mặt mày dữ tợn, mặc áo giáp với dáng ngồi bảo vệ ngôi chùa. Và đây là những tượng duy nhất không sơn màu vàng. Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Vàm Ray thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit…

Nét kiến trúc lộng lẫy của chùa Vàm Ray.
Một nhà sư vừa đi khất thực xong trở về chùa.

Giữa không gian đồng quê đầy cây xanh, ngôi chùa như một công trình kiến trúc độc đáo và nổi bật vì màu vàng được sơn phủ toàn bộ từ cổng chùa đến các hàng rào, tường… Một ấn tượng khác ở chùa là sự khéo tay của các vị sư. Bên hông chùa có khá nhiều bức tượng điêu khắc bằng gỗ với nhiều hình thù sinh động mà các vị sư trong chùa tự tay đục đẽo rất khéo léo.

Một trong những tác phẩm của các nhà sư được đặt bên hông chùa.
Một góc sau sân chùa, nơi ở của các vị sư.

Đường đến chùa

Từ Sài Gòn, theo quốc lộ 1 đến Cần Thơ, từ thành phố Cần Thơ có nhiều đường đi đến chùa Vàm Ray. Đường đi phổ biến là qua quốc lộ 1A đến bến xe Vĩnh Long rẽ vào quốc lộ 53 đi Trà Vinh. Còn có tuyến theo quốc lộ 54 từ Bình Minh đi Trà Ôn – Tam Bình (Vĩnh Long) rồi qua thành phố Trà Vinh đi tiếp Trà Cú. Gần đây, thêm đường Nam sông Hậu đã đưa vào sử dụng, nhiều người chọn cung đường này để đến chùa Vàm Ray.

Người Việt gốc Khmer ở miền Tây Nam bộ theo tục hỏa táng. Các chùa lớn của Phật giáo nguyên thủy ở miền Tây thường có nhà hỏa táng riêng. Đây là nhà hỏa táng trong khuôn viên chùa Vàm Ray, cũng là một trong những nơi kích thích sự tò mò của khách từ xa đến.

Cụ thể hơn, từ thành phố Trà Vinh, đi theo quốc lộ 54 – cũng là đường đi chùa Hang, đến Tập Sơn rẽ trái, vào quốc lộ 53 đi Trà Cú. Đi quá Trà Cú chừng 3km, qua cầu Hàm Giang, rẽ phải vào đường nhỏ rải nhựa vào chùa Vàm Ray. Từ  trung tâm thành phố Trà Vinh đến đây chừng hơn 30km.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tham-ngoi-chua-khmer-lon-nhat-viet-nam/

Cùng chuyên mục