Công viên Tao Đàn – vườn thượng uyển của Sài Gòn xưa

Tao Đàn không chỉ là nơi hội tụ cây xanh mà còn mang nhiều dấu tích lịch sử Sài Gòn xuyên 3 thế kỷ.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, Công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM) rộng hơn 90.000 m2 có thể coi là Central Park của cả Sài Gòn xưa và nay. Trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1959, đây là “vườn thượng uyển” của Gia Định Thành, nơi ở của gia đình Tổng trấn Lê Văn Duyệt – được nhiều người Âu Mỹ cùng thời gọi là Phó Vương (Vice Roy) vì cai quản cả miền Nam.

Công viên Tao Đàn thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
Công viên Tao Đàn thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Ngôi vườn có tên dân gian là Vườn Ông Thượng, nằm ở phía Tây bên ngoài tường thành Bát Quái (1790-1838). Khuôn viên vườn rất lớn, bao gồm cả Dinh Thống Nhất (khoảng 12.000 m2) ngày nay, tiếp giáp với chợ Cây Da Còm (nền đất thư viện Tổng hợp và TAND thành phố) và Chợ Đũi (nền đất khu giao lộ Ngã sáu Phù Đổng).

Trong vườn, ngoài tư thất của quan Tổng trấn còn có vườn hoa kiểng và rạp hát bội. Nhưng sau khi Lê Văn Duyệt mất và khởi nghĩa Lê Văn Khôi thất bại, khu Vườn Ông Thượng cùng với Thành Bát Quái đã bị vua Minh Mạng phá bỏ.

Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, sở dĩ có tên Vườn Ông Thượng vì trong vườn, ngoài tư thất, Thượng công Lê Văn Duyệt còn cho làm vườn hoa kiểng và một rạp hát bội.

Tuy nhiên, theo tác giả Trần Nhật Vy trong cuốn Sài Gòn chốn chốn rong chơi, nguồn gốc tên vườn Ông Thượng không liên quan đến Tả quân Lê Văn Duyệt. Rất có thể tên này xuất phát từ khi dinh Độc Lập xây cất xong thành dinh Thống đốc Nam Kỳ và vườn Ông Thượng trở thành khu vườn sau dinh.

Công viên Tao Đàn trước năm 1975. Ảnh tư liệu.
Công viên Tao Đàn trước năm 1975. Ảnh tư liệu.

Xưa, dân gian quen gọi nơi cư ngụ hoặc làm việc của các quan lớn là “ông thượng” hay “quan thượng”. Vườn Ông Thượng do đó không hàm ý nhắc đến một ông quan cụ thể nào mà chỉ là cách nói trỏng, nói xách mé của dân gian về khu vườn của riêng các quan.

Sau khi chiếm được Sài Gòn, một phần Vườn Ông Thượng được người Pháp lấy làm nơi đặt Dinh Chính Phủ (xây dựng 1868-1871), về sau mang tên Dinh Norodom. Phần còn lại được quy hoạch và xây thành Jardin de la Ville (Công viên thành phố). Đây cũng là vườn hoa công cộng đầu tiên cho người Sài Gòn. Ngăn cách hai phần này là con đường Poulo Condor (Côn Đảo), được xây dựng năm 1869, về sau đổi tên là Miss Cawell (nay là Huyền Trân Công Chúa).

Từ năm 1922 đến 1955, công viên thành phố mang tên luật sư Maurice Long – từng làm bộ trưởng và có lúc là Toàn quyền Đông Dương (1920-1922). Tuy nhiên, người dân Sài Gòn vẫn gọi bằng cái tên dân dã Vườn Ông Thượng, hoặc Vườn Bờ Rô (có thể xuất phát từ tiếng Pháp Preau là “sân lát gạch”).

Dần dần, một số lô đất lớn giáp mặt tiền của Vườn Ông Thượng được tách ra để làm công trình công cộng như trụ sở Hội Hiếu Nhạc xây năm 1896 (nay là Nhạc viện); Câu lạc bộ thể thao Người Sài Gòn xây năm 1902 (nay là Cung văn hóa Lao động); Viện Dục Nhi xây năm 1926 (nay là Sở Y tế), Hội Kỵ Mã (nay là Nhà thi đấu Nguyễn Du)…

Sau năm 1954, người Pháp rút lui hoàn toàn, Dinh Toàn quyền trở thành Phủ Tổng thống. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng thay đổi một loạt tên đường, công viên, công trình công cộng. Công viên Maurice Long đổi sang Công viên Tao Đàn (tên tổ chức xướng họa thi ca của Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15).

Công viên Tao Đàn ngày nay là địa điểm xanh của TP. HCM và là nơi tổ chức Hội hoa xuân lớn nhất TP. HCM mỗi dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Trần.
Công viên Tao Đàn ngày nay là địa điểm xanh của TP. HCM và là nơi tổ chức Hội hoa xuân lớn nhất TP. HCM mỗi dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bốn con đường xung quanh cũng đổi tên thành đường Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Du. Viện Dục nhi được dùng làm Bộ Y tế thời Việt Nam Cộng hoà và hội Hồng Thập Tự. Vườn vẫn giữ là công viên chính của thành phố.

Trong Công viên Tao Đàn, cho đến trước năm 1975, có thêm một trường tiểu học nhỏ, không xây rào ngăn cách. Công viên có thêm nhiều cây xanh, vòi phun nước, nhà chòi, sân chơi. Nơi đây là chỗ nghỉ ngơi và vui chơi thanh lịch của thanh niên, người già, trẻ em và là nơi sinh hoạt ngoài trời của tổ chức Hướng Đạo.

Sau tháng 4/1975, công viên Tao Đàn có lúc đổi tên thành Công viên thiếu nhi thành phố nhưng rồi lại trở về tên cũ, tiếp tục là Công viên Văn hóa Tao Đàn cho đến nay. Từ năm 1985, công viên là nơi đầu tiên mở sân khấu ca nhạc ngoài trời phục vụ người dân thành phố.

Hiện, Công viên Tao Đàn là địa điểm xanh quen thuộc cho người dân đến ngắm cảnh, đi dạo, chơi thể thao, tham gia các hoạt động mỹ thuật, giải trí. Đây cũng là nơi tổ chức Hội hoa xuân lớn nhất TP. HCM vào mỗi dịp Tết với hàng nghìn kỳ hoa dị thảo từ mọi miền đất nước tụ hội.

Bên trong vườn Tao Đàn còn có một khu mộ cổ, theo Sở Văn hóa Thể thao, mộ cổ họ Lâm được xây dựng năm Ất Tỵ (1895) và là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và di tích kiến trúc đẹp còn lại ở TP. HCM.

Trong khi đó các nhà khảo cổ học cho rằng, theo truyền tụng, đây là mộ ông Lâm Tam Lang, người gốc Quảng Đông tự “Nguyên thất” mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và vợ Mai Thị Xã. Hậu duệ đời thứ tư của ông Lang là cụ Lâm Quang Ky, Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Phó lãnh binh là người đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo.

Ngày 10/4/2014, UBND thành phố công nhận mộ cổ họ Lâm là di tích lịch sử cấp thành phố để gìn giữ, bảo tồn. Cùng với việc xếp hạng, thành phố nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ; trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở khu vực di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch thành phố.

Trung Sơn

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục