Độc đáo rượu chiết từ cây tr’đin của người Cơ Tu

Với người Cơ Tu ở vùng núi tỉnh Quảng Nam, rượu tr’đin không thể thiếu trong những dịp họp làng, lễ hội, mừng gươl mới…, hay tiếp khách quý.

Nó phổ biến đến mức, người ta coi nó như là “thức uống” tăng phần hứng khởi, giúp công việc vào guồng nhanh hơn, năng suất cao hơn.

Rượu tr’đin có màu đùng đục

Điều thú vị là rượu tr’đin không nấu theo cách thông thường, mà nó được lấy từ thân cây tr’đin, vốn nằm trên các dãy núi cao.

Chúng ta thử theo chân Alăng Zênh và Alăng Tên lên ngọn núi cao thuộc thôn A Rầng 1, xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam… “nấu” rượu.

Từ nơi Alăng Zênh và Alăng Tên lấy rượu tr’đin, nhìn xuống thôn A Rầng 1 chỉ còn bé tí
Trên đỉnh núi, bên cạnh khe suối, sừng sững mấy cây tr’đin cao vút. Với sự hỗ trợ của Alăng Tên, trên chiếc thang dài khoảng 3m, Alăng Zênh tiến dần về phía ngọn tr’đin để lấy rượu. Việc lấy rượu tr’đin đôi khi rất nguy hiểm
Alăng Zênh dùng mũi rựa rạch mấy đường quanh thân cây tr’đin. Trước đó, anh cứa một đường tròn phía dưới, dùng vỏ cây làm phễu để dẫn nước từ thân cây tr’đin vào can nhựa
Theo Alăng Tên, cây tr’đin từ 6 năm tuổi là có thể lấy rượu. Trung bình mỗi ngày một cây tr’đin có thể cho từ 2-3 lít rượu. Đôi khi, công việc trở nên dễ dàng hơn đối với những cây tr’đin sát mặt đất
Già làng Pơloong Jim cho biết sau khi lấy nước từ thân cây tr’đin về thì phải ngâm với 1 loại vỏ cây rừng mới được gọi là rượu. Vỏ cây này giúp rượu tr’đin thêm vị chát, chua và ngon hơn. Đồng thời, thời gian bảo quản được kéo dài hơn
Với người Cơ Tu, rượu tr’đin hiện diện nhiều trong đời sống của họ. Rượu tr’đin cũng thường được họ dùng để tiếp khách quý từ dưới xuôi lên
Những ly, chén đầy tr’đin trong ngày mừng gươl mới của người dân thôn Ganil, xã A Xan

An Vĩnh

Cùng chuyên mục