Cảnh báo hơn 1 tỷ người phải di cư vì biến đổi khí hậu trước năm 2050

Theo một phân tích mới đây về các mối đe dọa sinh thái toàn cầu, tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng, thiếu hụt thực phẩm và nguồn nước và gia tăng thảm họa thiên nhiên có thể dẫn đến hệ lụy là hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sẽ phải di cư trước năm 2050.

Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) vừa công bố báo cáo về tám mối đe dọa sinh thái và dự đoán những quốc gia và khu vực nào sẽ gánh chịu rủi ro.

hon-1-ty-dan-phai-di-cu-vi-bien-doi-khi-hau
Thiếu hụt nguồn nước sạch và thực phẩm là nguyên do khiến người ta phải di cư

Nước giàu, nước nghèo đều bị tác động

Với dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên gần 10 tỷ người vào năm 2050 khiến gia tăng sự tranh giành tài nguyên và thúc đẩy xung đột, nghiên cứu cho thấy có khả năng 1,2 tỷ người sống ở các khu vực dễ bị tổn thương ở khu vực châu Phi cận Sahara, Trung Á và vùng Trung Đông, buộc phải di cư vào năm 2050. Để so sánh, các yếu tố sinh thái và xung đột được ghi nhận là nguyên do khiến 30 triệu người phải di cư vào năm 2019, báo cáo cho biết.

Ông Steve Killelea, người sáng lập IEP cho biết: “Điều này sẽ có những tác động xã hội và chính trị to lớn, không chỉ ở các nước nghèo mà còn ở các quốc gia phát triển, vì sự di cư ồ ạt sẽ dẫn đến dòng người tỵ nạn lớn hơn nhắm đến các nước phát triển.”

Báo cáo nêu trên chia các mối đe dọa thành hai nguyên do chính của tình trạng dư cư: Một là do mất an ninh lương thực, khan hiếm nước và gia tăng dân số. Hai là tác động của các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy, mực nước biển dâng cao và nhiệt độ tăng ở các nơi khác.

Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá những mối đe dọa mà mỗi nước trong số khoảng 150 quốc gia phải đối mặt và khả năng chống chọi với chúng.

hon-1-ty-dan-phai-di-cu-vi-bien-doi-khi-hau
Dòng người di cư chủ yếu nhắm đến các nước phát triển ở phương Tây

Nguồn nước ngọt ít hơn 60% so với 50 năm trước

Trong khi một số nước, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, bị đe dọa nhiều nhất bởi tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch trong những thập kỷ tới, những quốc gia khác như Pakistan, Iran, Mozambique, Kenya và Madagascar phải đối mặt với nhiều mối đe dọa cùng lúc, cũng như khả năng ứng phó kém cỏi của chính quyền.

Bản phân tích dài 90 trang cho biết thêm, những quốc gia hiện đang ổn định nhưng có mức độ tiếp xúc cao với các mối đe dọa sinh thái được cảnh báo có nguy cơ sụp đổ cao hơn trong tương lai. Thế giới hiện có nguồn nước ngọt ít hơn 60% so với 50 năm trước, trong khi nhu cầu thực phẩm được dự báo sẽ tăng 50% trong 30 năm tới, phần lớn là do sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở châu Á.

Những yếu tố đó, kết hợp với thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều do tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, có nghĩa là ngay cả các nước đang trong tình trạng ổn định cũng sẽ dễ bị tổn thương trước năm 2050. IEP cho biết họ hy vọng bản đánh giá nêu trên sẽ định hình các chính sách viện trợ và phát triển, đặt trọng tâm vàocác tác động liên quan đến biến đổi khí hậu.

hon-1-ty-dan-phai-di-cu-vi-bien-doi-khi-hau
Thảm họa cháy rừng ở Úc để lại nhiều hệ lụy cho con người và động vât

Theo Trung tâm Giám sát Di cư Quốc tế, thời tiết khắc nghiệt cùng với xung đột chính trị và các thảm họa tự nhiên sẽ khiến hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong những năm tới. Ước tính cứ khoảng 5 người di cư thì có bốn người sẽ đến tỵnạn ở một nước láng giềng. Pakistan, quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng nước và cũng phải đối mặt với lũ lụt và thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực, là quốc gia có dân số lớn nhất có nguy cơ di cư, tiếp theo là Ethiopia và Iran. Haiti đối mặt với mối đe dọa cao nhất ở Trung Mỹ.
Hơn 1% nhân loại hiện đã phải di cư, theo cơ quan tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc. Cơ quan này kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cần hành động nhiều hơn nữa và có sự hợp tác toàn cầu khẩn cấp để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng và ngăn làn sóng di cư đang có chiều hướng gia tăng.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Channel News Asia

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/canh-bao-hon-1-ty-nguoi-phai-di-cu-vi-bien-doi-khi-hau-truoc-nam-2050/

Cùng chuyên mục