Bác sĩ Võ Xuân Sơn: ‘Việc hạn chế lây bệnh liên quan đến vệ sinh, phải do người dân ý thức được’

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bắt đầu quan tâm đến tình hình y tế cộng đồng tại Việt Nam. Bác sĩ Võ Xuân Sơn ở Sài Gòn chia sẻ góc nhìn của ông về y tế cộng đồng, tác động của bệnh dịch đến thói quen và ý thức bảo vệ mình của người dân.

Việt Nam được ghi nhận có những “thành quả” bước đầu trong việc chống Covid-19, trong lúc lâu nay có ý kiến cho rằng y học cộng đồng Việt Nam chưa phát triển, còn nhiều khoảng cách so với các nước. Bác sĩ lý giải thế nào về chuyện này?

Tôi không làm trong lĩnh vực y tế cộng đồng, nên tôi không thể nói y tế cộng đồng của Việt Nam có cách biệt gì so với y tế cộng đồng của các nước hay không.

Tuy nhiên, y tế cộng đồng liên quan chặt chẽ với thống kê, với nghiên cứu khoa học… Mà về mặt này thì nói thật, Việt Nam trước đây khá yếu so với các nước. Vì yếu về mặt này, nên Việt Nam có rất ít báo cáo khoa học được các tạp chí chuyên ngành có uy tín của thế giới đăng tải. Khả năng thống kê, và viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành của các bác sĩ Việt Nam mới được cải thiện trong vài năm gần đây, trong đó phải kể đến công lao rất lớn của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc.

Nếu xét trên góc độ nghiên cứu, thì rõ ràng y học cộng đồng Việt Nam còn chưa phát triển bằng, thậm chí là kém khá xa, so với y học cộng đồng của các nước phát triển. Tuy nhiên, những gì mà Việt Nam trình diễn trong mấy tháng qua, trong đại dịch Covid-19, cho thấy một bộ mặt khác của y học cộng đồng của Việt Nam.

Rất khó để lý giải về việc Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 lan tràn trong nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù là người hoài nghi nhất, chúng ta cũng phải đồng ý, rằng các bước đi trong công tác chống dịch của Việt Nam, cho đến giờ này, là đúng đắn và phù hợp, không mang yếu tố ngẫu nhiên mà thực sự là chủ động. Do vậy, nếu xét trên góc độ hiệu quả, thì riêng đối với dịch Covid-19 lần này, y học cộng đồng của Việt Nam rất hiệu quả.

bac-si-Vo-Xuan-Son

Nhưng công tâm mà nói, thì thành công bước đầu trong chống dịch của Việt Nam không hoàn toàn do hệ thống y tế công cộng của Việt Nam.

Hệ thống truyền thông nhà nước cũng góp công không nhỏ trong những thành công bước đầu của việc chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc bộ máy truyền thông phổ biến các sáng tác và lan truyền các bài hát chống dịch, tuyên truyền các biện pháp chống dịch… đã đạt hiệu quả rất cao.

Từ góc độ chuyên môn, tôi thấy một trong các yếu tố để đánh giá sự phát triển của y tế công cộng, là sự phổ biến của một số loại bệnh liên quan đến vệ sinh, như giun sán, nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng, các bệnh lây truyền qua ăn uống như tiêu chảy, lỵ… Đó là những loại bệnh còn khá phổ biến ở Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, ý thức về tự do cá nhân của người châu Á nhìn chung thì không mạnh mẽ được như người Âu Mỹ. Do vậy, người dân dễ dàng chấp nhận các biện pháp hạn chế tự do đi lại, tự do giải trí… Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến các thành công bước đầu trong chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Phải chăng những bệnh dịch như Covid-19 tuy đem lại nhiều tổn thất nhân mạng, nhưng nếu nhìn tích cực, thì cũng khiến người ta có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, thưa ông?   

Theo tôi, bệnh dịch lần này cũng là dịp để y tế công cộng giúp người dân tạo ra một thói quen vệ sinh mới trong ngăn ngừa dịch bệnh. Các hướng dẫn về rửa tay, vệ sinh ăn uống trong mùa dịch đã góp phần hình thành một thói quen mới trong một bộ phận người dân.

Trên thực tế, việc hạn chế lây nhiễm các bệnh liên quan đến vệ sinh, phải do chính người dân tự ý thức được, để họ từng bước thay đổi thói quen. Nếu bộ máy truyền thông của Việt Nam mà vào cuộc như trong vụ dịch Covid-19 đang diễn ra, thì tôi tin là tỷ lệ những căn bệnh loại này ở Việt Nam sẽ giảm.

bac-si-Vo-Xuan-Son

Gần đây truyền thông Việt Nam nói nhiều đến việc các bác sĩ, chuyên gia Việt Nam đang nghiên cứu, thử nghiệm vaccine ngừa bệnh Covid-19. Bác sĩ đánh giá cơ hội sản xuất vaccine ngừa Covid-19 “made in Vietnam” thế nào?

Tôi không biết khả năng ra đời một vaccine made in Vietnam ra sao, nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có một vaccine nào đó ra đời trong vòng vài tháng tới, để chúng ta có thể khống chế được đại dịch này.

Tất nhiên, nếu so với Mỹ và các nước phát triển thì khả năng nghiên cứu, phát minh, các điều kiện về cơ sở vật chất và truyền thống, kinh nghiệm… của Việt Nam trong việc chế tạo vaccine không thể nào bằng. Tuy nhiên, do ít bị bó buộc bởi các tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn rất khắt khe về đạo đức, khả năng thành công trong việc chế tạo ra vaccine sớm của Việt Nam vẫn là một khả năng có thật.

Hy vọng sau đại dịch lần này, y tế Việt Nam được đánh giá cao hơn. Và bản thân ngành y có động lực để phát triển tốt hơn.

Dịch bệnh Covid-19 được cho là đem lại những thay đổi cho người dân liên quan đến quy định giãn cách xã hội. Trong số đó, báo chí đề cập về ý tưởng triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa đến xã phường, quận huyện. Từ góc nhìn của một bác sĩ, ông thấy ý tưởng này khả thi đến đâu?

Tôi tin là sự thật trong vụ này là hội chẩn từ xa, chứ chắc chắn không thể nói là khám chữa bệnh từ xa. Từ mấy ngàn năm nay, ngành y đều phải khám bệnh thông qua nhìn, sờ, gõ, nghe. Nếu có các biện pháp thăm dò nào thì cũng phải trực tiếp trên người bệnh, ngoại trừ cái vụ cột chỉ bắt mạch của các thái y thời xưa. Chẳng ai thẩm định được các thái y ấy thấy được cái gì khi cầm mấy sợi chỉ lòng thòng ấy.

Nếu có khám bệnh từ xa, thì cũng phải có bác sĩ tại chỗ khám, rồi báo cáo lại, cho bác sĩ từ xa. Mà đó là bác sĩ từ xa phải biết rõ khả năng của bác sĩ tại chỗ, mới dám tin vào đó, để đưa ra ý kiến. Chụp chiếu, siêu âm, nội soi… thì làm sao để thực hiện từ xa có lẽ còn lâu con người mới làm được. Còn điều trị thì cho thuốc còn có thể, chứ làm phẫu thuật, thủ thuật, thì không biết từ xa làm sao mà làm?

bac-si-Vo-Xuan-Son

Được biết bác sĩ là người khởi xướng chương trình văn nghệ Dĩa Cơm Trên Tường để gây quỹ đem lại bữa ăn cho bệnh nhân nghèo. Ông quan niệm thế nào về làm việc từ thiện?

Thay cho câu trả lời, tôi muốn kể lại câu chuyện của chính mình. Tôi là một người may mắn. Tuy có một vài lần không có gì để ăn trong một thời gian ngắn, nhưng cuộc đời tôi chưa bao giờ thực sự bị đói. Vì vậy, tôi không biết cái cảm giác túng quẫn, hoặc bị xúc phạm khi phải đi xin ăn.

Nhưng có một người đã vì tôi mà đói, và suýt nữa thì chết đói. Đó là ba tôi. Có những câu chuyện về ông mà tôi chưa bao giờ kể lại, một phần cũng bởi vì tôi không biết về nó thật rõ ràng.

Tôi không biết tại sao, khoảng cuối 1957, đầu 1958, ba tôi bỏ hết tất cả, chức vụ, lương cao… và đi vào rừng, làm một người chăn vịt ở chân Núi Thắm, Phú Thọ. Sau khi lấy mẹ tôi, và có bầu tôi, ba mẹ tôi đã quyết định về làm việc tại Nông trường Cửu Long ở Lương Sơn, Hòa bình. Đó là nông trường gồm những người miền Nam tập kết.

Không biết tại sao mà khi tôi được 6 tháng, ba tôi quyết định về Hà Nội kiếm công việc làm ăn. Mẹ tôi và tôi được tạm thời đưa về nhà ông ngoại tôi, để ba tôi kiếm công việc và chỗ ở. Theo câu chuyện mà sau này tôi nghe lóm được, lúc đó, ba tôi về Hà Nội không có nhà ở, không có việc làm, và không có tiền. Ban ngày thì đi xin việc, tối lại ra vườn hoa Hàng Đậu ngủ. Mấy đêm liền như vậy. Ba tôi đói lắm, nhưng nhất quyết không đi xin ăn.

Tối hôm đó, ba tôi đang nằm trên ghế đá, thì một cụ già râu tóc bạc, phong thái khá khỏe mạnh đi đến, hỏi ba tôi: “Miền Nam tập kết phải không?”. Ba tôi ngồi dậy và nói: “Dạ phải”. Ông cụ lại hỏi thêm: “Đói lắm phải không?”. Ba tôi còn chưa biết trả lời sao, thì ông cụ móc cho ba tôi tiền. Ba tôi không nhận, ông cụ nói” “Thôi cầm đi, đừng sĩ diện nữa. Đi ra ăn tô phở đi”. Tôi không nhớ là bao nhiêu tiền, nhưng đủ cho ba tôi được vài bữa ăn tằn tiện.

Sau hôm đấy, nhờ sự giúp đỡ (có pha chút mê tín) của một Hoa kiều, ba tôi may mắn tìm được nhà, ngay cạnh vườn hoa Hàng Đậu. Mẹ tôi tráng bánh cuốn bán vỉa hè, trong khi ba tôi đi học nghề sửa xe hơi. Sau đó, ba tôi mở garage sửa xe hơi, và trong một thời gian ngắn, ba tôi trở thành một trong các thợ sửa xe hơi nổi tiếng của Hà nội, với cái tên Đào Ba.

bac-si-Vo-Xuan-Son

Ba tôi cố ý tìm ông cụ kia nhưng không gặp lại, dù nhà tôi ở ngay bên cạnh vườn hoa Hàng Đậu. Mãi đến khoảng năm 1967, trong một lần đi công tác tại Hà Nội (khi đó nhà tôi ở Phú Thọ), ba tôi ra vườn hoa Hàng Đậu, và tình cờ gặp ông. Ông cụ biết ba tôi là ai, còn biết cả tôi hồi nhỏ thích ăn lạc rang của một ông cụ bán lạc rang mù. Nhưng ông không cho biết ông là ai, ở đâu. Và đó là lần cuối cùng ba tôi gặp ông cụ ấy.

Tôi không gần ba tôi nhiều lắm, tôi rất ít khi được nghe ba tôi kể những câu chuyện như vậy, thường thì nghe lóm khi ba tôi nói chuyện với bạn bè. Nhưng câu chuyện của ba tôi cứ theo tôi hoài, cho đến khi tôi quyết định làm một công việc mang tính từ thiện.

Tôi quan niệm, thà mình đừng cho ai cái gì, chứ đã cho, thì phải cho cái mà mình dùng được, ăn được, không phải của thừa, không phải thứ bỏ đi. Và đầu tiên nhất, mình phải trân trọng người ta, không bao giờ đặt mình ở vị trí đứng trên người ta. Có thể hôm nay người ta sa cơ. Ngày mai biết đâu người ta lại có thể cứu giúp bao nhiêu người, thậm chí, cứu giúp ngay cả bản thân mình nữa thì sao?

Tiến sĩ – bác sĩ Võ Xuân Sơn công tác tại Phòng khám quốc tế EXSON ở Sài Gòn.

Kể từ năm 1998, bác sĩ Xuân Sơn đã quyết định đi sâu vào chuyên ngành Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống, với mục tiêu tiếp cận với những thành tựu đỉnh cao của phẫu thuật cột sống – tủy sống trên thế giới. Ông đã tu nghiệp nhiều lần ở các bệnh viện lớn và các trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc…

Thiệu Kiệt (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục