Nguyễn Thị Thanh Thúy – Từ nhà ra hội quán

Đây là người phụ nữ không xa lạ với nhiều chị em, nhất là những chị em chung tay làm những công việc cộng đồng, thiện nguyện. Báo chí thì viết về chị như một người dám bỏ công việc thu nhập tốt để đi “vác tù và hàng tổng” từ hơn chục năm qua và luôn mặc áo dài.

Chị là Nguyễn Thị Thanh Thúy, đồng sáng lập, chủ nhiệm Hội quán Các bà mẹ – một hội quán có tuổi đời 13 năm, luôn tổ chức những hoạt động bổ ích dành cho bà mẹ và nỗ lực đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện.

Trong lần trò chuyện này với Thanh Thúy, chị đã cho thấy những cá tính riêng thú vị khác.

nguyen-thi-thanh-thuy
Nguyễn Thị Thanh Thúy trong hoạt động của Hội quán Các bà mẹ.

Xin hỏi thẳng là trong các hoạt động của Hội quán Các bà mẹ, có cái nào thất bại hoặc phải tạm ngưng không?

Chuyện thất bại là có chớ, các thành viên trong hội quán vẫn cho phép mình làm 7 thành công 3 thất bại (theo lý thuyết là 8 – 2).

Thí dụ như hội quán dừng chuyện cấp học bổng cho đối tượng sinh viên, có lẽ do chủ quan mỗi lần chọn đối tượng chưa thật sự thuyết phục được các thành viên. Hội quán quyết định tập trung “Học bổng giúp em đi học” cho trẻ em nhiều hơn.

Phụ nữ gặp nhau nhiều âu cũng vui, nhưng cũng dễ sinh… nhiều chuyện. Làm thế nào để duy trì kết nối tốt mà không bị nhiều “nạn nhiều chuyện” dễ sinh ra nhiều bất tiện khác trong một hội quán toàn các chị em?

Đây là việc khó. Rất may, hội quán có các vị cố vấn chuyên môn đều có tình lớn, ai nấy cũng thương cho việc chung. Tôi thực hiện đúng nhiệm vụ kết nối, chia sẻ ý tưởng, dự án hoạt động để các anh chị em cùng biết, ai có sức có lực tới đâu thì chung tay tới đó. Tất cả đều hoạt động theo tinh thần tự nguyện, đóng góp vì chuyện chung, không có lương hướng gì nên không áp lực. Tin chuyện mình làm, thấy tốt cho đối tượng mình hướng tới được hưởng lợi, không phương hại đến ai nên ai nấy thấy vui thì làm thôi. Nhiều lúc các anh chị em cũng trách mình “ôm rơm nặng bụng”.

Là một người rất tích cực với hoạt động sống xanh, chị thấy hiện nay việc tuyên truyền tác động đã có hiệu quả nhiều chưa?

Được mà chưa được. Cái gì theo phong trào thì lúc không “khuấy động” lại chìm ngay. Bạn còn nhớ, hồi năm ngoái, hàng loạt siêu thị “gói rau bằng lá chuối”, sau đó chừng một tháng thì đâu lại vào đó. Đây chỉ là bề nổi. Quan trọng là ý thức. Khi đã ý thức được ắt có cách để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Như mình luôn tận dụng nhiều thứ để hạn chế tới mức thấp nhất trong việc thải ra môi trường thôi.

nguyen-thi-thanh-thuy

Với chị, sống xanh nghĩa là gì?

Ý nghĩa này rộng lắm, phải thực hành cả đời chớ chẳng chơi. Chẳng hạn, “xanh” trong ý thức là một chuyện không phải ai cũng làm được.

Ý thức từ việc giữ được tinh thần sống xanh trong gia đình, sinh hoạt cộng đồng, từ việc dùng những vật dụng đựng thức ăn bằng chất liệu thân thiện môi trường thay cho đồ nhựa, đồ dùng một lần đến đừng lãng phí thức ăn, nguồn nước sạch…

Hay một ý thức khác, một trong những hành động không xanh mà bây giờ hay gọi là “khẩu nghiệp”…

“Chợ quê giữa phố” mà hội thực hiện nhiều năm nay, ngoài việc cùng góp sức giữ nét quê, những món ăn trong ký ức, nơi của vườn nhà với những cây trái ngọt lành, đây cũng là môi trường thực hành và giáo dục hạn chế tối thiểu thải nhựa vào môi trường, nói không với các thể loại túi ni lông. Điều này có khó khi thực hiện nghiêm túc không?

Khách đến chợ toàn những người cùng tâm thế với hội quán, ai cũng thương, thấy chuyện gì chưa được là góp ý, phụ làm chuyện này chuyện kia để cùng giữ, cùng lan tỏa thông điệp của chợ. Nhìn cái chợ chút chun, nhóm có một buổi một tuần vậy chứ chuẩn bị và điều phối cả tuần. Không có mọi người chung tay, không có khách đi chợ và không có “hậu phương vững chắc” là những cô dì làm bún, bánh, những cô chú nuôi trồng sản vật, chị em phụ chợ và cả chuyện vận chuyển hàng hóa nữa, thì chẳng giữ nổi góc chợ quê giữa phố đâu.

Chị chọn quay về nếp xưa, “bảo tồn” từ cách ăn mặc, ăn uống… theo đất lề quê thói. Hẳn là có lý do?

Tôi có lối sống giản đơn lâu nay rồi, nếu không nói là “lúa”, các bạn tôi còn nói tôi là “lúa mùa”. Tôi chịu ảnh hưởng của má tôi nhiều lắm. Nay có cơ hội được làm những việc trong môi trường liên quan đến nếp nhà, đến gia đình nên cứ vậy mà làm thôi. Còn chuyện “bảo tồn” cũng một phần để tri ơn và thực hiện được phần nào ước nguyện của cố giáo sư Trần Văn Khê bởi hội quán may mắn có thời gian được học và làm việc cùng Thầy trong suốt 5 năm liên tục.

 Công việc này không quá khó. Nếu mình đừng quá kỳ vọng, thay đổi được tới đâu hay tới đó thì mình không thấy cực mà sẽ thấy vui khi nhìn thấy sự chuyển biến và thay đổi, nhất là có thêm nhiều người cùng làm việc này.

nguyen-thi-thanh-thuy
Với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Nghe kể rằng chị chỉ thích nấu ăn toàn món dân dã, quê xưa…

Các món ăn dân dã của xứ mình được ông bà chắt lọc kỹ càng qua bao nhiêu là năm tháng. Nếu làm đúng, sẽ ăn đủ, đâu sợ thiếu chất. Có những món ăn gắn liền với ký ức, với hương vị, phong vị, đặc sản, sản vật của từng vùng miền, mình ăn uống mà thấy thương và nhớ, lại có thể biết ơn đất, biển, hồ, rừng… và công của người chế biến, chăm chút, gói ghém hồn quê.

Nhiều chị em bây giờ, cứ chạy theo thuốc nên không chịu tìm hiểu thường thức gia đình để thấy nhiều món ăn – vị thuốc thật đơn giản, dễ làm, ăn vẫn ngon mắt, ngon miệng, lại chủ động phòng bệnh.

Bạn bè chị mách rằng Thanh Thúy là người không biết trang điểm, không đi spa, chỉ xài mỗi… kem chống nắng và tí son khi cần làm đẹp…

À, thật ra công việc của mình hiện tại không cần phải ăn diện, chứ thi thoảng cần, tôi vẫn thoa tí phấn, tô chút son cho hồng hào. Không biết tỉa tót chân mày hay vẽ viền mắt các kiểu như những chị em khác. Rồi chẳng biết làm đẹp cho tóc nên chỉ chải và túm lại cho gọn gàng thôi. Cái tính mình nó quen vậy, thay đổi làm chi nếu thấy không hạp.

 Có phải chị là người phụ nữ không cần sửa soạn?

Không phải, chỉ là tôi không quá lo lắng chuyện lão hóa vì đã lão thật rồi (cười). Tôi thuận theo tự nhiên, tới tuổi thì già, không níu kéo, chỉ biết giữ cho da mình khỏe, lúc cần vẫn che chắn. Từ nhỏ, má tôi đã dạy: có bộ đồ đi ra ngoài (đồ vía), đi đâu về là thay ngay, để đồ lâu cũ. Đồ đi làm, đi chơi phải khác. Ngay cả đồ ở nhà cũng không mặc “quần gà, áo vịt”.

nguyen-thi-thanh-thuy
Về làng gốm Bàu Trúc.

Khi ở nhà nhiều hơn, nhất là trong thời dịch bệnh, vai trò của người phụ nữ được nhắc đến nhiều hơn, và gánh nặng cũng áp lực hơn?

Đúng là có áp lực với nhiều gia đình có thu nhập giảm sút, chuyện cân đong cho bữa ăn, duy trì bầu không khí vui tươi trong gia đình, khó lắm. Nhất là loay hoay đã thấy tới kỳ trả tiền thuê nhà, tiền điện nước, vân vân. Chưa kể, khi không được làm việc bên ngoài trong một thời gian dài khiến người ta cũng dễ sinh bức bí. Bạn nghĩ xem, ngày trước, đa số người nội trợ chỉ lo ăn hai bữa sáng tối, giờ tới ba bốn bữa, ăn gì, đổi món gì cũng đủ mệt đầu.

Có lẽ, người phụ nữ vẫn có khả năng chịu đựng và thích nghi hơn đàn ông, họ có nhiều việc để làm từ thêu thùa, may vá, đọc sách, làm bánh trái… nên vẫn thấy mình ổn nhờ tìm vui trong công việc.

Năm năm trước, trong một lần giao lưu, tôi ấn tượng rằng chi tiêu gia đình chị gói gọn trong 5 triệu đồng/ tháng. Không biết đến bây giờ thì…

Theo thời gian, chi phí đó cũng tăng thêm tới 30% đó chớ. Nhà có 4 người, “khéo co” thì ấm thôi. Làm gì cũng ưu tiên thùng gạo phải đầy. Tôi luôn dành một khoản cho chuyện hiếu hỷ. Chi phí điện nước của nhà tôi chỉ nhích lên theo thời giá, các thiết bị vẫn vậy, có lẽ do không dùng máy điều hòa nên chi phí này cũng chỉ chiếm 10% ngân sách chi tiêu. Bữa ăn sáng tối chúng tôi luôn duy trì, cuối tuần có thể ăn ngoài hàng những món mà nhà mình không sở trường, coi như thưởng thức giải trí bên ngoài. Tôi thường cân đối, hôm trước mua cá đắt tiền, hôm sau sẽ ăn cá nhỏ (giá rẻ hơn nhiều), các món nấu ở nhà tôi luôn quân bình theo cách đủ chất và dinh dưỡng nhưng không tốn quá nhiều tiền. Sách cho con luôn là khoản tiền ưu tiên đầu tư. Các cháu được tự chọn mua sách học và sách đọc trong khoảng một triệu đồng.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị.

Hạ Lê (thực hiện) – Ảnh: NVCC

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục