Mù sương nhớ khói
Chuyến xe cuối ngày đưa tôi trở lại thành phố sau hai tuần đi công tác. Còn mấy mươi cây số nữa, tôi nhìn qua cửa kiếng, trời đã về chiều. Hai bên đường, những ruộng lúa xanh non mơn mởn. Xa xa thấp thoáng những mái nhà bình yên nép dưới hàng dừa.
Khói bếp nhà ai vờn lên bảng lảng khiến lòng tôi quay quắt nhớ ngọn khói lam chiều nơi quê nhà ủ ấm những bữa cơm giản đơn mà chan chứa ân tình.
Với tôi, những ngọn khói lam chiều ấy đã in sâu vào miền nhớ riêng dành. Ngọn khói mà ở phố có tìm đến tận cùng những con hẻm cũng không thể thấy. Ngọn khói nhẹ nhàng mà da diết lòng người phương xa những chiều thắt lòng nhớ làng thôn yêu dấu. Có người hỏi tôi sao lại gọi là khói lam, sao lại có mùi thơm, sao lại có vị ngọt? Tôi cười bảo rằng nếu có dịp tôi sẽ dắt bạn về quê. Bởi sẽ chân thật nhất nếu chính bạn cảm nhận ngọn khói bếp thơm nồng từ chái bếp quê.
Chiều hoàng hôn nắng nhẹ. Xong mùa gặt, những cánh đồng trơ gốc rạ trở thành sân chơi của tụi trẻ con trong làng. Bọn con trai chia đội chơi đá bóng. Thời ấy chưa có bóng da, chúng tôi khi thì dùng trái bưởi, khi thì dùng rơm quấn chặt thành bóng để chơi. Mấy đứa con gái thì lấy những tấm giấy cũ cắt thành hình con diều rồi dán vào khung được vót bằng tre. Những buổi chiều gió mát dìu dịu, chúng tôi mải chơi đến sẩm tối. Khi có đứa trong bọn bất chợt phát hiện mấy vệt khói bay lên từ gian bếp xa xa, chúng tôi tạm gác cuộc chơi để chạy bay về nhà, vì đứa nào cũng biết đó là dấu hiệu báo bữa cơm chiều đang được chuẩn bị.
Thời tôi còn nhỏ, quê tôi chưa có điện như bây giờ. Vừa sập tối là nhà nhà lại đốt rơm để đuổi muỗi. “Con cúi” là cách người quê tôi gọi búi rơm được bện chặt để đốt lên, đuổi muỗi trong nhà hay ngoài chuồng nuôi gia cầm, gia súc. Người ta vẩy thêm chút nước cho búi rơm âm ẩm, khói bay càng nhiều thành những luồng trắng ngà ngà. Đi trên con đường làng rợp bóng tre xanh, mùi khói rạ rơm len vào cánh mũi nghe nồng nồng. Như dang tay ôm lấy xóm làng, khói vờn qua những hàng rào dâm bụt, khói len qua từng nhánh bưởi thoảng đưa hương.
Trên đường làng, chúng tôi gặp từng toán người đi làm đồng về. Người xách theo mớ cá rô hay cá lóc bắt được ngoài đồng, người thì thong thả dắt đàn trâu về chuồng. Khói bếp từ những ngôi nhà hai bên đường bay ra, mùi nồng nồng cuốn vào quần áo. Mẹ tôi đi đồng về, quần xắn ngang gối thoảng mùi bùn từ ruộng. Mùi bùn ngai ngái mà những đêm ở phố tôi nhớ đến se lòng. Nó nhắc tôi luôn biết ơn và trân quý những nỗi vất vả, sự tảo tần của mẹ của ba ngoài đồng ruộng hai sương một nắng dành dụm cho tôi có từng quyển tập, cây viết lúc đến trường. Rồi khi tôi vào đại học, ba mẹ lại chắt chiu tiền bán lúa cho tôi trang trải cuộc sống ở thành phố có mức sinh hoạt phí khá cao.
Tôi nhớ gian bếp quê nhà có bóng dáng mẹ loay hoay với nồi cơm, ơ cá, mẹt rau… Ngày nhỏ đi học về, tôi hay chạy ù vào gian bếp đó. Mẹ thường đã lùi sẵn vài củ khoai. Khi lửa nồi cơm vừa tàn cũng là lúc củ khoai chín mềm, thơm nức. Gạt bỏ mớ khét ngoài vỏ là lớp ruột vàng ươm, dẻo ngọt. Mùa mưa, mái lá lâu năm dột lỗ chỗ lên kệ củi làm cho gian bếp cay nồng khi chụm củi ướt. Vậy mà mẹ vẫn cặm cụi nấu nướng, quệt nước mắt vì làn khói cay xè. Gian bếp cũng là nơi cả nhà hay quây quần những ngày mưa.
Khói bếp thơm thơm, thi thoảng tiếng củi tí tách văng lên làm đứa trẻ con là tôi ngày ấy thích thú. Tôi cuộn tròn trong lòng mẹ, mẹ thì ngả đầu vào vai ba. Khi ấy, tôi thấy những ngày mưa không còn lạnh lẽo nữa mà vô cùng ấm áp, thân thương.
Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy, hầu hết nhà ai cũng có bếp gas, bếp điện. Gian bếp vờn khói lam chiều dường như đã lùi vào quá vãng. Nhưng có những điều thời gian không thể làm phai mờ mà chỉ có thể làm dày thêm đó chính là những hồi ức đẹp đẽ về gia đình, làng xóm, về những bữa cơm chiều đầm ấm có ngọn khói lờn vờn bên mái hiên.
Cũng như chiều nay, qua cửa kiếng ô tô, tôi như thấy một vùng trời mờ sương ẩn hiện bóng dáng quê nhà. Những làn khói sẽ luôn còn đó, in sâu tận trong lòng những ai đã từng đi qua một thời tuổi thơ nơi làng quê.
Bất giác, tôi tự hỏi: “Đã bao lâu rồi tôi chưa về thăm ngọn khói?”.
Phong Dương
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn