Về Gò Nổi nghe dân ca bài chòi

Xã Điện Quang ở vùng Gò Nổi (Điện Bàn) có 3 câu lạc bộ (CLB) dân ca bài chòi được hình thành từ lâu, quy tụ những “nghệ sĩ chân đất” say mê điệu lý câu hò xứ sở, đem tiếng hát lời ca làm giàu thêm đời sống tinh thần cho người dân.

Ông Trịnh Xuân Đức biểu diễn tuồng. Ảnh: Đ.T
Ông Trịnh Xuân Đức biểu diễn tuồng.

Say điệu bài chòi

Nhiều lần xem các chương trình văn nghệ quần chúng của xã Điện Quang tham gia các liên hoan, hội thi văn nghệ do thị xã Điện Bàn tổ chức, chúng tôi khá bất ngờ về khả năng ca hát và diễn xuất của những diễn viên không chuyên ở địa phương này. Điều đặc biệt là, văn nghệ quần chúng xã Điện Quang đang sở hữu khá nhiều giọng hát đã qua tuổi năm mươi nhưng vẫn còn ngọt ngào và điêu luyện.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TTTH thị xã Điện Bàn cho hay, trong số 10 CLB dân ca bài chòi ở 10/13 xã nông thôn mới của thị xã thì 3 CLB dân ca bài chòi thôn Xuân Kỳ, Phú Văn và Bảo An của xã Điện Quang được đánh giá rất cao về việc duy trì hoạt động thường xuyên cũng như chất lượng các chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân và tham gia tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Chỉ trong một xã mà đã có tới 3 CLB dân ca bài chòi là điều ít thấy trong bối cảnh âm nhạc truyền thống đang bị lấn lướt bởi làn sóng giải trí hiện đại. Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam, người xuất thân từ “lò” văn nghệ quần chúng xã Điện Quang cho rằng, sở dĩ Điện Quang duy trì và phát triển mạnh các CLB dân ca bài chòi là nhờ vẫn còn đó nhiều “hạt nhân” văn nghệ. Họ là thành viên đội thông tin lưu động của xã vào những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ trước. Ngày ấy, đội thông tin lưu động xã Điện Quang hoạt động rất mạnh, có thể xem như cánh chim đầu đàn trong phong trào văn nghệ quần chúng Điện Bàn.

Nhiều giọng hát dân ca bài chòi một thời làm say đắm người nghe vùng Gò Nổi như Trịnh Xuân Đức, Lê Thị Châu, Lê Văn Chánh, Trần Thị Hoàng hay Huỳnh Thị Lắm… đến nay vẫn còn giữ được phong độ trong luyến láy, ngân nga với dân ca bài chòi.

Nghệ sĩ chân đất

Mới đây, trong chuyến công tác về Điện Quang để thực hiện Game show truyền hình Quê mình xứ Quảng, một lần nữa chúng tôi lại được nghe những giọng hát mượt mà, tràn đầy cảm xúc trên sân khấu. Thật bất ngờ với một Trịnh Xuân Đức – CLB dân ca bài chòi thôn Xuân Kỳ, tuổi đã ngoài 60 mà điệu bộ, giọng hát, sắc thái biểu cảm vẫn hào sảng như thời trai trẻ. Được xem là giọng ca chính của CLB, ông Trịnh Xuân Đức luôn đóng góp hết sức mình cho hoạt động chung, năng nổ và chịu khó trong việc tập luyện những bài bản của dân ca bài chòi mỗi lần có đợt tập huấn do Trung tâm VHTT&TTTH Điện Bàn tổ chức. Vì thế, CLB dân ca bài chòi thôn Xuân Kỳ luôn mang đến cho người dân trong thôn, trong xã những “bữa tiệc” văn nghệ đậm đà hương vị đồng bãi, nghĩa tình làng xóm.

Ở CLB dân ca bài chòi thôn Xuân Kỳ, ngoài giọng hát ông Trịnh Xuân Đức, còn có các đào, kép Trần Quang Khải, Huỳnh Thị Lắm, Trần Thị Duyên, Lê Thành hay Trần Thị Hương… Tất cả hòa chung câu hát dân ca đất mẹ để tạo nên một chương trình làm hài lòng người xem.

Một gương mặt khác ở CLB dân ca thôn Phú Văn cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem game show Quê mình xứ Quảng khi chị cùng với các thành viên trong đội văn nghệ của thôn trình diễn một chương trình dân ca lời mới rất đặc sắc. Đó là chị Lê Thị Châu, một giọng hát tuy tuổi đã cao nhưng vẫn khiến người xem trầm trồ khen ngợi. Xem chị hát và thể hiện nét mặt, ánh mắt, điệu bộ trên sân khấu chúng tôi cứ ngỡ đó là một diễn viên đang ở độ thanh xuân. Những điệu cổ bản, xàng xê, hay hò ba lý qua giọng hát chị Lê Thị Châu có sức cuốn hút rất lạ, tuồng như chị đang mời gọi người xem làm cuộc phiêu du về với quê hương Gò Nổi của mình, thăm đồng bãi, biền dâu, dòng sông miên man sóng nước.

Những nghệ sĩ chân đất làng Phú Văn như các anh, chị: Nguyễn Đình Hân, Lê Văn Chánh, Trần Thị Hoàng, Lê Thị Lời… dù hàng ngày tất bật với công việc đồng áng nhưng vẫn dành thời gian cho dân ca bài chòi ở CLB. Chính vì thế, mỗi khi họ có dịp đứng cùng nhau ca hát là một lần được thăng hoa trong âm nhạc, bỏ lại phía sau bao nhọc nhằn của cuộc mưu sinh. Có lẽ, điều thú vị ở các CLB dân ca bài chòi là vậy. Tập hợp, khơi dậy niềm đam mê và cống hiến cho âm nhạc truyền thống của quê hương chính là sợi dây níu giữ tâm tình người dân ở các làng quê xứ Quảng.

Ông Hà Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho hay, 3 CLB dân ca bài chòi của xã nhiều năm qua đã đóng góp rất lớn trong việc làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân trong xã và các xã lân cận vùng Gò Nổi. Đặc biệt, các CLB này chính là nòng cốt trong việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh làng quê nông thôn mới. Vì thế, cùng với sự hỗ trợ của ngành văn hóa thị xã Điện Bàn, xã Điện Quang luôn quan tâm, tạo điều kiện để các thành viên CLB hoạt động. Đồng thời chú trọng đến việc tạo nguồn nhân lực về dân ca bài chòi kế tiếp để duy trì và phát triển hơn nữa các CLB này.

Đặng Trương
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục