Phan Thanh Giản làm quan ở Quảng Nam

Phan Thanh Giản (1796 – 1867) là nhân vật lịch sử. Đời ông rồi sẽ được lịch sử phán xét một cách công bằng. Nhưng về nhân thân, ông là một vị quan thanh liêm, hết lòng với công việc và hết lòng thương yêu nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể qua hai lần “công vụ” ở Quảng Nam!

Phan Thanh Giản.
Phan Thanh Giản.

Hai lần làm quan ở Quảng Nam

Phan Thanh Giản tự là Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Ước Phu, Lương Khê, sinh năm 1796 tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình viên chức. Năm 1825 ông thi đỗ Cử nhân, năm 1826 đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp (vị thứ 3/10), là vị khai khoa Tiến sĩ cho cả vùng Nam Kỳ Lục tỉnh.

Hoạn lộ của Phan Thanh Giản vô cùng lận đận. Suốt nửa thế kỷ làm quan ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng, lên đến tột đỉnh quyền lực như Thượng thư bộ Lại, Hình, Chánh sứ toàn quyền đại thần, Tổng tài Quốc sử quán… nhưng cũng 7 lần bị giáng chức. Ở cương vị nào ông cũng chỉ biết cố gắng làm hết phận sự mình, dù vinh cũng không lấy đó làm kiêu hãnh, mà trái lại ít nhất ông cũng 4 lần dâng sớ khẩn khoản khước từ quyền cao chức trọng, nhưng vua không chấp thuận. Phan Thanh Giản được vua Tự Đức ban tặng tấm kim khánh với 4 chữ vàng “Liêm, Bình, Cần, Cán” nhưng cũng bị chính nhà vua kết tội: “Ôi con dân mấy triệu, tội gì mà khổ thế? Thật là đau lòng. Hai người không những chỉ là tội nhân của triều đình mà, còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”.

Đời ông là một bi kịch! Thời thế đã đẩy một ông già 71 tuổi phải nhịn đói 17 ngày để tự tử, nhưng không chết lại phải uống thêm chén thuốc độc mới kết thúc được. Ông là người mà đời sau tốn nhiều giấy mực để tranh cãi, khen nhiều, chê cũng không ít, có khi lại rất nặng nề: bán nước!

Nhận xét về ông, một người Pháp đã viết: “Phan Thanh Giản không kháng cự vì ông hiểu là hoàn toàn vô ích… nhưng trung thành với quân vương và để tự trừng phạt về điều mà sức ông không thể ngăn cản, ông từ chối các đề nghị trọng hậu của kẻ thắng, và với thái độ bình tĩnh của một cổ nhân La Mã: uống thuốc độc. Vị Kinh lược khả kính với tinh thần thung dung cho đến phút cuối cùng chết trong một căn nhà tranh nghèo nàn trong đó ông đã sống suốt thời gian cầm quyền. Ông muốn bằng lối sống ấy nêu cho mọi người cái gương vong kỷ, bần cùng và liêm khiết trong sự thực hành những chức vụ cao quý nhất” (E. Luro, Le Pay d’Annam, Paris 1897, trang 104).

Con người đặc biệt đó đã hai lần làm quan ở Quảng Nam và đã để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Lần thứ nhất vào năm 1831 khi đang làm Hiệp trấn ở Ninh Bình ông được điều về Quảng Nam để dẹp loạn ở vùng nguồn Chiên Đàn. Vì là văn quan thiếu kinh nghiệm chiến trường nên bị thua trận. Ông bị lột hết chức vụ cho đi làm lính để chuộc tội. Tuy vậy ông vẫn vui vẻ cầm gươm đi đầu hàng quân để làm gương về sự dũng cảm và tinh thần kỷ luật trong sự kính phục của tướng tá và quân sĩ!

Lần thứ hai vào năm 1835, đương làm việc ở Kinh ông được điều về làm Bố chánh Quảng Nam. Sách Đại Nam thực lục viết: “Tuần phủ Nam Ngãi Đỗ Khắc Tư dung túng cho thuộc lại ở tỉnh ta sự lấy quà cáp của dân. Việc phát giác bị tội cách chức. Dùng Đại lý Tự khanh Phan Thanh Giản làm Bố chính Quảng Nam, hộ lý ấn quan phòng Tuần phủ Nam Ngãi” (Tập IV, trang 689). Tuy nhiên vì “lo cho dân”, một năm sau ông bị cách chức, phải đi làm “phục dịch” cho người kế nhiệm!

Luôn đau đáu cho sự no đói của người dân

Năm 1835, Minh Mạng định thực hiện chuyến tuần du Quảng Nam. Được tin, Phan Thanh Giản trên cương vị Bố chánh của tỉnh dâng sớ can ngăn: “Bệ hạ tuần du, dân trong hạt nghe tin ai cũng hớn hở, tai muốn được nghe tiếng ngựa xe vua đi, mắt muốn được thấy cờ vũ mao tươi đẹp. Nhưng lúa chiêm năm nay kém, trong tháng 4 – 5 chính là mùa gieo cấy. Một khi phải làm việc ứng tiếp, được việc này mất việc kia. Lấy gì mà sống cho trọn năm. Xin được hoãn tuần du để tiểu dân được chuyển sức làm ruộng” (SĐD, quyển IV, trang 909).

Đọc sớ, dù rất “kín kẽ”, Minh Mạng đã phật lòng cho rằng Phan Thanh Giản không thực tâm khuyên can mà dùng “điển tích” Mạnh Kha thưa với Tề Hoàn Công để chê mình. Nhà vua cho “thanh tra” ngay vì cho rằng do muốn che đậy những “thiếu sót” của địa phương nên tìm cách ngăn cản. Một mặt nhà vua cho dừng cuộc tuần du, mặt khác sai hai Ngự sử Vũ Duy Tân và Nguyễn Bá Nghi tức tốc vào Quảng Nam để kiểm tra nhằm “đàn hặc” viên bố chánh coi việc “gieo trồng” của dân trọng hơn “tuần du” của hoàng đế. Theo tấu trình của hai viên Ngự sử, Phan Thanh Giản bị “cách chức hàm Bố chánh đưa xuống làm thuộc viên lục phẩm Quảng Nam khổ sai hiệu lực chuộc tội, dưới quyền viên hộ lý tuần phủ mới” (Sđd, Quyển IV, trang 909).

Để gỡ thể diện, một năm sau Minh Mạng cũng cho tiến hành lại cuộc tuần du nhưng dưới danh nghĩa đi kiểm tra việc xây thành An Hải, Điện Hải và đào sông Vĩnh Điện cùng “gia ân cho làng mạc, xem xét các quan lại khiến sự tình kẻ dưới có gì bị che lấp oan uổng hay không”.

Sau khi “kinh lý” Minh Mạng đã trọng thưởng cho quan lại địa phương, miễn thuế cho dân và… triệu Phan Thanh Giản về kinh nhận nhiệm vụ mới vừa thể hiện sự “biết điều” vừa thể hiện sự “sáng suốt” của nhà vua về sự… vô tội của Phan Thanh Giản!

Sự lo lắng cho tình trạng mất mùa ở Quảng Nam của Phan Thanh Giản còn được thể hiện qua bài Vọng vũ (Mong mưa) Phan Thanh Giản viết năm 1836, được đăng trong tập Lương Khê thi thảo: “Kinh tuần thiên bất vũ/ Nhật mộ chỉ vi lương/ Khinh vân từ dục hợp/ Đông phong xuy cánh dương/ Thiên tuế tự chung uất/ Thanh thần như phi sương/ Chiêm bỉ cao đê điền/ Hoà miêu bán huy hoàng/ Kim hạ túng phóng thu/ Thu lai mễ giá ngang/ Huống phục thử cang hạn/ Nông dân thực khả thương/ Nguyện tảo giáng xuân cao/ Cập thi tô chưng thương”.

Dịch nghĩa:

Mong mưa

Suốt mấy tuần, trời không mưa,

Chiều tối chỉ thấy hơi mát mà thôi.

Những lớp mây mỏng từ từ muốn hợp lại,

Thì liền bị gió dông thổi bay tan đi mất,

Khắp trời cứ nung nấu oi bức,

Vừa mới sáng ngày mà khí trời đã bốc như sương bay!

Trông ra những ruộng cao, ruộng thấp kia,

Lúa mạ đã úa vàng đến một nửa.

Vụ chiêm năm nay dù có được mùa,

Nhưng sang thu giá gạo vẫn cao.

Huống lại bị cơn hạn này,

Nông dân thật là đáng thương.

Ước mong sớm được trận mưa mát mẻ

Để kịp thời cứu sống nhân dân.

(Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858 – 1920, Huỳnh Lý chủ biên, Nxb Văn Học, 1987, trang 143).

Lê Thí
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục