Váy làm từ… tảo, nhưng cảnh báo là không được mặc đi mưa

Nhận thức được lượng rác thải do ngành công nghiệp thời trang tạo ra mỗi năm có thể gây hại cho môi trường, một cô sinh viên ở Anh Quốc nảy ra ý định phát triển một loại vật liệu sinh học có thể phân hủy tự nhiên.

Scarlett Yang, sinh viên tốt nghiệp trường Central Saint Martins, London, gây ngạc nhiên khi kết hợp chiết xuất tảo và protein kén tằm để tạo ra một chiếc váy nhìn “lung linh” giống như được dệt từ sợi thủy tinh.

vay-lam-tu-tao
Chiếc váy nhìn huyền ảo giống như được “dệt” từ sợi thủy tinh

Phân hủy trong nước

Điều kỳ lạ là chiếc váy này thay đổi kích cỡ theo thời gian và có thể phân hủy trong nước trong vòng 24 giờ. Chiếc váy vật liệu sinh học này có thể thay đổi hình dạng để đáp ứng với các mức độ ẩm và nhiệt độ khác nhau, chất liệu “vải” trở nên xoắn và nhàu khi các điều kiện này tăng lên. Điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí địa lý và mùa mà quần áo được mặc.

Yang giải thích: “Sau khi theo học ngành thời trang trong 5 năm, tôi nhận ra rằng quá trình phát triển dự án thiết kế thời trang truyền thống cho ra một lượng chất thải khổng lồ. Các sản phẩm mẫu may mặc cần phải được thực hiện nhiều lần trước khi sản xuất thực tế, chưa nói đến quy trình sản xuất sau đó.”

“Đó là chưa kể phần lớn hàng dệt may trên thị trường không thể tái chế được. Thực tế này cho thấy những sinh viên ngành thời trang cũng đang góp phần gây ra vấn đề ô nhiễm nếu chúng ta vẫn học và làm việc theo cách truyền thống.”

Cô nói thêm rằng các sản phẩm may mặc của mình thể hiện vẻ đẹp của các dạng sống của sinh vật trong tự nhiên, nhằm tạo cảm hứng cho mọi người tìm hiểu về khái niệm vòng đời vật chất.”

vay-lam-tu-tao
Mô phỏng kỹ thuật số của chiếc váy trong các điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau

Công nghệ in 3D và cắt laser

Để làm ra chiếc váy đặc biệt này, đầu tiên Yang sử dụng thiết kế tổng hợp để tạo ra mô hình máy tính 3D có hình dạng kết cấu mà vật liệu sẽ tạo ra trước khi chế tạo kỹ thuật số khuôn đúc bằng công nghệ in 3D và cắt laser. Điều này là để đảm bảo cô không tạo ra dư thừa nguyên liệu và tránh lãng phí.

Sau đó, nhà thiết kế đổ vật liệu sinh học – được làm từ hỗn hợp nước, thuốc nhuộm màu và chiết xuất tảo – ở dạng lỏng lên khuôn và để nó đông đặc lại.

Sau đó, cô dùng một loại protein kén tơ tằm – được gọi là sericin – để tạo nếp gấp và co lại. Loại protein này có tác dụng này do đặc tính “kỵ nước”.

Lâu nay, protein kén tơ tằm thường được coi là chất thải trong sản xuất dệt may công nghiệp, nhất là trong các nhà máy sản xuất tơ lụa truyền thống ở châu Âu và châu Á. Do đó, cô đã sử dụng sericin để giúp nó không bị lãng phí.

Trong khi tạo ra một phiên bản vật lý của chiếc váy, Yang cũng sử dụng mô hình 3D để mô phỏng các kết quả khác nhau có thể xảy ra của chất liệu trong các điều kiện thời tiết và nhiệt độ khác nhau.

vay-lam-tu-tao
Vật liệu sinh học thay đổi hình dạng để đáp ứng với các mức độ ẩm và nhiệt độ khác nhau

Theo Yang, nếu vật liệu làm từ tảo được úng dụng cho các sản phẩm thương mại, nó có thể có nhiều dạng, bao gồm hàng may mặc thời trang, sản phẩm nội thất hoặc vật liệu đóng gói.

Cô cho rằng các sản phẩm tiêu dùng được làm bằng chất liệu sinh học này có khả năng bị phân hủy sau thời gian dự kiến sử dụng. Việt quyết định các giai đoạn phân hủy của vật liệu sẽ do nhà sản xuất cân nhắc để điều chỉnh.

Hiện tại, một số nhà thiết kế cũng đang tìm đến các vật liệu có nguồn gốc từ thực vật để tạo ra các sản phẩm thời trang bền vững hơn. Giống như Yang, nhà thiết kế Charlotte McCurdy ở New York dùng tảo để may chiếc áo khoác chống nước giúp thu khí CO2 từ khí quyển.

Tương tự, nhà thiết kế người Canada gốc Iran Roya Aghighi đã tạo ra những bộ quần áo làm từ tảo và có thể biến carbon dioxide thành oxy thông qua quá trình quang hợp.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Dezeen

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/vay-lam-tu-tao-nhung-canh-bao-la-khong-duoc-mac-di-mua/

Cùng chuyên mục