Văn chương “được mùa” lên phim Việt
Bộ phim Hương Ga là một chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú. Cp2n phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, do Việt Linh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Riêng năm 2014, điện ảnh Việt khá ưu trội cùng các kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn chương, với ít nhất 4-5 phim được sản xuất, 3-4 phim đang giai đoạn chuẩn bị.
Chuyển thể văn chương là một thao tác cũ với điện ảnh Việt Nam và thế giới. Đơn cử như trong số 85 phim đoạt giải Oscar cho phim hay nhất từ năm 1927/1928 đến năm 2012, đã có 47 phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn. Gần 80% phim của điện ảnh Nga hiện nay cũng được chuyển thể từ các tác phẩm văn chương – theo thông tin từ Festival Văn học và điện ảnh của nước này. Thế nhưng việc “trở lại” chuyển thể được đạo diễn Vinh Sơn đánh giá là một tín hiệu tốt.
Sôi động
Đạo diễn Cường Ngô rất cẩn trọng với việc này, nên trách nhiệm chuyển thể thuộc về nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cố vấn kịch bản là đạo diễn Việt Linh, trợ lý kịch bản là biên kịch Nguyễn Thị Như Khanh. Cũng xin nhắc lại, Phiên bản từng được chuyển thể thành phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn, nên Cường Ngô muốn khai thác hướng khác cũng là điều dễ hiểu.Đoàn phim Quyên (ĐD: Nguyễn Phan Quang Bình) sang tận châu Âu để quay những bối cảnh chính. Tiếp nối việc chuyển thể Cánh đồng bất tận, phim này đạo diễn Bình chọn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Với bối cảnh Đông Âu thời bức tường Berlin sụp đổ, Quyên là nhân vật đầy ẩn dụ về thời thế và phận người. Nhất là câu hỏi lớn: Mỗi cá nhân chúng ta sẽ như thế nào trong bối cảnh chuyển đổi khốc liệt, nơi thời cuộc không thuộc về mình?

Trở về từ LHP Busan 2014, Nước – 2030 của Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Dịu dàng của Lê Văn Kiệt đang tham dự LHP Quốc tế Hà Nội 2014. Nếu Dịu dàng (tên tiếng Anh là Gentle) chuyển thể từ truyện ngắn Một sinh vật dịu dàng của văn hào F. Dostoevsky, thì Nước – 2030 chuyển thể từ truyện ngắn Nước như nước mắt của Nguyễn Ngọc Tư.



Một phim khác được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư là Đời như ý, do đạo diễn Việt kiều Vương Quang Hùng thực hiện. Hai anh em Như và Ý rồi sẽ có được cuộc sống như ý không là câu hỏi mà đạo diễn Hùng muốn kể lại cho người xem. Trong truyện, câu mở và câu kết Nguyễn Ngọc Tư đã hỏi: “Làm gì có chuyện đời như ý?”.
Đạo diễn ăn khách Victor Vũ thì lần đầu tiên đến với kịch bản chuyển thể, đó là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, thành công vang dội. Hướng đến sự trưởng thành của trẻ em, cả nhà văn, biên kịch và đạo diễn đều muốn xây dựng việc thoát nỗi sợ ma quái khi cho nhân vật thực hiện hành trình đối diện với Xóm Miễu. Siêu thực, thần thoại, lãng mạn và đời thường là chất của phim này.
Trong các phim được Nhà nước đầu tư gần đây thì Mỹ nhân (KB: Văn Lê, ĐD: Đinh Thái Thụy) bấm máy tại Huế là một chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Văn Lê. Phim lật giở lại một nghi oán loạn luân còn nhiều tranh luận, liên quan đến cuộc đời hai ca nương là Tống Thị Xuân Đào và Lê Thị Thừa.
Cơ hội và thách thức
Thế mạnh dễ thấy nhất của việc chuyển thể chính là sức hấp dẫn sẵn có từ tác phẩm văn chương, bởi hiếm khi người ta chuyển thể một tác phẩm dở. Hơn nữa, sự sâu lắng và khả năng kích thích trí tưởng tượng cũng là những thế mạnh từ tác phẩm văn chương. Về sự sâu lắng, nhiều nhà phê điện ảnh và đạo diễn như Serge Daney, Jean-Luc Godard, Jacques Rivette, Denis Gifford, Phillip Lopate… đã chỉ ra.
Trong một cuộc trò chuyện riêng, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm (Chánh Phương Films) nói rằng không có gì thách thức bằng việc đọc kịch bản dở, mà loại này thì rất nhiều, gần như tuần nào tháng nào cũng phải đọc. Nhà sản xuất nào cũng nói thiếu kịch bản, nhưng đó là kịch bản sâu sắc, có bề dày văn hóa, chứ kịch bản hời hợt, đủ trang đủ chữ thì nhiều lắm. Trước tình hình đó Chánh Phương Films luôn để ý tìm kiếm thêm các kịch bản chuyển thể từ văn chương, bởi loại này đã có cái nền câu chuyện tương đối sâu từ tác phẩm gốc.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc thì nhận định: “Trong một tác phẩm nghệ thuật, “hạt nhân xúc cảm” rất quan trọng, khi dựa trên một tác phẩm văn chương, thường không phải lo thiếu yếu tố này. Tác phẩm văn chương cung cấp tâm lý nhân vật, bối cảnh, lời thoại và rất nhiều thứ khác, bản thân nó đã là một cuốn phim của nhà văn. Ta chỉ tái cấu trúc để cộng thêm giá trị, tô đậm điều muốn nói chứ không trừ bớt đi. Nói tóm lại, văn chương cung cấp độ sâu cho nhiều loại hình nghệ thuật khác – ví dụ như phim thường thiên về chiều rộng để phục vụ quảng đại quần chúng.
Cũng xin nói thêm, gần đây một số phim Việt do đạo diễn tự viết (nhất là đạo diễn Việt kiều) cứ bị… lỗi và sạn trong nhiều thứ, trong đó nặng nhất là thoại. Nếu có sẵn thoại trong văn chương, sẽ giúp sản phẩm điện ảnh hoàn thiện nhiều hơn”.
Còn với đạo diễn Cường Ngô thì: “Ngôn ngữ văn chương rất khác với ngôn ngữ điện ảnh, một bằng chữ viết, một bằng hình ảnh. Cho nên ngôn ngữ văn chương sẽ giúp cho đạo diễn, biên kịch và diễn viên hiểu sâu và sắc bén hơn về nội tâm nhân vật, để qua đó truyền tải ngôn ngữ điện ảnh bằng hình ảnh, âm thanh và nghệ thuật biểu diễn.
Thường việc chuyển thể chỉ đến với một tác phẩm văn chương đã được qua nghiên cứu chuyên môn, đi sâu vào vấn đề và chủ đề, nghĩa là nó đáng chú ý. Nhờ vậy khi chuyển thể qua ngôn ngữ điện ảnh, các nhà làm phim sẽ không bị lạc hướng khi nghiên cứu chuyên môn.
Đa số những tác phẩm văn chương đều có tính nhân văn và nhân bản, chủ đề và thông điệp được tô rõ nét, vì thế những điều này được đạo diễn, biên kịch và diễn viên có đầy đủ chất liệu đễ sáng tạo thêm trong công tác chuyên môn về sáng tác nghệ thuật của mình”.
Thế nhưng nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn thì có ý khác, ông cho rằng đa phần điện ảnh thời nay phụ thuộc trực tiếp vào nền công nghiệp kiếm tiền, nếu mà có làm lại Cuốn theo chiều gió, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm… thì câu hỏi đầu tiên vẫn là có lãi hay không, chứ không phải kịch bản nhiều chất văn chương hay ít. Nếu không có lãi thì sẽ không làm, còn đã chuyển thể thì cũng phải chú ý vào tính thương mại, nên chất liệu văn chương không giữ thế quyết định.