Tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng và nhà giáo Hà Mai Anh

Kể từ ngày ra đời đến nay đã gần 140 năm, và hơn 70 năm đến với người Việt qua bản dịch của dịch giả Hà Mai Anh; tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis vẫn là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ người đọc khắp nơi trên thế giới.

tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh
Sách Tâm Hồn Cao Thượng qua những lần tái bản tại Việt Nam

Dịch giả Hà Mai Anh (1905-1975) còn có bút hiệu là Mai Tuyết và Như Sơn. Ông là một thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh trong thập niên từ những năm 40 đến 60 của thế kỷ trước. Quê ở Thái Bình, đậu bằng Cao đẳng Tiểu học và tốt nghiệp trường Sư phạm, ông từng làm giáo học và hiệu trưởng ở các tỉnh ở Bắc kỳ, đồng thời đóng góp nhiều bài vở cho các báo đương thời. Năm 1954, ông vào sống miền Nam. Sự nghiệp văn học của ông chủ yếu là biên soạn sách giáo khoa và biên dịch các tác phẩm mang tính cách giáo dục.

Những tác phẩm nước ngoài được ông biên dịch đều có nội dung hướng thượng, mang tính giáo dục như Vô Gia Đình, Trong Gia Đình, Về Với Gia Đình của Hector Malot; 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới, Thuyền Trưởng 15 Tuổi của Jules Verne; Gulliver Du Ký của Jonathan Swift; Em Bé Bơ Vơ (David Copperfield) của Charles Dickens, Chuyện Trẻ Em của Charles Perrault…, trong số đó nổi tiếng nhất là quyển Tâm Hồn Cao Thượng (Cuore) của Edmondo De Amicis; bản dịch của ông đoạt giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội vào năm 1943. Bấy giờ, Tâm Hồn Cao Thượng được xem như một dạng Luân lý giáo khoa thư cho học sinh của thế kỷ XX, và trở thành sách hay cho nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam trong suốt nhiều thập niên.

tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh
Những tác phẩm do Hà Mai Anh dịch thuật

Từ tác phẩm Cuore của Edmondo De Amicis (1846-1908) ấn hành năm 1886, tác phẩm được nhà văn A. Pazzi chuyển sang Pháp ngữ thành Les Grand Coeurs, và Hà Mai Anh  dựa vào bản Pháp ngữ này để dịch thành Tâm Hồn Cao Thượng. Edmondo De Amicis viết tác phẩm cho trẻ thơ này theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh); một cậu học trò 11 tuổi học tiểu học.

tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh

Tâm Hồn Cao Thượng gồm 60 tiểu mục là câu chuyện dẫn dắt từ một Ngày khai trường tại thành Torino, Tây Bắc nước Ý vào thứ Hai ngày 17.10, đến chương Trang cuối cùng của mẹ tôi vào thứ Bảy, ngày 1.7 với dòng kết:

“Mẹ tôi tin rằng hình ảnh trường cũ sẽ in vào ký ức của con cho đến lúc tàn hơi thở cuối cùng, như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng của căn nhà cũ mà ở đó, mẹ đã nghe tiếng khóc ban đầu của con – Mẹ con”.

tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh
Tranh minh họa trong bản Tiếng Pháp
tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh
Tranh minh họa “Cô giáo của em tôi”

Từng mẩu chuyện ngắn đã ghi lại trong lớp học biết bao vui buồn, những tinh nghịch, an ủi, chia sẻ cho nhau là tất cả những hình ảnh của tuổi học trò mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua như An Di. Tâm Hồn Cao Thượng được Hà Mai Anh chuyển ngữ với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị, khi đọc sẽ cho thấy rõ đó chính là cảm tưởng và tâm tình của một cậu bé học lớp Ba với bậc sinh thành, với thầy cô và cả bạn bè. Lời thầy cô, cha mẹ nhắn nhủ, khuyên bảo từng cử chỉ, hành động nhỏ nhặt trong nhà, trong lớp đến ý thức và trách nhiệm người con dù còn nhỏ với Tổ quốc đều nằm cả trong đó.

Dưới đây là một đoạn cuối trong Tâm Hồn Cao Thượng:

“Mẹ tôi

Thứ Tư, ngày 25 tháng Mười Một

Sáng nay, cô giáo Đan Cát Tiên lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế, cha tôi răn tôi bằng lá thư sau đây, đọc rất cảm động:

“Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An Di ơi! Lần sau không được thế nữa! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải bỏ con thì lại sụt sùi. Con ơi! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống. Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là con mất mẹ con.

Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, vì dù lớn đến mức nào, khỏe đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào dày xéo lên chữ Hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm; con người dù sang trọng tuyệt vui, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.

An Di ơi! Con xin lỗi mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xóa sạch vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!

Cha con”

Tâm Hồn Cao Thượng bắt đầu phổ biến rộng rãi tại Việt Nam từ thập niên 1950- 1960 của thế kỷ trước. Một số đoạn trong sách được các nhà giáo dục đương thời chọn cho vào sách giáo khoa. Nhà khoa học, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã coi cuốn sách Tâm Hồn Cao Thượng là “cuốn sách đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay” đến ông. Trong bài viết Một thuở học trò, ông viết:

“… Những câu chuyện ở học đường và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An Di, những mẩu chuyện vui buồn trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thấm đẫm tình người. Đó chính là quyển truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha. Từ ngày theo trung học ở Hà Nội, và sau này là bậc đại học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi đều phải tự mình mua sách vở giấy bút, nhưng bao giờ  khai trường, vào những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng vở thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu đó. Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi…”.

Một người học trò cũ của ông, nhà văn Lưu An cũng viết:

“… Thầy Hà Mai Anh là vị thầy thứ tư của đời tôi, thầy đã dạy tôi năm lớp Nhì tiểu học, khi tôi 12 tuổi. Sau khi vào Nam, việc học của tôi bị gián đoạn khoảng hơn một năm vì bố mẹ và anh em tôi cùng ông nội phải theo gia đình nhà chủ lên Đà Lạt làm rẫy, lập trang trại. Mãi đến 1955, gia đình tôi mới trở về Sài Gòn. Vì thấy tuổi tôi đã lớn, ba tôi xin ngang cho tôi vào lớp Tư, Trường Tiểu Học Chí Hòa. Nhờ đó, tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời, năm 1967 khi lên lớp Nhì, vào được lớp của thầy Hà Mai Anh. Thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến hướng đi suốt cuộc đời tôi. Lương tâm tôi không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình, phần lớn nhờ vào những bài học đạo đức cũng như lời khuyên nhủ thấm nhuần từ vị thầy kính yêu. Với những bài học Sử, thầy dẫn tôi vào những cảm giác ngất ngây, đầy hào khí qua những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng quê hương. Tất cả những dư âm oai hùng của Tổ quốc ngàn năm đó đã được thầy êm ả đưa vào tâm tư non nớt của hơn 50 đứa học trò lớp Nhì từ hơn 40 năm về trước, chẳng bao giờ tôi quên. Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức Dục vào buổi sáng, thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một chuyện về lòng nhân đạo, rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần vào một ngày mùa Đông lạnh giá…”.

tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh
Sách Tâm Hồn Cao Thượng qua những lần tái bản tại Việt Nam

Được biết, sau 1975, Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh được tái bản rất nhiều lần tại Việt Nam. Với nội dung mà tác giả muốn chuyển tải, có thể nói rằng, thế hệ trẻ dù ở nơi đâu cũng đều có thể chinh phục được các trở ngại để vươn lên phía trước, đồng thời có thể tiếp nhận kiến thức, phát huy những giá trị tinh thần qua những mẩu chuyện nhỏ nhằm nuôi dưỡng tâm hồn.

Hi vọng rằng trên mảnh đất mà phù sa là những câu chuyện của Enico Bottini từ nước Ý xa xôi, có thể là những hạt mầm tử tế sẽ tiếp tục ươm chồi nảy lộc trong tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay.

Tôn Thất Thọ

Theo DoanhNhân+

 

Link nguồn: https://doanhnhanplus.vn/tac-pham-tam-hon-cao-thuong-va-nha-giao-ha-mai-anh-556388.html

Cùng chuyên mục