Trao giải Nhớ thương mùi Tết 2019

Chiều 5/3/2019 tại TP.HCM, báo Thế giới thiếp thị online đã tổng kết, trao giải cho các tác giả – tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi viết Nhớ thương mùi Tết năm 2019 do báo này tổ chức.

Theo ban tổ chức, cuộc thi bắt đầu nhận bài từ ngày 5/1/2019 đến hết ngày 15/2/2019, chính thức đăng tải các bài dự thi từ ngày 9/1 – 19/2/2019. Với hơn 500 tác phẩm dự thi, trong đó có không ít người dự thi từ nước ngoài gửi về, ban tổ chức chọn đăng 123 bài, những bài được đăng đồng nghĩa với việc đã qua vòng sơ khảo. Và từ 123 bài này, ban tổ chức đã chọn ra 30 bài dự thi vào chung khảo cuộc thi để chấm giải.

Quang cảnh buổi trao giải

Ban giám khảo gồm nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà báo Hứa Đức Phong và ông Nguyễn Hoàng Nam ( Ban biên tập báo Thế giới tiếp thị online).

Theo quy định và thể lệ ban đầu của cuộc thi, sẽ có 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Tuy nhiên, trong quá trình chấm, ban giám khảo nhận thấy còn một số bài chất lượng nên đã tăng thêm 3 giải Khuyến khích thành 8 giải.

Trao hoa, quà lưu niệm cho 30 tác giả có tác phẩm vào vòng chung khảo

Trần Nhã Thụy cho rằng những bài đã đăng là những bài hay, có cảm xúc, khiến nhà văn nhớ từng mùi Tết trong từng bài dự thi mà anh đã đọc.

Nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng các bài chọn đăng đều là những bài hay, cảm xúc.

Quả thật, những bài dự thi đã gợi nhớ về từng kỷ niệm, là mùi Tết của mỗi người qua lăng kính, sự trải nghiệm của chính tác giả. Như trong bài Cha, gian bếp ấm và những cây đèn vỏ chai tháng Chạp của tác giả Nguyên Hậu (tên đầy đủ Nguyễn Thị Hậu, Phú Yên), làm người đọc gợi nhớ về những hình ảnh cây đèn dầu đầy gian khó. Nhưng cây đèn dầu trong bài của Nguyên Hậu viết, còn có nét riêng, đó là nó được làm từ những chai thủy tinh với bấc (sợi tim) được kết từ bông gòn và cả hình ảnh người cha mình mỗi sớm.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng mùi Tết là mùi mà mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng và ai cũng có.

“Một số người thắc mắc sao thấy ít hình bóng mẹ quanh cây đèn dầu vào buổi sáng, vì mẹ tôi là lao động chính trong nhà, nên mẹ rất mệt và thường ngủ dậy trễ. Trong khi đó, do sức khỏe yếu, nên ba không làm nhiều việc nặng, và ba thường thức dậy sớm với những công việc của mình” – chị Nguyên Hậu chia sẻ.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải Khuyến khích

Và với câu chuyện rất thực, rất xúc động đó, bài Cha, gian bếp ấm và những cây đèn vỏ chai tháng Chạp đã giành giải Nhất.

Trao giải Nhất cho tác giả Nguyên Hậu với tác phẩm “Cha, gian bếp ấm và những cây đèn vỏ chai tháng Chạp

Giải Nhì của cuộc thi là bài Tết trốn nợ của mẹ tôi của tác giả Hoàng Dương (tên thật Lê Xuân Hiệp, Hà Nội) cũng để lại những lắng đọng riêng cho người đọc.

Đó là câu chuyện của một bà mẹ ở một vùng quê của Hà Nội, vì thiếu tiền người ta, bà hay trốn nợ vào những ngày 30 Tết và chỉ dám về nhà vào sáng mồng Một. Những ngày 30 Tết trốn nợ, vì bà sợ có bà ở nhà, chủ nợ sẽ đòi nợ khiến cho con của bà lo lắng.

Tác giả Hoàng Dương chia sẻ về câu chuyện “Tết trốn nợ của mẹ tôi” – giải Nhì

Câu chuyện rất thật ấy, được Hoàng Dương kể lại, tất nhiên qua những trang viết, đã chạm đến trái tim của nhiều người. “Sau này khi lớn lên, tôi có hỏi mẹ là những lần trốn nợ ngày 30 Tết đó, mẹ ở đâu? Thì mẹ nói là mẹ trốn ở túp lều của nhà một người rất nghèo ở cuối xóm” – tác giả chia sẻ.

Đây là một trong số bài nói về mùi Tết nhưng không định danh rõ là mùi bánh, mùi hoa…, nhưng nó luôn đọng trong ký ức mỗi người, chỉ kịp ùa về khi được nhắc nhớ, gợi mở như cách nhà thơ Lê Minh Quốc nói trong buổi trao giải.

Đồng thời, anh cũng cho rằng mùi Tết đọng lại trong mỗi người sẽ rất khác, rất riêng mà phải chính ở quê hương họ, nơi họ có nhiều tình cảm nhất, thì sẽ mới cảm nhật được những mùi nhớ thương ngày Tết cụ thể nhất.

Giải Ba thuộc về bài Thềm nhà ngày Tết của Chung Thanh Huy (TP.HCM). Và 8 giải Khuyến khích: Bồi hồi Tết quê xưa của Nguyễn Hương Giang (Kon Tum),  Mùi nhựa hàn dép, mùi Tết của tôi củaTrần Tuy An (Trần Trọng Tri, TP.HCM), Nhớ Tết tuổi thơ nơi núi rừng Ngàn Hống của Phạm Phương Lan (TP.HCM), Nhớ mùi lúa mới cơm lam của Thủy Vũ (Đăk Nông), Tết về trên những tàu lá chuối của Ngũ Thanh Tuyến (Nguyễn Thanh Tú, Khánh Hòa), Mùi xưởng đu đủ chua của má của  Trần Minh Hợp (TP.HCM), Tết ngập mùi ký ức của Nam Giao (Huế), Đường về nhà ngày Tết của Hạ Ni (vương quốc Anh).

An Vĩnh

Cùng chuyên mục